Tham gia FTA: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Chú trọng hội nhập quốc tế
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến các chủ trương, chính sách hội nhập của Đảng và Nhà nước. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập dưới nhiều hình thức; tranh thủ phát huy những lợi thế so sánh của địa phương; khai thác hiệu quả lợi thế của các FTA đã có hiệu lực. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang luôn tăng trưởng cao.
Kiểm tra sản phẩm may mặc trước khi đóng gói xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG. |
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2022. Các sản phẩm công nghiệp đã có mặt ở các thị trường FTA: CPTPP (Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore…), EVFTA (Việt Nam, EU), UKVFTA (Việt Nam, Vương quốc Anh)... Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may, da, giầy đạt hơn 1,88 tỷ USD; hàng hóa khác (trong đó có gỗ, sản phẩm gỗ, nông sản, nông sản chế biến) đạt hơn 2,77 tỷ USD, còn lại là các nhóm/mặt hàng: Máy tính; sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện; thiết bị điện...
Việt Nam tham gia FTA từ năm 1993, đến nay đã đàm phán, ký kết và thực thi 16 FTA với các đối tác thương mại song phương và đa phương. Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán và khởi động đàm phán 3 FTA khác, bao gồm: Việt Nam - EFTA FTA (Thụy Sĩ, Na uy, Iceland, Liechtenstein); ASEAN - Canada; Việt Nam - các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE FTA). Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga, EU. |
Đại diện Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, Cụm công nghiệp (CCN) Nghĩa Hòa (Lạng Giang) chia sẻ, nhờ được miễn giảm thuế từ các FTA mà sản phẩm may mặc của DN có cơ hội cạnh tranh và đến được thị trường nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và các nước ASEAN, EU...
Trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế thế giới do chiến tranh gây ra, nhiều DN may thiếu đơn hàng nhưng dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 của Công ty vẫn đạt 150 triệu USD, bảo đảm duy trì sản xuất ổn định và trả lương cho hàng nghìn công nhân.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, các Hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKVFTA có tác động to lớn đến phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh. Các FTA thế hệ mới không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm đầu tư công...
Khi tham gia các FTA, Bắc Giang có thể tận dụng những lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng xuất khẩu và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Các DN trong tỉnh có thể tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài, tiếp cận thị trường mới, thúc đẩy phát triển công nghiệp và kinh tế địa phương.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh có một số lợi thế quan trọng có thể tận dụng khi tham gia các FTA như: Bắc Giang nằm ở vị trí chiến lược, gần các khu vực kinh tế trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Hệ thống giao thông trên địa bàn phát triển mạnh, bao gồm: Đường bộ, đường sắt và gần sân bay quốc tế Nội Bài. Bắc Giang đã đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp với nhiều khu công nghiệp (KCN), CCN. Bắc Giang có dân số đông và nguồn lao động trẻ, tạo thuận lợi cho DN trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực.
Sản xuất ván gỗ ép xuất khẩu tại Công Ty TNHH An Lâm, xã Đại Lâm (Lạng Giang). |
Dù có nhiều tiềm năng nhưng công nghiệp Bắc Giang cũng đang đối diện nhiều khó khăn như: Quỹ đất công nghiệp cơ bản đã hết trong khi hạ tầng các KCN, CCN chậm được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ. Việc hỗ trợ để triển khai một số dự án hạ tầng KCN, CCN chưa hiệu quả. Giao thông kết nối với các tỉnh, TP lân cận còn nhiều điểm nghẽn. Một số DN còn vi phạm quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực như: Đầu tư, xây dựng, môi trường, an ninh trật tự... Đặc biệt, hầu hết các DN công nghiệp của tỉnh đều là nhỏ và vừa nên trình độ quản trị kinh doanh hạn chế, công nghệ lạc hậu, thị phần chiếm được không đáng kể.
Cùng với sự hỗ trợ từ phía chính quyền như: Tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; giúp các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhất là nguồn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cả về quản trị DN… các DN của tỉnh cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, tham gia các FTA là cuộc chơi lớn, cuộc chơi toàn cầu và cạnh tranh sòng phẳng. Nếu DN không nâng cao năng lực này sẽ thua trên sân nhà. Có thể hiểu nôm na, năng lực cạnh tranh của DN là hiệu quả kinh doanh và tỷ lệ thị phần chiếm được.
Theo đó, các DN phải thay đổi nhận thức, ý thức được phạm vi kinh doanh giờ đây không chỉ là trong nước mà là khu vực và toàn cầu. Từ đó, tích cực nghiên cứu các FTA thông qua tập huấn hoặc tư vấn từ các chuyên gia để tìm ra lợi thế, xác định hướng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị sản xuất. Mạnh dạn nghiên cứu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tìm kiếm những thị trường “ngách”, tạo ra những sản phẩm độc đáo.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)