Những định hướng đột phá về quản lý đất đai
Hoàn thiện định hướng chiến lược, chính sách pháp luật đất đai
Để hoàn thiện định hướng chiến lược, cơ chế, chính sách pháp luật đất đai trong thời gian tới, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần từng bước nâng cao công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, huy động và phát huy nguồn lực đất đai cho sự phát triển kinh tế của đất nước thông qua tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho người dân và doanh nghiệp và khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại khối hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước, đất nông, lâm trường. Đồng thời, cần đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng công nghiệp, giao thông và các khu vực phụ cận; chỉnh trang đô thị và xây dựng các khu đô thị mới phục vụ quá trình công nghiệp hóa nông thôn, đô thị hóa và phát triển bền vững.
Cụ thể, tại trang 28, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu "Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế… cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao”. Thuật ngữ cơ cấu kinh tế thường được sử dụng trong kinh tế học để bao hàm các nội dung liên quan tới điều chỉnh các cân đối lớn của nền kinh tế như cơ cấu (thu - chi ngân sách, sản xuất - tiêu dùng, tiêu dùng - tiết kiệm, tiết kiệm - đầu tư, khu vực nhà nước - tư nhân...).
Cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực đất đai
Trong việc cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực đất đai thì cần đặt vị trí, vai trò của quản lý đất đai tương xứng với việc quản lý vốn và lao động đã được khẳng định tại Điều 54 của Hiến pháp, cụ thể là "Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật".
Quản lý đất đai chính là quản lý lãnh thổ; nội dung quản lý đất đai của các nước đều bao hàm tầng ngầm, mặt đất, tầng không từ tâm trái đất tới hết bầu khí quyển, bao gồm cả mặt đất, mặt đất có nước, mặt đất có rừng cùng tài nguyên rừng và đáy biển cùng tài nguyên biển.
Là nguồn thu ngân sách quan trọng nhất, đóng góp tới 15% thu ngân sách quốc gia, hệ thống bộ máy, công tác tổ chức quản lý và sử dụng đất cần được thực hiện thống nhất, tập trung đặt lên vị trí tương xứng với hệ thống quản lý kho bạc, hệ thống quản lý thuế, hải quan. Việc quản lý và sử dụng quỹ đất cần được hạch toán, kiểm kê, lập dự toán, quyết toán, kiểm toán như quản lý và sử dụng quỹ tài chính.
Các nội dung quản lý và sử dụng đất cần được phân cấp và quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương tới địa phương như quản lý ngân sách. Theo đó, Nhà nước cần có hệ thống ngành dọc từ Trung ương tới địa phương để quản lý thống nhất nguồn lực quan trọng này như: thiết lập hệ thống đăng ký và số hóa đất đai; kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; xây dựng bản đồ tích hợp quy hoạch sử dụng đất với hệ thống quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh - quốc phòng; sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính đất đai để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
Đồng thời, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần tập trung vào quy hoạch sử dụng đất tích hợp cấp quốc gia cần phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính, bao gồm cả 39 quy hoạch ngành quốc gia và 39 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Quy hoạch tích hợp sử dụng đất, ứng dụng công nghệ bản đồ đa lớp trong lập, thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật đã trở thành nền tảng quản lý và phân bổ ngân sách của các nước phát triển, đặc biệt là các nước châu Âu.
Cùng với đó, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn để lưu trữ số liệu bản đồ sử dụng đất tích hợp theo nhiều lớp dữ liệu độc lập trên cơ sở nền địa chính quốc gia do các bộ quản lý lĩnh vực, cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương quản lý khu vực thực hiện.
Cần ứng dụng công nghệ chuỗi khối để lưu trữ số liệu theo thời gian, và ghi dấu các điều chỉnh trên hệ thống thông tin đất đai tích hợp, bảo đảm an ninh cho các giao dịch điện tử giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ đám mây để nhà quản lý và người dân có thể truy cập mọi lúc mọi nơi thực hiện nhiệm vụ giám sát và quản lý đất đai, tài nguyên, rừng…thông qua người dân và doanh nghiệp, dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, của dân, do dân và vì dân.
Trang 41, Dự thảo có nêu: "Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai...".
Do tầm quan trọng của đất đai đối với phát triển bền vững, từ nay tới năm 2030, đất đai tiếp tục là trọng tâm đầu tư của các nhà tài trợ và các nước phát triển. Vì vậy, Báo cáo chính trị cần có thay đổi đột phá để bắt nhịp với định hướng phát triển toàn cầu, tận dụng nguồn lực quốc tế để học tập và làm theo cách thức huy động, khai thác, quản lý, sử dụng, bảo vệ đất đã được áp dụng thành công trên thế giới.
Theo đó, việc phân cấp và quản lý đất đai cần thực hiện theo mô hình chặt chẽ giống như quản lý tài chính, ngân sách, cần được hạch toán, kiểm kê, lập dự toán, quyết toán, kiểm toán như quản lý và sử dụng quỹ tài chính. Việc quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương và phân cấp quản lý cần phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ đồng bộ có hệ thống quản lý, giám sát theo ngành dọc từ Trung ương tới địa phương.
Việc kiểm kê hiện trạng, quy hoạch, kế hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, định giá đất cần được quản lý thống nhất để Đảng, Quốc hội, Chính phủ có đầy đủ thông tin, kịp thời cho quá trình lập, phân bổ, thực hiện, kiểm tra, giám sát kết quả sử dụng đất.
Có thể nói, cần xác định đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nguồn lực đất đai; đề ra những định hướng đột phá trong thống nhất quản lý đất đai theo ngành dọc từ Trung ương tới địa phương để bảo đảm phát triển bền vững làm nền tảng dẫn tới thành công của Việt Nam tới năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc (0)