Thể chế và chính sách phải kiến tạo cho mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa
Quang cảnh phiên toàn thể của hội thảo. |
Chủ trì, điều hành hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.
Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội
Báo cáo tóm tắt kết quả phiên thảo luận chuyên đề sáng 17/12, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, các nội dung chủ yếu tập trung về quan điểm, đường lối của Đảng trong phát triển văn hóa; về việc hoàn thiện thể chế, chính sách, triển khai nhiệm vụ phát triển một số lĩnh vực văn hóa, như giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, văn hóa nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đào tạo nhân lực ngành văn hóa… và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau. Phần thảo luận tập trung vào Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; trao đổi nhiều vấn đề liên quan tới thể chế và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, một trong những yêu cầu bức thiết được đặt ra là cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo. |
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực quan trọng này, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Thể chế, chính sách văn hóa phải vừa tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam, vừa để giới thiệu, truyền bá văn hóa Việt Nam với thế giới. Thể chế, chính sách về văn hóa phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa; phân cấp, phân quyền minh bạch, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện; quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
“Bên cạnh đó, nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của Nhà nước, mà còn có nguồn lực của toàn xã hội”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách văn hóa; phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa.
Cần tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Trình bày báo cáo trung tâm của hội thảo với chủ đề “Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa”, về định hướng, giải pháp cho thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần xác định tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo trung tâm. |
Cụ thể, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển. Trong đó, tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số luật, nghị định; tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xác định rõ, cần xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.
Tại hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước cũng đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thể chế, chính sách, nguồn lực phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa trong từng lĩnh vực, địa phương.
Phát biểu tham luận với chủ đề “Định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề xuất 3 kiến nghị đối với các bộ, ban, ngành Trung ương. Trong đó, cần có chính sách về đầu tư công và quản trị tư, đặc biệt là đối với các thiết chế văn hóa. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch tổng thể về văn hóa và công nghiệp văn hóa của cả nước để điều tiết, quản lý và phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực, tránh câu chuyện cùng một lúc rất nhiều địa phương tổ chức lễ hội, từ đó dẫn đến sự cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau; đồng thời, cần có chính sách phù hợp để phát triển các loại quỹ văn hóa của công cũng như tư.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tham luận tại hội thảo. |
“Hà Nội sẵn sàng nhận thí điểm các chính sách liên quan đến việc phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó trở thành tiền đề, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng ra cả nước”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
Văn hóa là “trụ cột” để phát triển bền vững đất nước
Thảo luận bàn tròn tại phiên toàn thể, các đại biểu tiếp tục tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông (giữa) phát biểu. |
Trong đó, về đầu tư cho văn hóa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, nguồn lực đầu tư cho văn hóa có nguồn từ vốn đầu tư phát triển và nguồn từ kinh phí sự nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2025, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó có cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở trung ương là khoảng 14.500 tỷ đồng và vốn của địa phương là khoảng 52.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021-2025 là 66.500 tỷ, chiếm khoảng 2% trong tổng chi đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết thêm, thời gian qua, qua tính toán sơ bộ, hằng năm, chi sự nghiệp cho văn hóa thường gấp 3-5 lần chi cho đầu tư phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho văn hóa là rất lớn bởi đây là lĩnh vực rất rộng. Do đó, vốn của Nhà nước đóng vai trò là "vốn mồi" cần được sử dụng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thời gian tới, cần có thêm chính sách để huy động thêm các nguồn vốn đầu tư khác cho văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội thảo. |
Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 1 ngày tổ chức khẩn trương, khoa học, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình dự kiến đề ra. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan, nhân dân và cử tri cả nước.
Về nội dung của hội thảo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác thể chế hóa, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Hội thảo nhất trí đánh giá những kết quả đã đạt được; khẳng định công tác thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tiếp tục được quan tâm, đạt được kết quả nổi bật.
“Thể chế và chính sách phải kiến tạo cho mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng về văn hóa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh và cho rằng phải bảo đảm các yêu cầu là tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế.
Chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn và văn hóa phải là một trong các “trụ cột” để phát triển bền vững đất nước. Về nguồn lực, cần tiếp tục tăng đầu tư cho phát triển văn hóa; khơi thông các nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội...
Ý kiến bạn đọc (0)