Sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ: Cuộc chiến pháp đình và mối lo ngại khủng bố bị thổi phồng?
Ông Donald Trump ký sắc lệnh tạm thời cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cư Mỹ hôm 27-1 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. |
Ba thẩm phán liên bang Mỹ gồm Michelle Friedland, William Canby và Richard Clifton thuộc Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 ở San Francisco (Mỹ), ngày 9-2 đã bác bỏ kháng cáo của Bộ Tư pháp Mỹ đòi khôi phục ngay lập tức sắc lệnh của Tổng thống sau khi sắc lệnh bị một thẩm phán Tòa án liên bang ở thành phố Seattle, bang Washington chặn lại. Liệu ông Donald Trump có dễ dàng chấp nhận thất bại trong "cuộc chiến pháp đình đầu tiên" kể từ khi nhậm chức?
Cuộc chiến "Sắc lệnh hạn chế nhập cư" chưa kết thúc
Ngày 27-1, tức chỉ một tuần sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Donald Trump đã ra sắc lệnh hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân của 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi trong vòng 90 ngày và cấm tất cả người tị nạn vào Mỹ trong 120 ngày (người tị nạn đến từ Syria bị cấm vô thời hạn). Sau khi ông Donald Trump đưa ra sắc lệnh nói trên, một thẩm phán liên bang ở Seattle đã bất ngờ đưa ra phán quyết tạm thời đình chỉ trên toàn quốc sắc lệnh này và điều đó bị chính quyền Mỹ lập tức phản đối. Bộ Tư pháp Mỹ ngay lập tức kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 tại San Francisco.
Sau quá trình tranh luận, tòa phúc thẩm đã bác bỏ lập luận của Bộ Tư pháp thay mặt cho Chính phủ Mỹ cho rằng tổng thống có toàn quyền thiết lập chính sách nhập cư. Phán quyết của Tòa phúc thẩm cũng cho rằng "không có bằng chứng cho thấy bất kỳ người nước ngoài từ các quốc gia được nêu trong sắc lệnh" gây ra một cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ. Phía tòa án cho rằng lệnh cấm của ông Donald Trump đã tước các quyền của những người nước ngoài được quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, tòa án cấp bang không thể bãi bỏ sắc lệnh của Tổng thống mà chỉ có quyền ra phán quyết tạm ngừng sắc lệnh hành pháp. Chỉ có Tòa án Tối cao Mỹ mới được phép bãi bỏ sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Donald Trump nếu xác định nó vi hiến. Tuy nhiên, quá trình khởi kiện lên Tòa án Tối cao có thể mất tới cả năm. |
Trước việc sắc lệnh nhập cư bị tòa án ngăn chặn, Tổng thống Donald Trump đã có phản ứng gay gắt, tố cáo Tòa phúc thẩm ở San Franciso "có động cơ chính trị" khi đưa ra phán quyết trên. Ông cho rằng dựa trên điều khoản của Đạo luật Quốc gia về Nhập cư có hiệu lực từ 65 năm nay, theo đó Tổng thống được phép đình chỉ việc nhập cảnh vào Mỹ đối với bất cứ công dân nước ngoài nào mà ông cho rằng sự hiện diện của họ gây thiệt hại cho các lợi ích của nước Mỹ. Các luật sư của chính quyền đã nỗ lực bênh vực cho lý lẽ này khi nói rằng bộ máy tư pháp của đất nước không đủ tư cách ra quyết định về các vấn đề an ninh quốc gia.
Những người phản đối sắc lệnh của Nhà Trắng cũng trích dẫn Hiến pháp, nói rằng sắc lệnh hành pháp này vi phạm những nguyên tắc cơ bản, bao gồm những nguyên tắc về bình đẳng, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Họ cũng nhấn mạnh vai trò của ngành tư pháp là kiểm soát ngành hành pháp, cốt là để bảo vệ các cộng đồng thiểu số. Những người này cũng nhấn mạnh họ có quyền hợp pháp để phản đối bởi trên thực tế lệnh cấm của ông Donald Trump đã ảnh hưởng đến họ cùng với những hậu quả gây ra cho các doanh nghiệp và ngành giáo dục Mỹ. Họ cũng cảnh báo việc khôi phục lại sắc lệnh này có thể đe dọa trật tự công cộng, các vụ lộn xộn sẽ xảy ra, đặc biệt ở sân bay…
Theo quy định của luật pháp Mỹ, tòa án cấp bang không thể bãi bỏ sắc lệnh của Tổng thống mà chỉ có quyền ra phán quyết tạm ngừng sắc lệnh hành pháp. Chỉ có Tòa án Tối cao Mỹ mới được phép bãi bỏ sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Donald Trump nếu xác định nó vi hiến. Tuy nhiên, quá trình khởi kiện lên Tòa án Tối cao có thể mất tới cả năm và trong thời gian đó chính quyền của Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có thể thay đổi hệ thống nhập cư của Mỹ theo hướng những phán quyết của tòa liên bang gần như không còn phù hợp.
