Chú trọng lao động trị liệu trong cai nghiện ma túy
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) đang quản lý, điều trị cho 179 học viên. Trong số đó có nhiều người từng sử dụng ma túy đá (ma túy tổng hợp) dẫn đến loạn thần. Tại đây, học viên phải trải qua các giai đoạn, gồm: Phân loại, cắt cơn giải độc, giáo dục và duy trì hành vi từ bỏ ma túy, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng.
Học viên học nghề nối mi tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. |
Trong thời gian đầu tập trung cắt cơn, hằng ngày, bộ phận y tế phối hợp với các phòng nghiệp vụ tư vấn, giáo dục giúp học viên ổn định về tư tưởng, tâm lý, sức khỏe. Sau đó, trên cơ sở những nghề phù hợp với thể trạng và đặc điểm tâm lý, sức khỏe, khả năng tìm kiếm việc làm thậm chí cả yếu tố năng khiếu, Cơ sở sẽ tiến hành truyền nghề.
Với mục tiêu tất cả học viên cai nghiện sau khi được điều trị cắt cơn, nâng cao thể trạng đều được tham gia truyền nghề và lao động trị liệu, phục hồi sức khỏe, trên cơ sở khả năng của mỗi người, Cơ sở đã xem xét ký kết hợp đồng với một số đối tác để cung cấp nguyên vật liệu, truyền nghề, phối hợp cùng với Cơ sở tổ chức lao động trị liệu cho học viên.
Hiện nay đơn vị đang tổ chức các học viên thành các đội lao động trị liệu với các nghề: Làm điếu cày, chổi, may gia công túi siêu thị, sản xuất mi mắt giả. Công việc đơn giản, tỉ mỉ, không cần kỹ thuật cao nhưng đòi hỏi học viên phải nghiêm túc, tuân thủ các thao tác để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao nhất.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Cơ sở cho biết: Trong quy trình chung về cai nghiện ma túy, đơn vị thực hiện theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021. Thời gian học nghề, lao động trị liệu là 5 giờ/ngày, 6 ngày/tuần; học viên được nghỉ ngày lễ, Tết, Chủ nhật và các ngày khác có tổ chức các hoạt động chung.
Hằng ngày, ngoài hoạt động trị liệu, học viên được luyện tập thể dục, thể thao, tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách báo, xem ti vi vào các khung giờ thích hợp. Bên cạnh đó, đơn vị duy trì công tác tổ chức cho học viên lao động trị liệu thông qua các hoạt động sản xuất tăng gia trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh cảnh quan môi trường… |
Để nâng cao hiệu quả trong học nghề, truyền nghề, lao động trị liệu, đơn vị có điều chỉnh để phù hợp với tình hình thời tiết và thực tế hoạt động.
Theo đánh giá, các học viên đều có ý thức trong tham gia lao động trị liệu, thực hiện tốt nội quy, quy định tại Cơ sở. Thông qua lao động trị liệu, học viên được phục hồi sức khỏe và các kỹ năng lao động, rèn luyện tính kỷ luật, dẻo dai, từ đó giúp thay đổi hành vi nhân cách.
Anh Dương Ngô V (SN 1994) quê ở xã Việt Tiến (Việt Yên) có tuổi đời còn trẻ. Sau hơn một năm vừa cai nghiện, vừa kết hợp với học nghề may, anh cảm thấy sức khỏe nâng lên, tâm lý ổn định và biết quý trọng giá trị sức lao động. Anh V chia sẻ: “Vì ham chơi nên tôi mắc nghiện, vợ con xa lánh, gia đình mất niềm tin. Trước kia tôi “đốt” mỗi ngày vài trăm nghìn đồng cho ma túy.
Vào Cơ sở được học nghề, tôi thấy để kiếm được đồng tiền thật vất vả, cực nhọc nên cảm thấy trân quý sức lao động. Tôi còn trẻ, cuộc đời còn dài lắm, tự nhủ mình sẽ phải rất cố gắng nỗ lực để cai nghiện thành công, về quê sẽ xin làm ở công ty may nào đó gần nhà, làm lại cuộc đời”. Nhiều học viên khác cũng cho biết, việc tham gia lao động giúp họ hiểu được giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền kiếm được quý giá thế nào. Từ đó có suy nghĩ tích cực, thêm động lực, thêm quyết tâm cai nghiện.
Nhằm nâng cao hiệu quả lao động trị liệu, Cơ sở đã áp dụng những phương án, giải pháp mới, sáng tạo. Căn cứ theo thể trạng sức khỏe, năng lực hành vi của từng nhóm đối tượng, đơn vị lập danh sách, tổng hợp, phân nhóm, phân bổ học viên về các tổ, đội. Ví dụ nghề làm mi mắt giả đòi hỏi thị lực tốt, sự tập trung cao chỉ phù hợp với những đối tượng mà ảnh hưởng của ma túy đối với sức khỏe tâm thần còn ở mức độ thấp, không đáng kể.
Đơn vị cũng xây dựng lịch lao động trị liệu bảo đảm đúng quy định và sự hợp lý đối với từng nhóm đối tượng đặc thù. Chẳng hạn như nhóm đối tượng mới qua giai đoạn cắt cơn giải độc, thể trạng còn yếu thì thời gian lao động ngắn hơn. Thời gian học nghề, truyền nghề, lao động trị liệu theo thời gian biểu học viên được quy định thống nhất, song cũng điều chỉnh để phù hợp với tình hình thời tiết và thực tế hoạt động sinh hoạt của học viên.
Vào mùa hè, thời tiết nóng, thời gian xuất đội, nghỉ làm buổi sáng cần sớm hơn (thời gian xuất đội khoảng 6 giờ 30 phút là phù hợp); buổi chiều muộn hơn (thời gian xuất đội khoảng 14 giờ). Cùng đó, có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong tổ chức lao động trị liệu...
Trên cơ sở kết quả những đánh giá đó đưa ra phương án khắc phục cụ thể, như: Đầu tư cải tạo khu vực xưởng sản xuất và trang bị các phương tiện bảo hộ, bảo đảm các điều kiện về ánh sáng, độ ẩm, tiếng ồn, khói bụi để phòng tránh bệnh nghề nghiệp và các nguy cơ mất an toàn lao động.
Trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy, bố trí nơi tập kết nguyên liệu, thành phẩm; tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Theo dõi sát sao, liên tục quá trình lao động của học viên, ghi vào bảng tổng hợp kết quả trị liệu ngay khi kết thúc thời gian lao động, qua đó đánh giá ý thức của học viên để điều chỉnh, nhắc nhở.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)