Sân chơi cho trẻ
Cứ vào Công viên Hoàng Hoa Thám (TP Bắc Giang) để ý sẽ biết nhu cầu cần điểm vui chơi của con trẻ lớn như thế nào. Trừ ngày mưa bão và buổi trưa nắng nóng, còn sáng và chiều tối, điểm vui chơi miễn phí dành cho thiếu nhi luôn trong tình trạng xếp hàng, đông nghịt người. Các khoảng sân trống đều được các em tận dụng để đá bóng, chơi cầu.
Cá biệt, buổi tối, khu vui chơi dành cho người cao tuổi với khoảng không trước nhà sinh hoạt chung cũng được các cháu “mượn” để chơi lái xe mô tô, trượt pa-tanh. Nhiều dụng cụ thể thao được cho là của người cao tuổi cũng thu hút rất đông các cháu tới tập luyện.
Ở nông thôn, tình trạng không khả quan hơn khi thiếu cây xanh, bóng mát, nhà văn hóa có đấy nhưng cửa khóa im lìm, không phục vụ và phù hợp với hoạt động của con trẻ. Các khu chung cư cao tầng đã và đang xây dựng để có một sân chơi đúng nghĩa theo tiêu chuẩn là chuyện quá khó khăn khi từng khoảng không gian, đất công cộng được tận dụng và thu hẹp triệt để.
Không có chỗ vui chơi, thiếu điểm sinh hoạt vậy ba tháng hè, cả người lớn và trẻ em sẽ làm gì để cho qua hè? Nhiều phụ huynh tâm sự là dù không muốn, họ vẫn phải bấm bụng cho con làm bạn với điện thoại, Ipad hay màn hình ti vi. Ở một mức độ nào đó, nhiều người nghĩ giữ chân con ở nhà chơi game còn an toàn hơn khi “thả” trẻ ra ngoài nếu không muốn con đá bóng dưới lòng đường, ra hồ ao tắm nghịch nước…
Một giải pháp được không ít phụ huynh lựa chọn, đó là gửi con tới nhà cô giáo. Con vừa được trông, vừa được học văn hóa, ngày nào cũng đi học, bận rộn hơn cả đi học chính khóa. Với nhiều cháu khi không được sự giám sát của cha mẹ thì sa vào các trò chơi điện tử, tối ngày dán mắt vào ti vi, phim ảnh, tù túng quanh quẩn giữa bốn bức tường. Các cháu ở quê thì chọn ao hồ kênh mương để tắm, ra đường chơi, rất nguy hiểm.
Rõ ràng, việc thiếu sân chơi không chỉ hạn chế khả năng vận động để trẻ phát triển toàn diện mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tai nạn giao thông, đuối nước, các trò chơi điện tử vô bổ, độc hại…
Hè năm nay, TP Bắc Giang tổ chức một số lớp miễn phí rèn kỹ năng sống cho trẻ, tuy nhiên số các cháu được tham gia không nhiều. Các bể bơi có nhưng giá vé cao, không phải cháu nào cũng có điều kiện. Trẻ ở quê thì chỉ có nhà văn hóa để sinh hoạt, nhưng đồ chơi không có, nắng nôi khiến khó hiệu quả…
Bao giờ trẻ em có được nơi vui chơi thực sự để phát triển trí tuệ, thể chất, để thực sự có những ngày hè bổ ích và an toàn vẫn luôn là câu hỏi với các cấp chính quyền và toàn xã hội.
Ý kiến bạn đọc (0)