Thảo luận tại tổ: Nhiều ý kiến liên quan đến đời sống dân sinh
![]() |
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng, Tổ đại biểu huyện Lạng Giang nêu ý kiến. |
Nhìn chung các đại biểu nhất trí cao với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023. Ngoài phân tích, làm rõ thêm những kết quả nổi bật, các đại biểu cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục.
Sớm khắc phục hạn chế các công trình cấp nước sinh hoạt
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng, Tổ đại biểu huyện Lạng Giang cho rằng: Trước những yêu cầu thực tế và sự quan tâm của cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh cần tập trung thảo luận, cho ý kiến, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đưa ra giải pháp.
Ghi nhận những phản ánh của đại biểu và cử tri các địa phương về việc các công trình nước sạch chưa phát huy hiệu quả, HĐND tỉnh đã có các cuộc giám sát, làm việc về nội dung này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, HĐND tỉnh tiếp tục có ý kiến để UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét, giải quyết.
Theo đại biểu, công tác quản lý đất đai còn nhiều vấn đề đặt ra, thậm chí một số tổ chức cơ sở đảng chưa nắm rõ, đầy đủ về chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nên việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn.
Đối với lĩnh vực giáo dục, kỳ họp lần thứ 11 dự kiến thông qua nghị quyết về lĩnh vực này, cơ quan soạn thảo và Thường trực HĐND tỉnh đã cân nhắc kỹ lưỡng, trước đó tổ chức khảo sát, tiếp xúc cử tri chuyên đề… để đưa ra mức đóng góp phù hợp nhất, hướng đến mục tiêu giảm chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi. Bên cạnh đó, một số dự thảo nghị quyết cũng rất quan trọng, đó là: Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, sản xuất nông, lâm nghiệp; thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023; chương trình giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh 2024… Vì thế, đề nghị các đại biểu nghiên cứu, hiến kế, có ý kiến đóng góp để hoàn thiện nghị quyết.
Cùng chung sự quan tâm trên, đại biểu Nguyễn Đức Mạnh, Tổ đại biểu huyện Yên Thế và đại biểu Hoàng Huy Việt, Tổ đại biểu huyện Lạng Giang đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi và giao cho doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư vận hành đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung liên xã Đồng Hưu - Đồng Kỳ và công trình cấp nước thôn Trại Hồng, xã Hồng Kỳ (Yên Thế); các công trình cấp nước ở thị trấn Vôi, xã Yên Mỹ, Tân Thanh... của huyện Lạng Giang vì hiện nay cử tri bức xúc và diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được khắc phục. Sở Nông nghiệp và PTNT cần tăng cường hướng dẫn, tập huấn kỹ năng quản lý, vận hành, khai thác đối với các công trình cấp nước tự chảy.
![]() |
Đại biểu Trương Thị Hiền Lương, Tổ đại biểu huyện Việt Yên nêu ý kiến. |
Khai thác lợi thế phát triển du lịch cộng đồng
Góp ý về dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030, đại biểu Diêm Hồng Linh, Tổ đại biểu huyện Việt Yên nhất trí cao việc ban hành nghị quyết hỗ trợ là cần thiết. Tuy nhiên, hiện việc xây dựng các điểm du lịch cộng đồng ở các địa phương còn mang tính tự phát, chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Để phát huy thế mạnh, lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng, đại biểu kiến nghị UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể. Trong đó, cần quan tâm công tác quy hoạch, định hướng thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo được sự liên kết giữa du lịch cộng đồng - sinh thái - di tích lịch sử và gắn kết với các làng nghề, sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng vùng miền.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Trương Thị Hiền Lương, Tổ đại biểu huyện Việt Yên nêu ý kiến: Trong dự thảo nghị quyết có quy định nhà kinh doanh du lịch phải có diện tích tối thiểu 200 m2 trở lên là chưa phù hợp, cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Đơn cử như ở xã Vân Hà (Việt Yên) đa phần là làng cổ ngõ nhỏ, đất chật, nhà bé.
