Tiếng hát thiên đường
BẮC GIANG - Khu rừng ào ào gió thổi bỗng lặng đi một cách lạ thường để phút chốc rộn ràng tiếng chim hót lảnh lót và tiếng suối róc rách chảy. Nhấp nhô trong hàng cây ven bờ suối những ngọn cây ẻo lả bị gió cuốn cong một cách kỳ dị.
Không hề để ý đến cảnh vật xung quanh, ông già rít hơi thuốc dài phả ra trước mặt dửng dưng nhìn tôi ngồi trên bãi cỏ.
- Ngồi ở đây thích chứ? Ông già hỏi.
- Dạ, thích lắm ạ.
- Trông anh cứ như nhà văn hay nhà báo.
- Không ạ, cháu…
Ông già hừm hừm trong cổ, có vẻ không để tâm đến câu đáp lại.
Ảnh minh họa. |
Tôi không ngờ gặp ông già ở chỗ bãi cỏ gần bờ suối. Khu rừng này rất ít người tới. Qua đường mòn vạt rừng tôi không gặp ai. Vậy mà đột nhiên một ông già lững thững đi đến chỗ tôi. Đó là ông già dáng vẻ rắn chắc, một chân tập tễnh, đội mũ nồi đen, đi giày vải, áo chàm, quần xanh đen, khoác túi rết. Hẳn cụ là người Nùng hay Sán Chí ở quanh đây.
- Anh có bật lửa không? Bao diêm tôi vừa rơi xuống suối.
Ông cụ móc trong túi áo thùng thình gói thuốc sợi cùng với mấy tờ giấy mỏng, vấn thuốc. Tôi ngạc nhiên không dám hỏi đến tận bây giờ cụ vẫn hút thuốc ấy trong khi thuốc lá điếu đầy rẫy thị trường.
- Đến đây chỉ ngắm cảnh thôi à? Thế mà tôi cứ tưởng anh là nhà văn hay nhà báo đi thực tế. Là sinh viên mới ra trường? Ấy dà, quý rồi. Nhưng mà anh có biết sự tích ở đây không? Không à? Thế thì đến đây làm gì?
Ông cụ bập bập rít thuốc. Hình như điếu thuốc bị hở chỗ nào đó hoặc cuốn quá chặt. Tôi chẳng hiểu cụ vừa nói ý gì. Cảnh vật đây đẹp thật nhưng sao bằng những danh thắng khác mà tôi đã qua. Có sự tích gì ở khu rừng nguyên sinh này?
Cụ chằm chằm nhìn tôi, đột nhiên hỏi:
- Anh có biết chiến tranh không? Anh trẻ thế kia không biết chiến tranh đâu. Chiến tranh là bom đạn, là máy bay, tàu chiến ư? Thế thì trẻ con cũng biết. Tôi hỏi là hỏi chiến tranh khủng khiếp thế nào. Anh bảo nghe các cựu chiến binh kể. Giời đất nghe thì sao bằng người trong cuộc...
- Cụ cũng đi lính ạ ?
Cụ trừng mắt, xẵng giọng:
- Không đi lính mà tôi nói thế! Tôi là lính cựu, năm năm chiến trường từ Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long, năm, sáu vết thương, đủ bằng dũng sĩ, huân chương. Anh không thấy chân tôi à? Ấy là không kể những vết sẹo khác nữa.
Tôi vội vàng xin lỗi câu hỏi vô ý của mình nhưng cụ có vẻ không để tâm đến điều ấy, lặng lẽ cuốn điếu thuốc mới.
- Anh có biết vì sao người ta gây chiến tranh không? Anh nói cho tôi nghe.
Cụ ngước mắt nhìn. Tôi gượng gạo nói những điều tôi đã học, đọc trên sách báo.
- Anh nói xong hả? Sao mà rắc rối, cao siêu quá. Ông già đây chỉ nói gọn thế này. Ấy là do lòng tham của những người cầm quyền. Tham đất. Tham của cải. Tham danh. Tham thế, chỉ muốn bá chủ thiên hạ. Có đúng thế không?
Giọng ông cụ mỗi lúc mỗi vang khiến tôi bất ngờ. Không muốn tranh luận sa vào chuyện to tát, vĩ mô này, tôi lảng sang chuyện khác: Cụ vào rừng có việc gì đấy ạ?
Cụ tỏ vẻ khó chịu khi thấy tôi không tiếp tục vào vấn đề dang dở: Tôi đi tìm trâu lạc nhưng thằng cháu đã thấy rồi.
Cụ lập cập vấn lại điếu thuốc hút dở nhưng cứ để sợi rơi vương vãi ra ngoài. Tôi vội cuốn cho cụ. Cụ dịu giọng:
- Tôi quen thuốc này rồi. Nhà tôi trồng đấy, chứ hút thuốc điếu cứ nhạt cả miệng - Ông cụ bỗng nghiêm nghị - Anh đến đây từ nãy có nghe tiếng gì không?
