Tháng hành động phòng, chống ma túy: Đường về cho người lạc lối
Đoạn tuyệt quá khứ lỗi lầm
Xã Ngọc Vân từng là điểm nóng ma túy của cả nước. Ngoài hàng chục bản án chung thân và tử hình, số người đi tù có thời hạn lên đến hàng trăm. Hiện nay, trong số 162 người đã chấp hành xong án phạt tù về ma túy trở về địa phương còn 68 trường hợp chưa được xóa án tích, thuộc diện tái hoà nhập cộng đồng. Anh Dương Ngô Cường (SN 1974) ở thôn Đồng Hội là một trong số đó.
Công an xã Ngọc Vân thăm hỏi, động viên anh Vũ Ngọc Hữu (ngoài cùng bên trái) chấp hành xong án ma túy về địa phương. |
Ngồi trên xe ô tô trở về nhà từ Trại giam Tân Lập (Phú Thọ) sau hơn chục năm cải tạo, anh Cường không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của quê hương. “Trên đường về, tôi còn bảo với lái xe hay là anh đi nhầm. Đây đâu phải xã quê tôi. Ngọc Vân hôm nay sao sầm uất thế này. Nếu ngày ấy tôi không lầm lỡ để rồi phải trả giá thì...” - anh Cường nói. Cưới vợ rồi sinh lần lượt hai con một gái một trai, họ cũng hạnh phúc như bao gia đình khác.
Thế rồi "cơn bão" ma túy tràn vào Ngọc Vân khiến gia đình nhỏ ấy tan tành. Thấm thía về cái giá quá đắt phải trả cho cuộc đời mình với bản án 20 năm tù, anh Cường kể: “Hôm đó là ngày 8/10/2005, sau một chuyến vận chuyển trót lọt, tôi dồn toàn bộ tiền cho chuyến hàng sau. Định bụng đi vài chuyến kiếm ít vốn rồi nghỉ, ai ngờ đến địa phận quận Long Biên (Hà Nội), do va chạm giao thông nên tôi bị công an giữ lại cả người và xe. Kiểm tra có ma túy, tôi bị bắt ngay tức khắc, TAND TP Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù”.
Sau 7 lần giảm án, chấp hành được 13 năm 9 tháng, giữa năm 2019 anh Cường được đặc xá trở về địa phương. Rũ bỏ quá khứ lầm lỗi, quyết tâm làm ăn lương thiện, được chính quyền, các đoàn thể và đặc biệt là người thân quan tâm động viên, anh dần xóa đi mặc cảm.
Thời gian ở trại cải tạo, anh được học nghề cơ khí, lại có tay nghề xây dựng nên dễ dàng tìm kiếm được công việc ổn định với tiền công 350 nghìn đồng/ngày. Hiện con trai út chuẩn bị thi đại học. Con gái lớn đã lập gia đình. Vợ làm công nhân may ở Khu công nghiệp Đình Trám. Cuộc sống của gia đình không quá dư dả nhưng đầm ấm, bình yên.
Cách nhà anh Cường không xa, ở ngay làng bên thuộc thôn Đồng Khanh, anh Vũ Ngọc Hữu (SN 1971) cũng trở về chưa đầy 2 năm. Căn nhà cấp 4 từ lúc anh đi chấp hành án đến giờ không khác trước là mấy. Anh Hữu chia sẻ, giờ cuộc sống khá hơn nhưng vẫn giữ lại căn nhà này bởi chất chứa nhiều kỷ niệm. Không giấu quá khứ của mình, anh kể về cuộc sống khó khăn ở quê ngày đó dẫn tới bản án 20 năm tù do vận chuyển trái phép ma túy.
Từng sang Malaysia lao động nhưng không hiệu quả, rồi làm đầu bếp cho một số khách sạn ở Hà Nội, thấy nhiều người ở quê đi vận chuyển ma túy, chỉ cần đôi ba chuyến, qua vài đêm là có trong tay vài trăm triệu đồng, anh Hữu cũng bị cuốn theo vòng xoáy ma túy và bị bắt vào ngày 12/8/2006. “Biết sẽ phải chịu mức án cao, tôi đã chủ động đề xuất ly hôn vợ. Thời gian tôi cải tạo, mặc dù đã chia tay nhưng cũng có đôi lần cô ấy vào thăm, sau đó đưa con gái sang định cư tại Đức đến tận bây giờ”.
