Tích cực áp dụng khoa học-kỹ thuật, liên kết sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản
![]() |
Các đại biểu dự hội nghị. |
Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các phòng, đơn vị trực thuộc; Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP Bắc Giang cùng đại diện một số doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), đơn vị tiêu thụ nông sản và một số cơ sở sản xuất cây trồng (rau, củ, quả, nấm, cây dược liệu,…) quy mô lớn tập trung điển hình của tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, tổng diện tích cây trồng hằng năm của tỉnh ước đạt gần 153,6 nghìn ha; cây ăn quả ước đạt 51,45 nghìn ha; cây công nghiệp (chè) 467 ha; dược liệu 830 ha. Tổng giá trị sản xuất trồng trọt theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt hơn 19,55 nghìn tỷ đồng.
Một số loại cây trồng có sản lượng lớn, tổng giá trị kinh tế cao như: Lương thực khoảng 614,5 nghìn tấn, giá trị hơn 5,3 nghìn tỷ đồng; vải thiều hơn 180 nghìn tấn, giá trị hơn 4,4 nghìn tỷ đồng; rau màu hơn 462 nghìn tấn, giá trị ước gần 3 nghìn tỷ đồng; cam 48 nghìn tấn, giá trị hơn 1,37 nghìn tỷ đồng. Tình hình tiêu thụ nông sản cơ bản thuận lợi.
Tỉnh đã xây dựng được 165 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng, rau chế biến, rau an toàn, khoai tây...; hơn 300 mô hình công nghệ cao (CNC) sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, có sự liên kết giữa nông dân với các HTX, DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổng diện tích liên kết đạt hơn 3 nghìn ha.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số hạn chế mà ngành trồng trọt của Bắc Giang đang gặp phải như: Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới; nhiều mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa DN, HTX với nông dân chưa chặt chẽ.
![]() |
Ông Lê Bá Thành phát biểu ý kiến. |
Việc ứng dụng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC chậm; phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, chế biến thô nên giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh yếu. Công tác xúc tiến thương mại phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý nhà nước, chưa có các hiệp hội, DN tự tổ chức xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản.
Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong dồn điền đổi thửa, phát triển vùng sản xuất tập trung; các kiến nghị và giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản…
Bà Nguyễn Thị Dần, xã An Lạc (Sơn Động) đề nghị chính quyền hỗ trợ dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống kênh mương và đường giao thông để bà con xã An Lạc nói riêng, Sơn Động nói chung sản xuất rau màu chế biến hiệu quả hơn.
Đại diện HTX Tiến Thành Group (Yên Dũng) đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế các huyện, TP tăng cường hỗ trợ người dân, HTX về kỹ thuật thâm canh; giới thiệu nơi cung ứng cây giống bảo đảm chất lượng và đơn vị liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa) đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho tổ hợp tác phát triển sản xuất vì mô hình này đang là mắt xích, cánh tay nối dài của các HTX. Có được hỗ trợ thì các tổ hợp tác mới sớm phát triển thành các HTX.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Nghiệp phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Đại diện Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang) và Công ty cổ phần Rau quả sạch T.Ư (Hà Nội) đề nghị người dân, DN, HTX cần tích cực ứng dụng nhiều hơn nữa các tiến bộ của khoa học- kỹ thuật vào trồng trọt để giảm nhân công, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó giúp DN hạ giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Kết luận hội nghị, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cảm ơn các DN, HTX, đơn vị kinh doanh trong suốt thời gian qua đã đồng hành cùng nông dân Bắc Giang trong liên kết sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản. Đồng thời chia sẻ khó khăn với người dân, DN, HTX về những hạn chế trong liên kết sản xuất thời gian qua.
Ông Thành cho rằng, thời gian tới, thị trường nội địa cũng như thế giới có nhiều thuận lợi vì dịch Covid-19 được khống chế nên nông dân, DN, HTX cần nắm bắt cơ hội mở rộng sản xuất, đa dạng cây trồng. Tuy nhiên, nông sản Bắc Giang đang phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Do đó, người sản xuất cần tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất để hạ giá thành sản phẩm mới cạnh tranh được.
Ông Thành đề nghị các Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế các huyện, TP quan tâm tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, giám sát quy trình từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản tại địa phương để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
![]() |
Đại diện một số DN, HTX, cá nhân ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt vụ đông 2022-2023. |
Chi cục PTNT hỗ trợ hạ tầng sản xuất, xây dựng sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản cho nông dân. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật bám sát các kế hoạch sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng các vùng chuyên canh cây chế biến. Rà soát chính sách, kịp thời tham mưu hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo đặc thù của tỉnh.
Ông Thành mong muốn các HTX, DN, nhà đầu tư tiếp tục liên kết sản xuất, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, mang lại lợi ích cho các bên. Đồng thời chia sẻ thông tin để ngành nông nghiệp và tỉnh Bắc Giang cùng tháo gỡ khó khăn.
Tại hội nghị, đại diện một số DN, HTX, cá nhân ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt vụ đông 2022-2023.
Tin, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)