Tăng cường phối hợp, thực hiện hiệu quả công tác dân tộc
Dự tại điểm cầu Bắc Giang có lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh cùng đại diện một số đơn vị, địa phương.
Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang. |
6 tháng đầu năm, tình hình KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ổn định, các chính sách dân tộc được quan tâm triển khai thực hiện, nhất là các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi chung là Chương trình MTQG).
Tính đến 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện Chương trình MTQG gần 7,9 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển gần 6,5 nghìn tỷ đồng, còn lại vốn sự nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân đạt 3,4%/năm (mục tiêu là 3%); tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề… cũng hoàn thành vượt mục tiêu.
Tại Bắc Giang, trong năm 2022, khối lượng thực hiện 10 dự án Chương trình MTQG ước đạt 255 tỷ đồng, giải ngân gần 152 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch. Năm 2023, tỉnh dược phân bổ gần 500 tỷ đồng thực hiện các dự án.
Đến nay 5/5 huyện và các sở, ngành đã hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư, các chủ đầu tư đang triển khai thực hiện. Ngoài ra, các địa phương đã khởi công xây dựng 61/73 công trình theo chính sách đặc thù của tỉnh, trong đó có 5 công trình hoàn thành 100% khối lượng xây lắp và được bàn giao đưa vào sử dụng, còn lại đạt hơn 50% giá trị xây lắp.
Trao đổi tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, dù có những thay đổi song tình hình sản xuất, đời sống trong đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nhiều lao động DTTS thiếu việc làm, nhất là ở khu vực biên giới; tiến độ thực hiện Chương trình MTQG vẫn còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp...
Đại diện một số địa phương đề nghị sửa đổi những bất cập, không phù hợp của Nghị định 27 về cơ chế thực hiện Chương trình MTQG. Cùng đó xem xét, rà soát lại việc phân định các xã, thôn, ấp vùng đồng bào DTTS theo trình độ phát triển; phân cấp cho địa phương trong việc quyết định bố trí nguồn vốn ngân sách T.Ư cho các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần để có thể linh hoạt theo nhu cầu thực tế của địa phương, khả năng giải ngân để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…
Các bộ, ngành liên quan hướng dẫn địa phương tập huấn nâng cao năng lực phù hợp với điều kiện cụ thể cho cán bộ cấp thôn, bản, người dân thuộc địa bàn thực hiện Chương trình MTQG.
Kết luận hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh nhấn mạnh, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ lớn của cả hệ thống chính trị. Do đó cần có cơ chế phối hợp thống nhất thực hiện đúng, đủ, khách quan các chính sách đã được ban hành, bảo đảm lợi ích cao nhất cho đối tượng được thụ hưởng, từng bước giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào DTTS.
Để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đồng chí đề nghị, các cấp, ngành liên quan, địa phương cần nắm chắc tình hình đời sống cũng như thực tế ở cơ sở từ đó đề xuất chính sách, cơ chế phù hợp.
Các cơ quan làm công tác dân tộc ở địa phương tăng cường phối hợp để cùng triển khai thực hiện các nội dung liên quan, cùng chăm lo cho các đối tượng tại vùng đặc biệt khó khăn. Tận dụng các công cụ, hình thức để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hiệu quả với từng địa bàn, từng nhóm dân cư, từng dân tộc để đồng bào thấy được trách nhiệm của mình, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Tăng cường tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp theo hướng "cầm tay chỉ việc"; quan tâm đề xuất, phát động các phong trào thi đua vùng DTTS và miền núi.
Đối với thực hiện Chương trình MTQG, đồng chí đề nghị Ban Dân tộc các tỉnh rà soát tiến độ thực hiện các dự án, phân loại theo nhóm (đang thực hiện, đã hoàn thành và không thể thực hiện tiếp) cũng như khó khăn, vướng mắc để đề xuất hướng xử lý. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG hằng năm công khai, minh bạch, công bằng.
Với các đề xuất, kiến nghị, đồng chí yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, phân loại vấn đề để tham mưu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc trả lời và gửi các bộ, ngành và địa phương liên quan giải quyết.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)