Sơn Động chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gỗ
Số cơ sở chế biến tăng nhanh
Chế biến gỗ nan tại Công ty TNHH Khánh Nhạn. |
Năm 2015, nhận thấy nguồn gỗ nguyên liệu trên địa bàn lớn, anh Nguyễn Văn Khánh (SN 1977) ở tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Sơn (nay là thị trấn Tây Yên Tử) đầu tư 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến gỗ. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm lại chưa có đầu ra ổn định, gia đình chỉ tập trung băm dăm rồi bán lại cho các công ty.
Dần dà, mối làm ăn mở rộng, các đơn hàng ngày càng nhiều, anh Khánh làm hồ sơ, thành lập Công ty TNHH Khánh Nhạn, đầu tư gần 3 tỷ đồng mua thêm 1 máy băm, 1 máy bóc, 2 máy xẻ cùng nhiều phương tiện phục vụ chế biến gỗ. Hiện mỗi ngày, Công ty TNHH Khánh Nhạn tiêu thụ 20 tấn gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương.
“Hiện 3 sản phẩm của chúng tôi là ván bóc, ván nan và dăm băm được các DN chế biến khác tại các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh và Nam Định nhận bao tiêu nên không có tình trạng ùn ứ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư nâng cấp các dây chuyền nhằm mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm”, anh Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.
Công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn huyện Sơn Động mới dừng lại ở sản phẩm thô. |
Qua thống kê, trên địa bàn huyện Sơn Động chưa có nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu cũng như DN đăng ký kinh doanh hoạt động chế biến gỗ thành phẩm. Toàn huyện có gần 100 cơ sở chế biến gỗ song đa số là bóc gỗ, băm keo nhỏ, tập trung nhiều tại các xã: Tuấn Đạo, Hữu Sản, Dương Hưu… và thị trấn Tây Yên Tử. Tại thị trấn Tây Yên Tử, nếu như 5 năm trước, trên địa bàn (gồm cả xã Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn khi chưa sáp nhập) chỉ có 2 cơ sở băm dăm thì nay tăng lên 16 cơ sở, trong đó 12 cơ sở chế biến gỗ bóc.
Hay như tại xã Tuấn Đạo, 2 năm gần đây, có thêm 3 cơ sở mới được hình thành nâng số cơ sở chế biến gỗ lên gấp đôi. Đáng chú ý, những cơ sở thành lập mới đều có quy mô lớn và công nghệ tương đối hiện đại. Điển hình như xưởng thu mua và sơ chế gỗ rừng trồng của Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt. Dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2020 nhưng đã nhập hàng chục tấn gỗ nguyên liệu/ngày.
Anh Lê Văn Thưởng, phụ trách khu nhà xưởng cho biết: “Mục tiêu khi thành lập khu nhà xưởng này là chế biến gỗ từ rừng của Công ty để thực hiện theo chuỗi hành trình sản phẩm, từ trồng rừng đến chăm sóc, chế biến và tiêu thụ. Cùng đó sẽ nhập gỗ nguyên liệu của người dân để chế biến”.
Nâng giá trị rừng kinh tế, sản phẩm từ gỗ
Là huyện vùng cao diện tích tự nhiên hơn 86 nghìn ha, diện tích đất có rừng gần 67 nghìn ha, trong đó rừng trồng chiếm gần 50%, Sơn Động có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng. Trung bình mỗi năm, diện tích rừng trồng khai thác toàn huyện đạt từ 4-4,5 nghìn ha, sản lượng khai thác ước trên 500 nghìn m3 gỗ; năng suất bình quân đạt 95 triệu đồng/ha/chu kỳ (khoảng 5 năm).
Huyện Sơn Động có sản lượng gỗ khai thác khoảng 500 nghìn m3/năm. Năm 2020, Hội đồng Quản trị rừng quốc tế cấp chứng nhận chứng chỉ rừng bền vững cho nhóm hộ tại xã Tuấn Đạo, Hữu Sản và thị trấn An Châu, trong đó có 1,3 nghìn ha rừng trồng. |
Dù gỗ nguyên liệu đã được thu mua, chế biến ngay tại địa phương, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất song theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các cơ sở này quy mô còn nhỏ, công nghệ hạn chế, sản phẩm chủ yếu là sơ chế.
Ông Hoàng Liên Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động cho biết: “Dù mỗi năm từ rừng trồng và lâm sản phụ khác, người dân trong huyện thu về khoảng 500 tỷ đồng song thực tế chưa tương xứng với tiềm năng. Hầu hết gỗ sau khai thác mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến thô, giá trị thấp”.
Xác định chế biến là “bà đỡ”, góp phần nâng giá trị từ trồng rừng, thời gian qua, huyện Sơn Động đã có chủ trương khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển chế biến gỗ rừng trồng. Đề hiện thực hóa mục tiêu này, UBND huyện đang trình Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao giá trị rừng trồng kinh tế, giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt gần 35 nghìn ha rừng tự nhiên hiện có, huyện sẽ tập trung mở rộng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn và nâng chu kỳ khai thác, phấn đấu nâng năng suất gỗ rừng trồng đạt 25 m3/ha/năm với giá trị thu nhập bình quân ít nhất 25 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với DN điều tra, khảo sát các cơ sở chế biến gỗ cũng như thực trạng rừng sản xuất, chu kỳ khai thác để xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, từ đó thu hút nhà máy chế biến gỗ với công nghệ hiện đại, công suất lớn vào đầu tư. Cùng đó đề xuất tỉnh quan tâm làm mới, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông; giới thiệu, lựa chọn, thu hút các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, thiết bị và công nghệ chế biến gỗ hiện đại, từ đó nâng cao giá trị kinh tế rừng”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)