Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: Cần thêm quy định tăng tính răn đe
Mới đây, TAND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) xét xử sơ thẩm vụ án hình sự với 2 bị cáo là Nguyễn Sỹ Thanh (SN 1979) ở thôn Thái Đào, xã Thái Đào và Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1995) trú tại thôn Yên Lại, xã Yên Mỹ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
![]() |
Một phiên tòa xét xử tội phạm về xâm phạm sở hữu của TAND TP Bắc Giang. |
Theo tài liệu vụ án, Thanh là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, mua bán ô tô, xe máy cũ. Khi có người mang xe đến cầm cố hoặc bán, nếu xe có đủ giấy tờ thì Thanh nhận cầm đồ với giá cao, còn không thì giá thấp. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2019, Thanh đã bán 3 xe máy cho Ánh. Tại phiên tòa, Thanh thú nhận, nhiều xe khách mang đến cửa hàng không rõ nguồn gốc nhưng vì lợi nhuận nên vẫn mua để kiếm lời.
Tương tự, đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Ánh dù biết xe không có giấy tờ nhưng vì ham rẻ nên mua lại của Thanh. Sau đó, đối tượng đặt làm giả giấy chứng nhận đăng ký, biển kiểm soát để sử dụng và nhượng lại cho người khác. Dù có hành vi phạm tội nhiều lần nhưng do tổng giá trị tài sản tiêu thụ của 2 bị cáo dưới 100 triệu đồng nên mức phạt của bị cáo Thanh chỉ là 10 tháng tù, Ánh 8 tháng tù.
Thẩm phán Nguyễn Văn Sang (TAND huyện Lạng Giang) chia sẻ: "Từ thực tiễn xét xử cho thấy, các trường hợp phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, nhất là nhóm đối tượng chủ cửa hiệu cầm đồ khi được hỏi họ đều lấy lý do không biết tài sản đó do người khác phạm tội mà có, chỉ đến khi Hội đồng xét xử chứng minh bằng các luận cứ, lời khai của bị hại thì họ mới thú nhận là có biết nguồn gốc tài sản nhưng vẫn cố tình vi phạm".
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng khởi tố 184 vụ với 242 bị can về tội xâm phạm sở hữu; đưa ra xét xử 36 bị can liên quan đến tội danh tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. |
Theo cơ quan chức năng, những điểm tiêu thụ tài sản phạm pháp này thường được ngụy trang bằng hình thức kinh doanh như: Cửa hàng cầm đồ, mua bán xe máy, điện thoại cũ… Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ phát hiện, điều tra ra các tội phạm liên quan đến tội danh này còn ít. Đơn cử như tại TP Bắc Giang từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng khởi tố 21 vụ với 26 bị can về tội xâm phạm sở hữu nhưng chỉ khởi tố 4 vụ về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Nguyên nhân của việc ít điều tra, xử lý được đối với loại tội phạm này một phần do phương pháp, thủ đoạn của nhóm tội phạm ngày càng tinh vi, một phần do quy định pháp luật còn chưa cụ thể, rõ ràng. Việc xử lý hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 250, Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.
Tuy nhiên, tại khoản 1 điều này quy định, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người mua biết rõ tài sản tiêu thụ do phạm tội mà có. Nếu không, việc tiêu thụ chỉ là một giao dịch dân sự thông thường. Thẩm phán Trịnh Ân, Chánh án TAND TP nhìn nhận: "Trong công tác điều tra và xét xử, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự không thừa nhận mình biết đó là “đồ gian”. Với những tài sản có giá trị lớn, theo quy định của pháp luật, phải có giấy tờ sở hữu để chứng minh nguồn gốc nhưng với việc tiêu thụ tài sản có giá trị không cao cơ quan chức năng khó có căn cứ để quy kết người mua”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phòng ngừa, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở cầm đồ, điểm kinh doanh hàng đã qua sử dụng. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cũng nên nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các quy định về xử lý đối tượng tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo hướng tăng tính răn đe. Chỉ khi xử lý nghiêm được các đối tượng chuyên tiêu thụ tài sản phạm tội, chặn "đầu ra" thì mới có thể kéo giảm tội phạm xâm phạm sở hữu.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)