Sáp nhập đơn vị hành chính: Chủ động sắp xếp cán bộ, dồn sức giải quyết thủ tục hành chính
BẮC GIANG - Theo Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết số 1191), từ ngày 1/1/2025, huyện Yên Dũng nhập vào TP Bắc Giang. Để việc triển khai bảo đảm thời gian, kế hoạch, huyện đang tập trung thực hiện các bước tiếp theo, trong đó có sắp xếp cán bộ và giải quyết giấy tờ hành chính cho người dân.
Bộ phận một cửa làm thêm giờ
Một trong những vấn đề người dân quan tâm đó là việc giải quyết các thủ tục, giấy tờ hành chính liên quan. Cho rằng khi sáp nhập về TP Bắc Giang, việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là lĩnh vực đất đai (tách thửa, thực hiện các quyền sử dụng đất, hạn mức đất…) sẽ khó khăn hơn nên người dân trong huyện đi làm thủ tục rất đông.
Cán bộ bộ phận một cửa UBND huyện Yên Dũng làm thêm giờ giải quyết TTHC cho người dân. |
Ông Ngô Văn Cẩn, Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Yên Dũng, Trưởng bộ phận một cửa huyện thông tin: “Số lượng công dân đến bộ phận một cửa huyện để giải quyết TTHC trung bình mỗi ngày khoảng 120 trường hợp. Dù thời điểm thực hiện sáp nhập đã cận kề, nhưng tất cả cán bộ, công chức ở đây vẫn làm việc bình thường, ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao, không bị ảnh hưởng nhiều đến tâm lý sáp nhập; tận tâm, tận tụy phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các công chức tại bộ phận một cửa thường xuyên làm đến 18 giờ mới nghỉ. Thực hiện nghiêm chỉ đạo về tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công, đơn vị còn làm việc với Bưu điện huyện bố trí một nhân viên bưu điện trực tại đây để hướng dẫn người dân nộp và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo Nghị quyết số 1191, từ ngày 1/1/2025, nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang. Thành lập 7 phường: Tân An (nhập xã Lão Hộ với thị trấn Tân An), Nham Biền, Cảnh Thụy, Tân Liễu, Nội Hoàng, Tiền Phong, Hương Gián trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của từng xã, thị trấn hiện tại. |
Anh Nguyễn Văn Hiếu, công dân thôn Hoàng Phúc, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) nhưng làm việc ở Hà Nội đến làm thủ tục đăng ký thế chấp tài sản cho biết: “Tôi vừa đọc Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập huyện, lo ngại sau này thủ tục giấy tờ rắc rối nên tôi tranh thủ về làm. Mặc dù đã hết giờ hành chính nhưng tôi vẫn được cán bộ tiếp nhận hồ sơ, lại hướng dẫn tận tình giúp tôi tiết kiệm được thời gian, công sức”.
Cũng theo Nghị quyết số 1191, thị trấn Tân An và xã Lão Hộ nhập thành một đơn vị hành chính mới là phường Tân An. Tại bộ phận một cửa xã Lão Hộ, cán bộ công chức vẫn nhiệt tình làm việc; cán bộ Công an xã hướng dẫn người dân thao tác trên dịch vụ công quốc gia vào VNeID để làm căn cước, định danh điện tử mức 2...
Liên quan đến việc có thay đổi một số thông tin trong giấy tờ tùy thân của người dân sau khi sắp xếp, được biết các công việc như: Điều chỉnh nội dung trong TTHC liên quan; hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, quốc tịch; chuyển đổi đăng ký lưu trú, nhân hộ khẩu, cấp thẻ căn cước… đang được Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Công an tỉnh phối hợp với UBND huyện Yên Dũng và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, hoàn thành chậm nhất trong ngày 31/12/2024.
Bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức
Theo Phòng Nội vụ huyện Yên Dũng, giai đoạn 2019-2024, sau khi sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ thú y, khuyến nông, huyện vẫn còn dôi dư 52 người; nhập xã Lão Hộ vào thị trấn Tân An dôi dư 19 người. Khi nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang sẽ có cán bộ dôi dư và người thuộc diện phải điều động sang đơn vị khác hoặc bố trí công tác khác. Căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn quy định và thực tiễn công việc, năng lực của từng người, dôi dư của các cơ quan, tổ chức, trên cơ sở chế độ chính sách liên quan cũng như tâm tư, tình cảm, hướng giải quyết của huyện trước hết là vận động, động viên cán bộ nghỉ hưu trước tuổi.
Cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính Công an huyện Yên Dũng thu nhận hồ sơ làm thủ tục cấp căn cước cho công dân. |
Cán bộ có nguyện vọng nghỉ, chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời trên tinh thần Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ và Nghị quyết số 46/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể, cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc, ngoài hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành còn được hưởng chính sách hỗ trợ một lần gồm: Mỗi tháng nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động được hỗ trợ 1 tháng tiền lương bình quân của 60 tháng trước khi nghỉ công tác. Mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/người. Được hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng; mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng; được hỗ trợ một lần tiền đóng BHXH, BHYT đến khi đủ 20 năm (phần nhà nước đóng). Mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/người.
Ông Lê Văn Long (SN 1965), Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Dũng cho biết: “Tại thời điểm sáp nhập, tôi còn 25 tháng nữa là nghỉ hưu. Mặc dù sức khỏe vẫn bảo đảm, đủ năng lực công tác song do bối cảnh sáp nhập, để tạo điều kiện cho việc tổ chức, sắp xếp cán bộ, sau khi nghiên cứu các quy định của Nhà nước về tinh giản biên chế, tôi đã làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi”.
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đợt này cũng có bà Trần Thị Thơm (SN 1969), Phó trưởng Phòng xin nghỉ hưu trước tuổi. Tương tự, bà Trần Thị Thu (SN 1969) có 18 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tân An nhưng khi có Nghị quyết sáp nhập, bà đã chủ động xin được nghỉ hưu trước 2 năm với tinh thần tự nguyện, đồng thuận cao với chế độ chính sách của Nhà nước.
Tìm hiểu tại thị trấn Tân An và xã Lão Hộ được biết còn có 4 cán bộ, công chức khác cũng có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi tại thời điểm ngày 1/1/2025 theo quy định của Nhà nước. Dự kiến đến ngày 31/12/2024, toàn huyện sẽ vận động 24 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc.
Ông Phan Văn Giang, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Yên Dũng cho biết: “Quan điểm của huyện là sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vừa tuân thủ quy định hiện hành, vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của từng người. Phòng Nội vụ sẽ phối hợp để rà soát trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc diện sắp xếp, điều động hoặc phải bố trí công tác khác để làm công tác tư tưởng, lắng nghe tâm tư. Qua đó đề xuất phương án bố trí cán bộ phù hợp nhu cầu thực tế tại địa phương, đáp ứng được các vị trí việc làm và quy định hiện hành, đồng thời đáp ứng nguyện vọng cá nhân”.
Ý kiến bạn đọc (0)