Thêm việc làm, thu nhập cho phụ nữ vùng cao
Thoát nghèo từ nghề mới
Do thiếu đất sản xuất nên trước đây cuộc sống của vợ chồng chị Hoàng Thị Chiều (SN 1972), dân tộc Nùng, bản Thái Hà, xã Đồng Vương (Yên Thế) luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Chia sẻ khó khăn đó, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tặng gia đình một con bò nái, đồng thời vận động chị tham gia lớp tập huấn chăn nuôi - thú y do Hội LHPN huyện tổ chức.
Vườn ươm của tổ liên kết sản xuất giống cây lâm nghiệp xã Hương Sơn (Lạng Giang). |
Kết thúc khóa học, nhận thấy tiềm năng chăn nuôi thủy cầm từ hồ sông Sỏi (gia đình chị Chiều ở gần hồ), năm 2019, chị Chiều bán bê con và vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi vịt đẻ. Nhờ vốn kiến thức được học, chị chịu khó tìm hiểu thêm để áp dụng vào chăn nuôi nên đàn vịt phát triển tốt. Gia đình chị luôn duy trì 1,5 nghìn con vịt, trừ chi phí, mỗi ngày thu lãi gần 1 triệu đồng từ bán trứng. Có thu nhập ổn định, gia đình chị đã thoát nghèo.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 15,5 nghìn hộ phụ nữ nghèo. Để hỗ trợ hội viên thoát nghèo, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội rà soát, phấn đấu mỗi chi hội giúp đỡ một gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo; mỗi cơ sở xã, phường, thị trấn giúp ít nhất 2 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững. Cụ thể hóa quyết tâm này, các địa phương triển khai hoạt động giúp đỡ cụ thể, thiết thực.
Tại huyện Sơn Động, để giúp đỡ hội viên, từ đầu năm đến nay, các cấp hội phối hợp tổ chức dạy nghề may cho 645 hội viên; sau học nghề có 498 chị có việc làm, thu nhập ổn định. Hay như tại xã Hương Sơn (Lạng Giang), để phát triển nghề ươm giống cây lâm nghiệp, tháng 4/2023, Hội LHPN xã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất giống cây trồng Hương Sơn. Từ khi thành lập tổ hợp tác, việc tiêu thụ sản phẩm của các thành viên thuận lợi hơn, nhiều phụ nữ trong xã có thêm việc làm, thu nhập.
Đồng hành cùng hội viên
Thống kê của Hội LHPN tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã tín chấp, ủy thác gần 3,8 nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng giúp hơn 60,1 nghìn phụ nữ vay phát triển kinh tế. Cùng đó, hỗ trợ thành lập mới 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ; triển khai 18 mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi, tạo việc làm mới cho nhiều lao động.
Từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã tín chấp, ủy thác gần 3,8 nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng, giúp hơn 60,1 nghìn phụ nữ vay phát triển kinh tế; tổ chức 82 lớp dạy nghề cho hơn 3,4 nghìn lượt hội viên. |
Trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, các cấp hội tổ chức 82 lớp dạy nghề may công nghiệp, trồng trọt, làm tóc… cho hơn 3,4 nghìn lượt hội viên; sau học nghề có hơn 2,6 nghìn người có việc làm. Qua đó giúp 2.184 hộ thoát nghèo, 442 hộ do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững, trong đó hơn 50% số hộ thuộc địa bàn miền núi.
Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, mặc dù số hộ phụ nữ nghèo giảm hằng năm, các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế được quan tâm thực hiện song trên thực tế, tỷ lệ hộ gia đình phụ nữ nghèo còn cao. Tại địa bàn các thôn, xã đặc biệt khó khăn, nhiều hộ được hỗ trợ tư liệu sản xuất, vốn nhưng chưa phát huy hiệu quả và còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại… Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tiếp tục “trợ lực” cho phụ nữ, các địa phương đưa ra nhiều giải pháp, từng bước nâng cao thu nhập cho hội viên.
Tại xã Hương Sơn (Lạng Giang), ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy xã đề ra nhiệm vụ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác và coi đó là giải pháp trọng tâm nhằm khai thác lợi thế, tăng thu nhập cho người dân. Sau hơn 3 năm, toàn xã đã thành lập mới 6 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, trong đó 50% do phụ nữ làm chủ. Ở các địa phương khác, để hoạt động dạy nghề phát huy hiệu quả, trước khi mở lớp, các cấp hội khảo sát nhu cầu của lao động nữ tại địa phương, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp.
Với những tổ hợp tác mới thành lập, Hội LHPN đứng ra kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm. "Phát huy vai trò cầu nối, cùng với thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ, Hội LHPN tỉnh quan tâm tuyên truyền, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đào tạo các nghề mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lao động nữ. Tại các địa phương, chúng tôi khuyến khích triển khai mô hình tổ hợp tác nhằm thu hút chị em cùng địa bàn, cùng ngành nghề liên kết với nhau để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập", bà Nguỵ Thị Tuyến cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)