Ngoài ra, đại biểu đề xuất dự thảo nên bổ sung một số nội dung về đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch như: Biển thuyết minh, bảng chỉ dẫn đường, hệ thống thu gom rác thải và quan tâm bố trí hỗ trợ kinh phí các lớp tập huấn về du lịch cho các gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng.
![]() |
Đại biểu Trần Thị Vượng, Tổ đại biểu huyện Yên Thế nêu ý kiến. |
Tích cực tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm công nghệ cao
Một số đại biểu cũng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng công an tỉnh trong công tác giữ gìn bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo 6 tháng cuối năm 2023 có chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác này như tội phạm về ma túy, trộm cắp, cờ bạc còn xảy ra tại một số địa phương. Công tác nắm bắt, điều tra xử lý tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, lừa đảo, ma túy còn phức tạp...
Có đại biểu đề xuất, lực lượng công an tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, quần chúng nhân dân trong đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm. Phát huy hơn nữa vai trò của công an xã trong thực hiện phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tăng cường kiểm tra, quản lý người dùng tham gia mạng xã hội không định danh, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, nhất là tình trạng mạo danh tài khoản người khác để lừa đảo. Ở lĩnh vực an toàn giao thông cần có biện pháp xử lý các điểm nguy hiểm, điểm đen về tai nạn giao thông...
Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam phản ánh: Việc triển khai, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử còn có bất cập về kinh phí để hỗ trợ hoạt động này, nhất là ở cấp xã. Thực tế cho thấy, để thực hiện hiệu quả nội dung này, các địa phương ngoài lực lượng công an còn phải huy động thêm nhiều lực lượng khác như giáo viên, thanh niên cùng tham gia. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chi trả kinh phí hỗ trợ.
![]() |
Đại biểu Lê Văn Thuận, Tổ đại biểu huyện Lục Nam nêu ý kiến. |
Quan tâm đầu tư y tế tuyến xã, nâng chất lượng điểm bưu điện văn hóa xã
Nêu những khó khăn, bất cập trong chăm sóc sức khỏe ở y tế tuyến xã, đại biểu Bùi Đình Nhiên, Tổ đại biểu huyện Lục Nam cho biết: Hiện y tế tuyến xã còn có những khó khăn chung như: Nguồn nhân lực còn thiếu nên mật độ trực của nhân viên y tế dày, trung bình 2 ngày phải trực một đêm, trong khi chế độ trực ngoài giờ thấp; cơ sở vật chất ở trạm y tế nhiều nơi đã xuống cấp, chưa được đầu tư kịp thời... Từ những khó khăn trên, đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm biên chế thêm nhân lực cho y tế tuyến xã, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng tiền trực ca ngoài giờ cho nhân viên y tế.
Đại biểu Trần Thị Vượng, Tổ đại biểu huyện Yên Thế đề nghị UBND tỉnh khảo sát, đánh giá cụ thể hiệu quả các điểm bưu điện văn hóa xã; kiến nghị với T.Ư có giải pháp cụ thể cho phù hợp với tình hình hiện nay để phát huy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã. Nếu hoạt động không hiệu quả thì có biện pháp xử lý để tránh gây lãng phí tài sản, đất đai.
Ngoài ra, các đại biểu còn có ý kiến, đề xuất về việc quan tâm hỗ trợ huyện Việt Yên tiến hành các thủ tục trình bộ, ngành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công trình công (dự án Trường THCS Vân Hà, Di dân tái định cư làng Nguyệt Đức) trong vùng thoát lũ, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Một số đại biểu đề nghị, sau khi dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí và mức thu, cơ chế quản lý sử dụng các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2023-2024 được HĐND tỉnh thông qua, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành hướng dẫn để các địa phương, trường học xây dựng nội dung, mức thu cho phù hợp với điều kiện KT-XH của từng vùng. Làm tốt công tác thẩm định, phê duyệt các khoản thu để các trường thực hiện có hiệu quả, tránh việc cào bằng giữa những địa bàn phát triển với những nơi còn khó khăn.
Sáng mai (14/7), các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường.
Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục cập nhật hoạt động của kỳ họp.
Nhóm PV Nội chính
Ý kiến bạn đọc (0)