Thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững
Hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa chuyên nghiệp
Theo nhận định của nhiều chuyên gia nông nghiệp, người sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định. Đặc biệt, tình trạng người sản xuất phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác khi giá bán cao hơn thường xuyên xảy ra…
Điều này dẫn đến tình trạng “Được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”, hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân nhiều nơi còn thấp, thiếu thông tin thị trường, một số bộ phận còn chạy theo lợi ích trước mắt.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng, hiện nay sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, bị động, thiếu bền vững. Vốn đầu tư xã hội vào phát triển nông nghiệp, nhất là khu vực sản xuất kinh doanh còn quá nhỏ so với nhu cầu, làm cho sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nông sản chưa cao. Quy trình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn chưa hoàn thiện và chưa đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong sản xuất nông nghiệp cho rằng, việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp hiện vẫn chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, không ổn định, nhất là vấn đề quy hoạch các vùng sản xuất nông sản trọng điểm, xây dựng các khu vực sản xuất nông nghiệp an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm trung gian phân phối song đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn. Cùng đó, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa cụ thể nên phần lớn các doanh nghiệp lớn còn chưa mặn mà đầu tư...
Cần có chính sách hỗ trợ nông dân
Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đều đã đề cập đến kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân nhưng chưa đề cập đến kinh tế hộ. Trong bối cảnh có nhiều thay đổi do biến đổi khí hậu, dịch bệnh như hiện nay, vai trò của kinh tế hộ vẫn vô cùng quan trọng.
Mục tiêu của Đảng đặt ra trong dự thảo văn kiện là kinh tế phát triển nhanh và bền vững, trong bối cảnh có nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh như hiện nay, phát triển nông nghiệp nên hướng đến sự bền vững.
Nhìn vào bức tranh sản xuất nông nghiệp hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy, lực lượng sản xuất chính vẫn là nông dân, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất chưa nhiều, mà chủ yếu tham gia ở chuỗi cung ứng dịch vụ.
Để khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như hướng phát triển bền vững trong tương lai, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa nhận định, thị trường tiêu thụ nông sản hiện chưa ổn định, công tác xây dựng nông thôn mới còn nặng về hình thức, thành tích; sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ; các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác còn khó tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi đất đai…
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, bà Phạm Hải Hoa đề xuất, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy nông dân xây dựng các mô hình liên kết; đồng thời có chính sách cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai mô hình liên kết. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch cần nâng cao chất lượng, đặc biệt là trong việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở nông thôn, trong đó có đất nông nghiệp.
Theo ông Phan Ngọc Oanh, một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên, cho biết người làm nông nghiệp rất trăn trở, mong muốn sản xuất nông nghiệp sạch nhưng thực sự, nông dân đang bị thiếu thông tin về các chế phẩm, phân bón sinh học. Tuy nhiên, khi những người làm kinh tế nông nghiệp như ông muốn liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình dựa trên thực tế để sản xuất nông sản sạch, lại gặp thất bại do nhiều yếu tố liên quan đến cơ chế liên kết chưa cụ thể.
"Hiện nay khi thực hiện một dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bản thân nông dân phải làm rất nhiều thủ tục, giấy tờ phiền hà. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tham gia liên kết 6 nhà", ông Oanh nêu ý kiến.
Ý kiến bạn đọc (0)