- Không ạ.
- Ấy dà - cụ thở dài - Rồi anh sẽ nghe…
Quả nhiên lúc sau có tiếng rì rầm trong không trung, những tiếng bổng trầm dịu dàng đến lạ. Hẳn là tiếng lá cây đung đưa thầm thì, là tiếng suối gần xa như thực như mơ mà cũng có thể là những làn gió thổi qua các hốc cây, hốc đá trong rừng.
- Cô Tiên đang hát đấy - Cụ thì thào như sợ ai nghe thấy - Ngày nào cũng vậy, bởi thế vùng đất rộng lớn này không có chiến tranh.
Cô Tiên? Tôi e ngại nhìn cụ. Hẳn đầu óc cụ già này có điều gì bất thường rồi.
- Sao mặt anh cứ nghệt ra thế? Không tin à? Các anh tin gì thánh thần, siêu nhân.
Cụ nhìn ra cánh đồng cỏ trước mặt trải dài tới chân dãy núi, lặng lẽ rít thuốc. Cũng lạ, cạnh khu rừng lại là cánh đồng cỏ xanh mướt, lác đác có các bụi cây lè tè sát mặt đất. Dãy núi trông từa tựa như cô gái ngồi dang rộng hai cánh tay xuống rừng.
“Khu rừng này là cửa ngõ của một vùng đất rộng lớn và cùng giàu có - cụ đột ngột vào chuyện với giọng trầm ấm - Sách ngày xưa ghi thế. Sách nào hả? Anh lên tỉnh mà hỏi. Trên ấy có tủ sách lớn lắm, thỏa sức tìm, đọc. Cái gì nhỉ? À, vùng đất đây thịnh vượng, giàu có. Thế là một hôm có đạo quân phương Bắc tràn tới cùng với lũ quân phương Nam đến tranh giành xâm chiếm. Anh hỏi gì? À, vùng đất đây thuộc quốc gia nào ư? Hình như chưa có tên. Có lẽ thế. Tôi cũng không rõ nữa. Chỉ biết, vùng đất này lắm của cải, châu báu.
Cụ chầm chậm vuốt điếu thuốc cho thẳng, lặng lẽ nhìn ra ngoài. Nắng đã dịu chỉ nghe gió xào xạc trên không trung. Bầu trời trong trẻo không một gợn mây, nhìn thấy cả cảnh vật xa tắp, thấy những hàng cây trầm ngâm hắt xuống mặt suối hình bóng mình các đường viền xô lệch. Một con chim hoảng hốt vụt bay từ trong bụi cây trước mặt.
- Anh vẫn nghe tôi kể chứ? Chuyện này cũ rồi, không biết chỗ nào là thực, chỗ nào người ta thêm bớt vào nhưng dân quanh đây đều nhớ cả.
- Vậy hai đạo quân đánh nhau?
- Ừ, đánh nhau, kinh hoàng lắm. Cả hai đạo quân gươm, giáo, có cả voi, ngựa lao vào hỗn chiến. Ngựa hí vang trời. Voi lồng lộn. Xác lính nằm la liệt. Tiếng gào, tiếng thét, tiếng chân chạy. Cả vùng đất đầy âm thanh ghê rợn. Cuộc chiến có lẽ còn kéo dài chưa biết ngày nào đã kết thúc. Bỗng một tiếng sấm rung chuyển cả trời đất. Giữa các đám mây trắng như bông, một cô gái xuất hiện. Chao ôi, cô gái mới đẹp làm sao. Da nàng trắng như tuyết, môi đỏ thắm, mắt đen lung linh như sao. Nàng cất cao tiếng hát thánh thót, du dương. Tất cả binh lính đều buông vũ khí, ngẩng lên trời. Nàng dang hai cánh tay ca vang: "Ngẩng đầu hỡi các chiến binh/ Trời xanh mây trắng hòa mình tiếng ca/ Bỗng vang khắp chốn gần xa/ Nơi đây có tiếng kêu la đất trời/ Nhìn trông thấy cảnh rụng rời…"
Nàng dõng dạc: "Hỡi các chiến binh hãy dừng tay gươm, giáo/ Ngẩng đầu lên nhìn trời xanh yêu dấu/ Đất dưới chân đang đổ máu/ Có lẽ nào ta nằm lại nơi đây/ Một nắm xương khô ở tại đất này...". Vũ khí rơi loảng xoảng xuống đất. Tất cả đăm đăm nhìn nàng hát. Tiếng ca sao mà da diết.
