Thực hiện quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp: Sát thực tiễn, tăng tính răn đe
Nhiều điểm mới
Nghị định 35 ra đời thay thế Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, BVR và quản lý lâm sản; bãi bỏ Điều 3 của Nghị định 41/2017/NĐ-CP ngày 5-4-2017 của Chính phủ. Đối với các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh giống cây lâm nghiệp chính (đồng thời được quy định tại Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 6-5-2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật) thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 35.
![]() |
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lục Nam kiểm tra rừng phòng hộ tại xã Nghĩa Phương. |
Nghị định 35 gồm 4 chương, 38 điều, tăng 5 điều so với Nghị định 157/2013. Về cơ bản, Nghị định này kế thừa các quy định tại Nghị định 157, tuy nhiên đã điều chỉnh bãi bỏ một số nội dung không phù hợp với thực tiễn; bổ sung một số hành vi mới và cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực lâm nghiệp.
Ví như, quy định về đối tượng áp dụng là: Cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam; một số hành vi lần đầu tiên được điều chỉnh quy định tại Nghị định này gồm: Vi phạm các quy định về quản lý rừng bền vững; vi phạm quy định về kinh doanh giống cây lâm nghiệp chính; vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Đình chỉ hoạt động của cơ sở chế biến lâm sản có thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Nghị định cũng quy định rõ mức phạt tiền đối với hành vi khai thác gỗ trái phép là gỗ rừng trồng và gỗ rừng tự nhiên; chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và sử dụng vào mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật, nếu không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo quy chế quản lý rừng, không tổ chức kiểm tra phát hiện kịp thời vi phạm để phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật thì bị xử phạt theo quy định.
Trường hợp vận chuyển lâm sản đã được xác định có nguồn gốc hợp pháp nhưng hồ sơ lâm sản không thực hiện đúng quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện hoặc chủ lâm sản không xuất trình hồ sơ lâm sản trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm kiểm tra cho người có thẩm quyền kiểm tra phương tiện vận chuyển thì bị xử phạt.
Quy định rõ chủ lâm sản bị xử phạt về hành vi mua bán lâm sản theo quy định. Trường hợp chủ lâm sản đồng thời là chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp phương tiện có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì bị xử phạt hai hành vi: Vận chuyển lâm sản trái pháp luật và mua bán lâm sản trái pháp luật. Nghị định này bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp cho Cảnh sát biển, Hải quan…
Tăng tính răn đe
Theo thống kê, từ khi Nghị định 35 được áp dụng đến giữa tháng 11-2019, toàn tỉnh đã xử lý và phạt hành chính 28 vụ vi phạm lâm luật, giảm 40 vụ so với 5 tháng đầu năm. Có được kết quả này, phần lớn là do các mức phạt được áp dụng trong Nghị định 35 đều cao hơn so với các mức phạt được quy định trước đó nên tăng tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm.
Cụ thể, ngày 18-7 vừa qua, Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn ra quyết định xử phạt đối với ông Hoàng Văn Phát (SN 1991) ở thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia (Lục Ngạn) vì thực hiện hành vi vi phạm về vận chuyển và mua bán lâm sản trái pháp luật. Tang vật vi phạm là thực vật rừng ngoài gỗ (củi rừng tự nhiên, tổng trọng lượng khoảng 2 tấn) không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm có giá trị 1,6 triệu đồng. Các vi phạm được quy định tại Điều 22 và Điểm 23 Nghị định 35. Tổng hợp cả 2 nội dung phạt vi phạm hành chính là 20 triệu đồng (mỗi hành vi phạt 10 triệu đồng).
Ngoài ra, ông Phát còn phải chịu hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật nhập kho tại Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn để xử lý theo quy định. Ông Phạm Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn cho biết, với cùng hành vi này nếu trước đây áp dụng mức phạt theo Nghị định 157 thì mức phạt trung bình khung chỉ 3 triệu đồng.
Hay một trường hợp khác, ngày 8-9-2019, Hạt Kiểm lâm Sơn Động ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Vũ (SN 1985) ở thôn Đồng Làng, xã Dương Hưu (Sơn Động) về hành vi tàng trữ 2 cá thể cầy đã chết (thuộc động vật rừng thông thường, có giá trị 2,36 triệu đồng) trái pháp luật. Hành vi này được quy định tại Khoản 1, Điều 23 Nghị định 35.
Theo đó, ông Vũ phải chịu mức phạt (trung bình khung) 10 triệu đồng và bị tịch thu 2 cá thể cầy để xử lý theo quy định. Được biết, với cùng hành vi này, nếu xử phạt theo Nghị định 157 thì mức phạt (trung bình khung) chỉ là 3 triệu đồng.
Qua so sánh cho thấy, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp của Nghị định 35 không thay đổi so với Nghị định 157. Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa đối với từng hành vi cụ thể thì khác nhau (cơ bản Nghị định 35 cao hơn so với Nghị định 157). Nghị định 35 quy định chi tiết, cụ thể các hành vi vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp là cơ sở pháp lý để các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng thực hiện đúng quy định của pháp luật, tăng tính răn đe.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)