Sinh kế cho nông dân vùng cao
Tháng 9/2021, Trung tâm Dịch vụ - KTNN huyện Lục Ngạn hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi hươu, số lượng 29 con tại 3 xã: Sa Lý, Đèo Gia và Đồng Cốc. Ông Giáp Văn Khương, thôn Xạ To, xã Đèo Gia là một trong những hộ tham gia mô hình, được hỗ trợ 90 triệu đồng, tương ứng với 65% tổng kinh phí mua 9 con hươu giống.
Ông Khương bên đàn hươu của gia đình. |
Ngoài ra, ông đầu tư gần 300 triệu đồng xây chuồng trại và mua thêm 5 con hươu bố về nuôi ghép. Mỗi năm, hươu nái đẻ 1 lứa, sau 6 tháng hươu con xuất chuồng. Ông Khương trồng 1 mẫu cỏ làm thức ăn cho vật nuôi. Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ - KTNN huyện hướng dẫn kỹ thuật, tháng 2 năm nay, gia đình ông thu hơn 1,6 kg nhung từ 4 con hươu, trị giá 32 triệu đồng.
“Sang năm, đàn hươu nái sẽ sinh sản, với giá bán 15 triệu đồng/con hươu con như hiện tại, cùng với khai thác nhung, gia đình tôi dự kiến thu được khoản tiền kha khá”, ông Khương nói.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ - KTNN đã thực hiện và phối hợp thực hiện 13 mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Tiêu biểu như: Trồng vải thiều, cam, bưởi, táo theo hướng hữu cơ tại các xã: Quý Sơn, Thanh Hải, Trù Hựu, Tân Mộc, Phì Điền; nuôi ba ba gai tại xã Quý Sơn.
Một trong những mô hình mới thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao là liên kết trồng dưa lai xuất khẩu với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC Bắc Giang, tổng diện tích 9,5 ha tại xã Cấm Sơn và Hộ Đáp. Do có hợp đồng bao tiêu từ trước với giá cố định nên các hộ thu lãi từ 5-6 triệu đồng/sào dưa, tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Ngoài các mô hình trên, tại Lục Ngạn còn có mô hình trồng ổi, nho hạ đen do các gia đình tự đầu tư. Tiêu biểu như vườn nho hạ đen diện tích 5 sào của anh Trương Văn Ngọ, thôn Khả Lã, xã Tân Lập mỗi năm cho thu 2 vụ, lãi khoảng 190 triệu đồng.
Ông Lâm Nguyên Năng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ-KTNN cho biết, các mô hình sản xuất nông nghiệp mới đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào các xã vùng cao của huyện.
Bài, ảnh: Bảo Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)