"Ai làm ra cuộc chiến này/ Để dân khắp chốn đọa đầy thương đau/ Ông trời nào có biết đâu/ Hỏi đất, đất chỉ cúi đầu lặng im/ Hỏi dân, dân chỉ phía trên/ Ở nơi cung điện, tòa đền nguy nga". Lời ca ai oán, não nề: "Mẹ ta sớm tối ngóng trông/ Vợ ta thổn thức chờ chồng hằng đêm/ Con ta nức nở bên thềm...". Một tiếng sấm rền vang. Nàng Tiên bỗng biến mất. Đột nhiên trên bầu trời hiện ra bồng bềnh cuộc sống làng quê. Cụ bà đang ôm cháu hát ru. Mấy đứa trẻ nô đùa trong sân, ngoài ngõ. Tiếng gà gáy rộn vang. Tiếng bước chân chạy trên đường làng. Tiếng hát véo von của các thôn nữ. Tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã, náo động.
Lại một tiếng sấm kinh hoàng. Người phụ nữ ôm con giàn giụa nước mắt. Một cụ bà tóc bạc phơ chống gậy ở đầu ngõ nhìn đăm đắm về phương xa. Mấy đứa trẻ ngồi khóc sụt sùi. Xóm làng không một âm thanh. Những tiếng gió rền rĩ, ai oán...
Ông cụ đột ngột dừng kể, chẳng hiểu vì giọng đã yếu dần hay xúc động với câu chuyện. Tôi mở chai nước khoáng mời cụ nhưng cụ lắc đầu bảo rằng không ngon cái thứ nước nhạt nhẽo ấy.
Tất cả binh lính đã đứng như chôn chân trên mặt đất. Binh khí vung vãi khắp nơi. Ngựa, voi đều nằm phủ phục bên người. Đội quân hai bên rời rã. Người ngước lên trời lầm bầm điều gì đó. Người chỉ tay về phía nào đấy không hiểu ý gì. Người ôm mặt khóc. Người thở dài thườn thượt.
Nàng Tiên bỗng trở lại bay lơ lửng giữa không trung trong tiếng ca khoan nhặt da diết, thiết tha. Gió du dương. Nắng vàng nhảy múa khắp cỏ cây, sông núi. Chỉ trong phút chốc từng tốp lính rồi cả đạo quân hai bên tay không vũ khí lặng lẽ rời chiến địa. Mặt đất trở lại yên bình. Lạ sao chẳng bao lâu bãi chiến trường khô cằn đầy sỏi đá bỗng thành khu đồng cỏ xanh rờn. Vũ khí được kéo về một nơi tạo nên những cánh rừng và các con suối. Người ta gọi đó là rừng Cô Tiên và suối Cô Tiên. Tiếng hát Cô Tiên là tiếng hát thánh thần, tiếng hát thiên đường. Hòa bình chẳng là thiên đường ư? Anh bảo như vậy có đúng không?
Ông cụ nheo nheo mắt, mủm mỉm cười, nhìn tôi vẻ dò hỏi:
- Anh có tin chuyện vừa kể không? Trông mặt anh chắc là không tin. Thôi, tin hay không mặc xác anh. Nhưng tôi và dân chúng tôi đều ghi nhớ suốt đời.
Ông cụ vung tay làm điếu thuốc rơi xuống bãi cỏ. Các sợi thuốc bung ra. Tôi vội cuốn cho cụ điếu thuốc mới.
Ông cụ cao giọng:
- Giá Cô Tiên hiện ra ở nhiều nơi trên thế giới hẳn sẽ không có chiến tranh. Không hiểu cô ấy còn hay mất. Ấy dà, chả biết thế nào - Ông già tự dưng ngồi thừ một lúc rồi nhỏ nhẹ - Một ông nhà văn ở Hà Nội về đây năm nọ nghe tôi kể chuyện cô Tiên này cứ oang oang nói rằng cái đẹp, cái thiện, cái cao cả đã cứu rỗi thế giới. Tôi chẳng hiểu ông ấy nói nghĩa thế nào. Lằng nhằng quá. Khó hiểu quá. Tôi vốn ít học không biết nhiều chữ nghĩa.
- Cụ là người ở đây ạ?
Cụ nhét gói thuốc sợi vào túi, thủng thẳng: Ông tôi ở Hà Nam lên đây với gia đình từ trước năm 45. Bố tôi tham gia chiến dịch biên giới, lấy bà người Tày. Vợ tôi là người Nùng. Anh hỏi chuyện đó để làm gì?
Nói xong ông đứng dậy thũng thẵng bước ra phía bờ suối. Tôi gọi với ông, khoác ba lô vội chạy đuổi theo. Cũng là lúc có đám mây đen từ đâu kéo tới tối sầm ở phía chân trời.
Ý kiến bạn đọc (0)