Ngày 28/8/2020, anh Hữu được đặc xá, tha tù trước thời hạn 6 năm. “14 năm trong tù, hầu như đêm nào tôi cũng suy nghĩ, dằn vặt và luôn tự nhủ phải cải tạo thật tốt. Muốn nhanh được ra chỉ còn cách chấp hành tốt quy định của Trại giam”, anh Hữu cho biết. Tuổi đã nhiều, sức khỏe giảm sút, ban đầu anh Hữu cũng gặp một vài ánh nhìn xa lánh, nhưng may mắn có những người thân luôn ở bên, dang rộng vòng tay đón anh trở về.
Người mẹ già còn đầu tư mua điện thoại thông minh để anh có cơ hội tìm bạn đời. Trong câu chuyện, anh luôn nhắc đến người vợ thứ hai - một thạc sĩ nông nghiệp mà anh gặp sau này đã luôn yêu thương, lo cho anh việc làm. Chị thuê gần 4 ha đất, ngày ngày hai vợ chồng cùng làm nông nghiệp công nghệ cao, trồng khoai tây Đức, dưa trong nhà lưới, cây dược liệu (kim tiền thảo, hương thảo…). Công việc ổn định, cuộc sống tràn đầy tiếng cười khi vợ anh vừa sinh một cháu trai.
Rộng vòng tay nhân ái
Trung tá Dương Đình Kiên, Phó trưởng Công an xã Ngọc Vân cho biết: Án ma túy đều là án cao, từ 15 đến 20 năm. Do sống trong môi trường bị cách ly với khoảng thời gian dài nên nhận thức về những vấn đề xã hội của người trở về tái hòa nhập cộng đồng còn hạn chế, chưa thích nghi kịp thời.
Mô hình “Tái hòa nhập cộng đồng” vừa ra mắt tại xã Ngọc Vân. |
Quá trình xin việc mới do nhân thân xấu nên đa số doanh nghiệp ngại tiếp nhận hồ sơ. Một số lo lắng bị cộng đồng kỳ thị, khi trở về ngại tiếp xúc với người xung quanh, ít tham gia hoạt động xã hội tại địa phương. Nếu không được quan tâm thì những người này rất dễ tái phạm.
Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia với những người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, cuối tháng 5 vừa qua, UBND xã Ngọc Vân ra mắt mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện Tân Yên.
Tới đây, địa phương sẽ tiếp nhận thêm nhiều trường hợp chấp hành xong án ma túy trở về. Trong số này đa số tuổi đã cao, cơ hội vào làm ở các doanh nghiệp không nhiều. Vì vậy chúng tôi định hướng, tạo điều kiện cho họ vay vốn để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ. Còn sức khỏe thì giới thiệu đi làm thợ xây, bảo vệ ở các công ty". Ông Dương Ngô Khoát, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân |
Theo đó, các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ cùng cấp ủy, chính quyền, dòng họ, gia đình quản lý, đào tạo nghề, liên hệ các cơ quan, doanh nghiệp giới thiệu việc làm, cho vay tín dụng, hỗ trợ vật chất cho các trường hợp đặc biệt khó khăn và thủ tục pháp lý liên quan, giúp người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, thu nhập chính đáng để ổn định cuộc sống, hạn chế được tình trạng bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ vi phạm pháp luật, tái phạm tội.
Ngay sau đó, đã có 10 trường hợp được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 468 triệu đồng. Chị Hồ Thị Cúc (SN 1975) làm dâu ở thôn Đồng Cờ bị mức án 11 năm. Ra tù năm 2020, chị được UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm trợ giúp pháp lý, giới thiệu vào làm công nhân may tại Công ty TNHH Intermax Việt Nam đóng trên địa bàn xã. Được vay 50 triệu đồng làm vốn sản xuất, chị còn được hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng nhà ở.
"Tạo cơ hội, hỗ trợ, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù trở về có việc làm là mục tiêu quan trọng của mô hình. Tới đây, địa phương sẽ tiếp nhận thêm nhiều trường hợp chấp hành xong án ma túy trở về. Trong số này đa số tuổi đã cao, cơ hội vào làm ở các doanh nghiệp không nhiều. Vì vậy chúng tôi định hướng, tạo điều kiện cho họ vay vốn để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ. Còn sức khỏe thì giới thiệu đi làm thợ xây, bảo vệ ở các công ty", ông Dương Ngô Khoát, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân cho biết.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)