Bắc Giang: Tạo quỹ đất sạch đón nhà đầu tư
BẮC GIANG - Tỉnh Bắc Giang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lựa chọn. Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch và có những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Hiện Bắc Giang đang nỗ lực tạo quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào địa bàn hiệu quả.
Chỉ đạo sát sao công tác giải phóng mặt bằng
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn song năm 2024, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh vẫn đạt kết quả khả quan. Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn được chấp thuận, trong đó có dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) và các dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tập đoàn Foxconn mở rộng dự án tại KCN Quang Châu. Ảnh: Anh Tuấn. |
Thời kỳ 2021-2030, Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng số 29 KCN và 63 cụm công nghiệp (CCN). Trong danh mục các KCN ưu tiên thực hiện giai đoạn 2022-2025, đến nay đã cơ bản hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng 14 KCN; 6 KCN đang lập đồ án quy hoạch xây dựng; 1 KCN đang lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng. Hiện có 10 KCN đang trình hồ sơ đề nghị thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích tăng thêm hơn 913,3 ha.
Thời kỳ 2021-2030, Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng số 29 KCN và 63 CCN. Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 KCN mới và 2 KCN mở rộng, nâng tổng số KCN được thành lập trên địa bàn tỉnh lên 11 KCN, tổng diện tích đất được duyệt hơn 2,7 nghìn ha. |
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 KCN mới là Phúc Sơn (Tân Yên), Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm giai đoạn 1 (Hiệp Hòa), Hòa Yên (thị xã Việt Yên và Hiệp Hòa) và 2 KCN mở rộng gồm: Việt Hàn (thị xã Việt Yên), Yên Sơn - Bắc Lũng (Lục Nam). Như vậy, Bắc Giang đã có 11 KCN được thành lập với diện tích đất được duyệt hơn 2,7 nghìn ha. Toàn tỉnh hiện có 55 CCN, trong đó 35 CCN đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động; 12 CCN mới thành lập trong năm 2022, 2023 đang hoàn thiện thủ tục pháp lý và bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB)...
Để có mặt bằng sạch giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu, CCN đúng tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh thành lập tổ công tác và tổ giúp việc để đôn đốc thực hiện GPMB các khu, CCN. Đối với từng dự án KCN, tỉnh đều ban hành kế hoạch GPMB cụ thể, chia làm một số đợt và yêu cầu thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, định kỳ họp kiểm điểm tiến độ. Thực hiện chỉ đạo trên, nhiều địa phương thành lập Ban Chỉ đạo GPMB do đồng chí Chủ tịch UBND huyện hoặc Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo thực hiện các dự án.
Thị xã Việt Yên là vùng trọng điểm công nghiệp của tỉnh với 11 KCN trong quy hoạch, tổng diện tích hơn 2,63 nghìn ha, trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng của thị xã có nhiều kinh nghiệm trong công tác GPMB. Theo lãnh đạo UBND thị xã, địa phương luôn đề cao công tác tuyên truyền, đối thoại với người dân nhằm tạo đồng thuận, thống nhất diện tích, mức giá bồi thường, GPMB.
Từ khi có chủ trương thành lập các khu, CCN, thị xã giao cho đơn vị tư vấn tiến hành thu thập hồ sơ, kiểm kê, xác định nguồn gốc, quy chủ đất đai, tránh sai sót, chồng chéo giữa các quy hoạch. Đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình các bước thực hiện bồi thường, GPMB và hằng ngày đôn đốc bộ phận chuyên môn, giúp việc. Khi có quyết định chấp thuận đầu tư, địa phương phối hợp ngay với chủ đầu tư làm các thủ tục về bồi thường thu hồi đất và tiến hành các bước xây dựng hạ tầng khu, CCN. Nhờ đó, công tác bồi thường GPMB tạo quỹ đất công nghiệp đạt kết quả cao, thu hút nhiều nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa bàn, đóng góp lớn cho KT-XH địa phương.
Đại diện Công ty cổ phần Bất động sản Capella, chủ đầu tư hạ tầng KCN Yên Lư (TP Bắc Giang) cho biết, nhờ có sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, các ban, ngành liên quan, đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải; san nền đất công nghiệp đạt 60%; xây dựng đường giao thông nội bộ đạt 55%; thi công xong hạng mục dựng cột và lắp đặt xà sứ đường dây điện trung thế, hệ thống nước sạch, cơ bản bảo đảm tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án.
Hiện KCN Yên Lư thu hút 7 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó có 6 dự án FDI. Nhiều DN đã xây dựng nhà máy như: Công ty TNHH Đầu tư Yonz Technology (Việt Nam), Công ty TNHH Econy Vina, Công ty cổ phần Đầu tư Western Pacific.
Sử dụng đất hiệu quả
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng các quyết định, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) trong giai đoạn tới, UBND tỉnh lập Kế hoạch SDĐ 5 năm (2021-2025). Trong đó đã xác định các chỉ tiêu đất khu, CCN bảo đảm theo đúng chỉ tiêu đã được phân bổ và xác định các chỉ tiêu theo từng địa bàn nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samkwang Vina. |
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, đến nay, phương án điều chỉnh quy hoạch SDĐ của 10 huyện, thị xã, TP đã được UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức công khai theo quy định của Luật Đất đai. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch và tiến hành các bước thành lập khu, CCN.
Thực tế, ở hầu hết dự án khi GPMB vẫn có trường hợp khó xác định nguồn gốc đất, chuyển nhượng không đúng quy định, hộ dân chưa đồng thuận vì yêu cầu giá bồi thường cao hơn quy định. Gỡ vướng mắc này, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, TP, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp tuyên truyền, xác định nguồn gốc đất bảo đảm chính xác trước khi bồi thường.
Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, TP thường xuyên quán triệt, tuyên truyền chủ trương, định hướng, quan điểm chỉ đạo của T.Ư về phát triển công nghiệp; đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến các nội dung Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030. Việc tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư được coi là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm không để xảy ra tình trạng chậm trễ do lỗi chủ quan từ phía các địa phương dẫn đến chưa thể có quỹ đất cho nhà đầu tư.
Tỉnh Bắc Giang tiếp tục lấy công nghiệp làm trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác; kiên trì mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng xây dựng “Hệ sinh thái công nghiệp bền vững”, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn, AI...
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, thực hiện mục tiêu trên, đơn vị tiếp tục nắm bắt, phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng khu, CCN, bảo đảm mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mời gọi, xúc tiến đầu tư, sớm đưa dự án vào hoạt động, khai thác hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc (0)