Sở Kế hoạch và Đầu tư, huyện Việt Yên xếp thứ Nhất cấp sở, ngành, địa phương về chỉ số DDCI
Đồng chí Lê Ánh Dương trao Giấy chứng nhận cho 3 đơn vị có số điểm chỉ số DDCI đạt Nhất, Nhì, Ba. |
Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, TP; 100 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng trao Giấy chứng nhận cho các huyện, TP có số điểm đạt cao. |
Bộ chỉ số DDCI năm 2022 cấp huyện được xác định trên 9 chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của chính quyền huyện, TP; vai trò người đứng đầu UBND huyện, TP. Đối với các sở, ngành tỉnh có 8 chỉ số thành phần như trên, chỉ khác là không có chỉ số khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh.
Đây là năm đầu tiên UBND tỉnh giao Hiệp hội DN tỉnh thực hiện khảo sát, đánh giá chỉ số DDCI. Đây cũng là năm đầu tiên việc tổ chức đánh giá được thực hiện 100% thông qua hình thức online trên nền tảng phần mềm tích hợp cổng thông tin DDCI tỉnh.
Đồng chí Đậu Anh Tuấn trao đổi tại hội nghị. |
Toàn tỉnh có 3 nghìn DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia khảo sát, đánh giá về chất lượng điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, công việc của 14 sở, ban, ngành và 10 UBND huyện, TP. Kết quả, có 1.330 phiếu thu về trên tổng số 3 nghìn phiếu khảo sát phát ra.
Qua đánh giá, điểm trung vị khối sở, ban, ngành năm 2022 là 57,11 điểm, tăng 0,74 điểm so với số điểm số năm trước. Đặc biệt, bảng xếp hạng DDCI trong khối sở, ngành có thay đổi tích cực so với năm 2021. Sở Kế hoạch và Đầu tư có số điểm đạt cao nhất với 80,94 điểm, tăng 11,6 điểm; tiếp đến là Sở Nông nghiệp và PTNT 79,68 điểm, tăng 35 điểm; Sở Xây dựng có số điểm đứng thứ 3 với 78,94 điểm, tăng 30,41 điểm.
Ở cấp sở, ngành có 3 đơn vị có số điểm đạt dưới 50 điểm. Trong đó, Sở Y tế là đơn vị có số điểm đạt thấp nhất, chỉ đạt 38,7 điểm; Cục Thuế tỉnh 38,93 điểm; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 45,31 điểm.
Đối với cấp huyện, huyện Việt Yên có số điểm đạt cao nhất 76,03 điểm; TP Bắc Giang đứng thứ 2 với 73,66 điểm; huyện Lục Nam đứng thứ 3 với 72,03 điểm. Đơn vị có số điểm đạt thấp nhất là huyện Sơn Động với 40,32 điểm.
Trao đổi tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, để nâng điểm chỉ số DDCI ở cấp sở, ngành, địa phương, các đơn vị trong tỉnh cần thường xuyên rà soát, đánh giá về chất lượng điều hành, kịp thời điều chỉnh bất cập, hạn chế, đáp ứng sự hài lòng của DN. Cùng với đó, tăng cường giám sát, chấn chỉnh kỷ luật hành chính đối với cán bộ công chức, viên chức trong giải quyết công việc. Quan tâm đối thoại trực tiếp với các DN, giúp DN hiểu và tin tưởng vào cơ quan nhà nước. Đặc biệt, các địa phương, sở, ngành cần chuyển đổi tư duy từ việc tháo gỡ khó khăn cho DN sang tạo điều kiện thuận lợi cho DN về môi trường đầu tư...
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương ghi nhận, biểu dương các sở, ngành, địa phương có số điểm đạt cao. Đồng thời nêu rõ việc tổ chức đánh giá chỉ số DDCI là một trong những nội dung để hiện thực cụ thể hoá các giải pháp tại Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị. |
Thời gian tới, đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đề ra tại các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh. Phấn đấu đạt mục tiêu kết quả năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đặt ra trong nhiệm kỳ là đứng trong tốp 15 các tỉnh, TP. Điểm số DDCI trung bình do các DN đánh giá phải tăng theo từng năm.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nghiên cứu kỹ kết quả đánh giá, các khuyến nghị cần lưu ý tại báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương, từ đó xây dựng các kế hoạch, biện pháp triển khai các nhiệm vụ để nâng cao thứ hạng trong năm 2023.
Những đơn vị đã được đánh giá tốt trong năm nay cần tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đã đạt được. Các cơ quan, đơn vị xếp ở vị trí cuối bảng xếp hạng phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, nhất là đối với những chỉ tiêu thấp điểm để có biện pháp khắc phục và cải thiện.
Đồng chí đề nghị sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua tại cơ quan, đơn vị mình về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số DDCI. Qua đó lan tỏa, khơi dậy tinh thần sáng tạo, phát huy tính chủ động tại cơ quan, đơn vị, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là nâng cao hơn ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Đồng thời cần có các hình thức biểu dương, khen thưởng những cán bộ, công chức, viên chức có tâm huyết, có nhiều ý tưởng đóng góp cho địa phương, đơn vị trong việc đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ quan, đơn vị.
Hiệp hội DN tỉnh và các tổ chức hội DN huyện, TP tiếp tục phát huy tốt vai trò là cầu nối liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN trong tỉnh; tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN, phản ánh tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý. Tích cực tuyên truyền để các DN phối hợp, đồng hành cùng với cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, lành mạnh và công bằng...
Tin, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)