Đảng viên người dân tộc thiểu số: Nêu gương để đồng bào noi theo
Nghĩ mới, làm mới
Từng tham gia quân ngũ lại năng nổ, nhiệt tình, năm 2010, anh Vi Văn Nghị (SN 1985), dân tộc Tày ở thôn Dần, xã Hữu Sản (Sơn Động) vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, anh tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, năng động trong phát triển kinh tế. Năm 2010, nhận thấy nguồn cỏ dồi dào, anh mạnh dạn mua giống, phát triển chăn nuôi dê thương phẩm.
Mô hình trồng ớt của đảng viên Vi Văn Nghị. |
Đến năm 2017, khi phong trào trồng rừng kinh tế phát triển, diện tích đồi cỏ thu hẹp, anh bán toàn bộ đàn dê để đầu tư vào rừng. Theo đó, anh mua lại 2 nghìn cây thông 15 năm tuổi với giá gần 100 nghìn đồng/cây trong thời hạn 5 năm của hộ dân trong thôn. Đầu tư vào rừng thông đúng thời điểm cây cho thu hoạch nhựa, nhu cầu thị trường cao, trung bình mỗi năm, vợ chồng anh thu về 100 triệu đồng từ bán nhựa thông. Năm ngoái, khi hết thời hạn, anh khai thác gỗ thông bán được hơn 200 triệu đồng.
Với tâm niệm luôn nghĩ mới, làm mới, đầu năm 2022, anh thuê 8 sào ruộng của Chi hội Người cao tuổi thôn Dần 3 (Hữu Sản) đưa cây ớt về trồng. Ngay trong năm đầu, vợ chồng anh bán ra thị trường 2 tấn quả thu về gần 60 triệu đồng. “Những tháng đầu năm nay, giá ớt cao, có thời điểm hơn 50 nghìn đồng/kg nên dự kiến thu nhập từ trồng ớt sẽ tăng. Hiện tôi đã nhận cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt cho một số hộ dân trong xã”, anh Vi Văn Nghị chia sẻ.
Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 89.459 đảng viên, trong đó có 7.225 đảng viên là người DTTS. Dù chiếm tỷ lệ nhỏ lại sinh sống ở vùng còn nhiều khó khăn song bằng tinh thần trách nhiệm, nhiều đảng viên người DTTS nêu gương trong phát triển kinh tế, chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất mới, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Đảng viên Trần Văn Hành (SN 1967), dân tộc Sán Dìu, thôn Chão, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) là một điển hình. Từng được nông dân khắp cả nước biết đến với kỹ thuật cho cây vải thiều ra quả trên thân, mới đây ông trở thành người đi đầu trong liên kết với doanh nghiệp bao tiêu, khai thác tiềm năng du lịch từ vườn vải. Nhờ đó, hơn 20 tấn vải thiều của gia đình được doanh nghiệp bao tiêu với giá bán ổn định.
Đặc biệt, vụ vải thiều năm nay, lần đầu tiên 13 cây vải thiều trong vườn của gia đình ông được khách hàng đặt mua toàn bộ quả với giá bình quân 10 triệu đồng/cây, cây vải có giá cao nhất là 30 triệu đồng.
Đảng viên Chu Văn Hùng (đội mũ) giới thiệu về cây hương thảo. |
Hay như đảng viên Chu Văn Hùng (SN 1984), dân tộc Nùng ở thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) mạnh dạn thuê hơn 4 ha đất, đầu tư 400 triệu đồng xây dựng vùng trồng cây hương thảo tập trung, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương. Ngay trong năm đầu tiên, gia đình anh thu 3 đợt với sản lượng 20 tấn, doanh thu 400 triệu đồng. Dự kiến từ năm thứ hai trở đi, 4 ha trồng hương thảo sẽ cho thu hoạch ổn định, sản lượng đạt 40 tấn/năm.
Nhân rộng điển hình tiên tiến
Là tỉnh miền núi, Bắc Giang có 45 thành phần DTTS với hơn 260 nghìn người, trong đó có 6 thành phần DTTS dân số đông, sinh sống thành cộng đồng gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Sán Chí và Cao Lan) và Dao. Để tạo hạt nhân trong các phong trào thi đua, cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp, kịp thời phát hiện, nhân rộng điển hình và kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng.
Là tỉnh miền núi, Bắc Giang có 45 thành phần DTTS với hơn 260 nghìn người, trong đó có 6 thành phần DTTS dân số đông, sinh sống thành cộng đồng gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Sán Chí và Cao Lan) và Dao. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 89.459 đảng viên, trong đó có 7.225 đảng viên là người DTTS. |
Tại huyện Sơn Động, để phát triển đảng viên nói chung, đảng viên người DTTS nói riêng, trong các nghị quyết về phát triển kinh tế, Huyện uỷ đều đề cao vai trò của từng đảng viên, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là tại địa bàn khó khăn, qua đó tạo môi trường để quần chúng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện kết nạp được 310 đảng viên, trong đó đảng viên người DTTS là 158, chiếm 50,9%.
Hay ở huyện Lục Ngạn, căn cứ vào chỉ tiêu tỉnh giao, hằng năm, Huyện uỷ giao chỉ tiêu, tiến hành kiểm tra đối với các chi bộ không kết nạp được đảng viên, nhất là đảng viên người DTTS, từ đó đề ra những chủ trương, giải pháp khắc phục. Nhờ đó, tỷ lệ đảng viên người DTTS tăng hằng năm. Nếu như trước Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ đảng viên là người DTTS chỉ chiếm 32,8% thì sau nửa nhiệm kỳ tăng lên 33,5%. Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số đảng viên người DTTS được kết nạp chiếm 40% tổng số đảng viên mới.
Theo ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, vững tin theo Đảng, tự tin làm giàu trên mảnh đất quê hương, đảng viên người DTTS trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong phát triển kinh tế; vận động, hướng dẫn người thân, bà con cùng mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Đời sống đồng bào DTTS tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm.
Ví như đảng viên Lục Thị Độ, dân tộc Cao Lan ở thôn Nhân Định, xã Yên Định (Sơn Động) hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ trong xã phát triển kinh tế rừng; đảng viên Hoàng Tiến Lực, dân tộc Tày ở thôn Hèo, xã Hương Sơn (Lạng Giang) mở xưởng ván bóc, xưởng nan, tạo việc làm thường xuyên cho 34 lao động là người DTTS… Mặc dù vậy, qua đánh giá, tỷ lệ đảng viên người DTTS còn thấp (chiếm 8,07% tổng số đảng viên và 2,7% so với dân số).
Khắc phục những hạn chế này, trước mắt, Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn 9 điển hình, trong đó có 5 cá nhân để xây dựng, nhân rộng. Đây là những cá nhân năng động, sáng tạo được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Về lâu dài, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh dành nguồn lực để tạo việc làm cũng như phát triển sản xuất ở vùng DTTS, qua đó vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa tạo nguồn phát triển đảng.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)