Đảng viên người dân tộc thiểu số: "Đầu tàu" ở thôn, bản
Giỏi việc riêng, góp sức vì cộng đồng
Thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 89.459 đảng viên, trong đó hơn 6.800 đảng viên là người DTTS. Dù sinh sống tại vùng còn nhiều khó khăn song nhiều đảng viên người DTTS đã phát huy tốt vai trò, trở thành tấm gương sáng trong phát triển KT-XH.
Đảng viên trẻ Trần Văn Quyết (SN 1991), dân tộc Sán Chí, thôn Tân Trung, xã Lệ Viễn (Sơn Động) là một ví dụ. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Quyết không đi làm theo chuyên ngành được đào tạo mà ở nhà tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, một năm sau, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng rồi được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, năm 2016, anh mua 6 đôi chim bố mẹ về nuôi. Nhờ chủ động học hỏi kỹ thuật chăm sóc, đàn chim phát triển tốt, từ 6 đôi chim giống ban đầu, đến nay anh luôn duy trì 1,3 nghìn đôi chim bố mẹ, mỗi tháng bán ra thị trường 1,2 nghìn con chim thương phẩm. Với giá 84 nghìn đồng/con ở thời điểm hiện tại, anh thu lãi gần 40 triệu đồng/tháng. “Để có được quy mô như hiện nay, những ngày đầu tôi phải làm phụ hồ lấy tiền mua cám, xây dựng chuồng nuôi. Giờ nhìn lại, tôi không nghĩ mình thành công chỉ từ 6 đôi chim bố mẹ”, anh Quyết chia sẻ.
Xưởng chế biến gỗ của đảng viên Lâm Văn Sỹ, thôn Đồng Tâm, xã Hương Sơn (Lạng Giang) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương. |
Toàn tỉnh có 45 thành phần DTTS với hơn 257 nghìn người, trong đó có 6 thành phần DTTS dân số đông, sinh sống thành cộng đồng gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Sán Chí và Cao Lan) và Dao. Tại vùng DTTS, qua đánh giá, hầu hết đảng viên luôn tiên phong trong các phong trào ở địa phương, chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc mình. Một số mô hình điển hình như: Trồng bơ cho thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm của gia đình đảng viên Lục Văn Thắng, dân tộc Nùng ở thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn (Sơn Động); trồng rừng theo hướng thâm canh của đảng viên Triệu Xuân Thể, dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ bản Vua Bà, xã Trường Sơn (Lục Nam)…
Không chỉ phát triển kinh tế, đảng viên vùng DTTS còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Đảng viên Lâm Văn Sỹ, dân tộc Nùng, trưởng thôn Đồng Tâm, xã Hương Sơn (Lạng Giang) nói: “Nhận thấy thế mạnh về kinh tế rừng, cùng với số tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, năm ngoái tôi vay mượn thêm đầu tư hơn 1 tỷ đồng mở xưởng chế biến gỗ. Năm đầu hoạt động, xưởng lãi hơn 200 triệu đồng, đó còn chưa kể tạo việc làm với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng cho 10 lao động địa phương”.
Chú trọng cả chất và lượng
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, hầu hết đảng viên người DTTS phát huy được vai trò của mình trong phát triển KT-XH ở địa phương. Nhiều người trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong phát triển kinh tế; vận động, hướng dẫn người thân, bà con cùng mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Nhờ đó, kinh tế vùng đồng bào DTTS không ngừng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Mặc dù vậy, tỷ lệ đảng viên người DTTS còn thấp (chiếm 7,6% tổng số đảng viên và 2,6% so với dân số); trình độ, nhận thức của một bộ phận đồng bào còn hạn chế nên công tác phát triển đảng viên gặp khó khăn…
Đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sơn Động nói: “Công tác phát triển đảng ở vùng đồng bào DTTS đang gặp khó khăn khi lực lượng đoàn viên đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Trong khi đó có đồng chí sau khi kết nạp vào Đảng lại chưa phát huy tốt vai trò, thậm chí vi phạm chính sách dân số và có tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên tín nhiệm trong quần chúng hạn chế”.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 89.459 đảng viên, trong đó có hơn 6.800 đảng viên người DTTS. Dù sinh sống tại vùng còn nhiều khó khăn song nhiều đảng viên người DTTS đã phát huy tốt vai trò, trở thành tấm gương sáng trong phát triển KT-XH ở địa phương. |
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, cấp ủy đảng các cấp đã và đang đề ra nhiều giải pháp khắc phục nhằm nâng cao tỷ lệ đảng viên là người DTTS. Tại xã Hương Sơn (Lạng Giang), ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng ủy xã đề ra chỉ tiêu về phát triển đảng viên, trong đó ưu tiên, tạo điều kiện để người DTTS phấn đấu, rèn luyện. Tại các chi bộ thôn, căn cứ tình hình thực tế, Đảng ủy xã gợi ý, đưa những mô hình mới để đảng viên, người có uy tín trong đồng bào DTTS triển khai thực hiện… Tương tự, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện uỷ Sơn Động ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó đề cao vai trò của từng đảng viên, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là tại địa bàn khó khăn, qua đó tạo môi trường để quần chúng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh dành kinh phí để phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động vùng DTTS; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào khu vực này. Theo đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, việc bố trí nguồn lực để tạo việc làm cũng như phát triển sản xuất ở vùng DTTS không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào dân tộc mà còn tạo nguồn phát triển đảng, nâng tỷ lệ đảng viên là người DTTS. Khi số lượng, chất lượng nâng lên, những đảng viên người DTTS sẽ thiết thực góp phần đưa đời sống cũng như diện mạo vùng DTTS ngày càng khởi sắc, thực sự là "đầu tàu" ở thôn, bản”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)