Quốc hội Mỹ cũng có thể dùng quyền lực của mình để "đóng băng" hiệu lực của một sắc lệnh hành pháp nhưng điều này rất khó thực hiện. Thông qua một đạo luật, Quốc hội có khả năng hạn chế kinh phí dành cho việc triển khai sắc lệnh hạn chế nhập cư. Tuy nhiên, đạo luật này có thể bị Tổng thống phủ quyết, trừ khi 2/3 thành viên trong lưỡng viện đồng ý gạt bỏ sự phủ quyết của người đứng đầu Nhà Trắng.
Cũng có khả năng, sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư này sẽ bị hủy bỏ bởi chính Tổng thống Donald Trump. Nhưng khả năng này khó có thể xảy ra bởi ông Trump đang thể hiện với cử tri quyết tâm thực hiện cam kết tranh cử. Cũng có tin Tổng thống Donald Trump không có kế hoạch đấu tranh cho lệnh hạn chế nhập cảnh của mình tại Tòa án Tối cao Mỹ, thay vào đó ông đang cân nhắc việc ký một sắc lệnh mới, nhằm "lách qua" các rào cản pháp lý.
Mối quan ngại khủng bố đang bị thổi phồng ở Mỹ ?
Trong các bài phát biểu, bình luận trên Twitter đề cập đến “tội diệt chủng” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông Donald Trump đã nêu ra viễn cảnh các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ và đặt ra tranh cãi về sự an toàn khi đụng độ nổ ra giữa Hồi giáo cực đoan và phương Tây. Đối với những người ủng hộ ông Donald Trump, những lời cảnh báo đầy u ám này cho thấy ông nhận thức rõ mối đe dọa khủng bố đối với nước Mỹ - mối đe dọa mà họ cho là cựu Tổng thống Barack Obama đã xem nhẹ. Trong khi những người chỉ trích tân Tổng thống lo sợ rằng ông đang thổi phồng mối đe dọa IS trong khi bỏ qua các mối đe dọa khác.
Người biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cư đứng bên ngoài Tòa phúc thẩm khu vực 9 ở bang California ngày 7-2. |
Nhà Trắng đã chỉ ra 78 vụ việc như là bằng chứng cho thấy truyền thông đang xem nhẹ mối đe dọa đến từ IS. Theo Nhà Trắng, hầu hết các vụ việc trong danh sách này không nhận được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, danh sách các hoạt động khủng bố mà ông Donald Trump đưa ra tập trung chủ yếu vào các cuộc tấn công mà Nhà Trắng cho là được gây ra hoặc truyền cảm hứng bởi IS. Các vụ khủng bố được tiến hành bởi các nhóm khác không được đề cập trong danh sách này.
Dù không đưa ra kế hoạch cụ thể để tiêu diệt IS ở các thành trì của chúng tại Iraq và Syria, nhưng ông Donald Trump đã nhanh chóng tìm cách giữ chân các tín đồ của chúng ngoài biên giới Mỹ, qua việc ký ban hành sắc lệnh cấm các công dân từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Chỉ thị này cũng bao gồm việc ngừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ trong vòng 4 tháng và cấm cửa “vô thời hạn” với người Syria.
Lệnh cấm này đang bị “chặn lại” ở các tòa án, khiến Tổng thống Donald Trump phản ứng dữ dội và cảnh báo, phán quyết của tòa cho phép mọi người bắt đầu tràn vào nước Mỹ, bất chấp thực tế rằng những người không có visa hợp pháp phải trải qua quá trình thẩm tra dài trước khi được nhập cảnh vào Mỹ. Evelyn Farkas, từng là Phó thư ký Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Barack Obama, cho rằng những lời cảnh báo của ông Donald Trump đang tạo ra mức độ quan ngại không tương đương các mối đe dọa thực sự. Còn người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nói Tổng thống không cố tình gây hoang mang cho người dân Mỹ.
Những phát biểu hùng hồn của ông Donald Trump đánh dấu sự thay đổi bất ngờ so với quan điểm của những người tiền nhiệm gần đây. Trong khi ông Barack Obama khẳng định IS không gây ra mối đe dọa thực sự với nước Mỹ thì tân Tổng thống Donald Trump cho rằng IS đang “tiến hành chiến dịch diệt chủng” và “xác định sẽ tấn công vào đất nước chúng ta”. Trong khi ông Barack Obama cảnh báo về việc thổi phồng khả năng của IS thì ông Donald Trump cho rằng phạm vi ảnh hưởng của tổ chức này không được ghi lại đầy đủ.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)