Quyết không ở lại phía sau
Thôn không còn hộ nghèo
Men theo con đường bê tông láng mịn uốn lượn bao quanh các vườn cây ăn quả, chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Văn Tuấn (SN 1965) - hộ cuối cùng ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn Thông, xã Trù Hựu. Có khách đến chơi, ông Tuấn xởi lởi pha trà, chọn những quả cam vàng ngon nhất của vườn nhà mang ra mời.
Đường về thôn Thông, xã Trù Hựu. |
Hơn 20 năm trước, ông Tuấn bị mắc bệnh viêm tắc tĩnh mạch, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ lần lượt hai chân mới bảo toàn được tính mạng. Với đôi chân gỗ, ông có thể di chuyển gần gặn, cơm nước phụ vợ con nhưng cuộc sống vùng nông thôn với thu nhập chính từ nghề nông trở nên ngày càng khó khăn khi việc ăn học của hai con ngày một tốn kém. Suốt thời gian dài, cái nghèo mãi đeo bám cả nhà.
“Hơn chục năm liệt vào hộ nghèo, các cháu đi học được miễn giảm chi phí học tập, Tết đến gia đình được tặng quà nhưng thật lòng mà nói, không đừng thì phải chịu chứ nào tôi muốn nghèo đâu. Năm hết Tết đến, bà con trong thôn nhà nào, nhà nấy có của ăn của để, mua sắm đồ đạc tân trang nhà cửa, còn mình cứ lận đận ở phía sau nên chúng tôi xấu hổ lắm, chỉ mong sao sớm thoát nghèo”, ông Tuấn kể.
Nhắc đến vợ con, gương mặt ông ánh lên niềm vui bởi con gái Lê Thị Linh Chi (SN 1998) vừa nhận bằng tốt nghiệp đại học cách đây vài ngày; con trai Lê Văn Viện (SN 2000) sau khi tốt nghiệp THPT đang làm tại Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) cũng tự lo liệu được cuộc sống riêng. Còn bà Lý Thị Thanh - vợ ông Tuấn hằng ngày đi chợ buôn bán nhỏ nên có thêm đồng ra, đồng vào. Từ chỗ không có nổi lấy một món đồ giá trị, giờ trong nhà có đủ cả tủ lạnh, máy giặt, xe máy, ti vi kết nối mạng giúp gia đình nắm thông tin thời sự trong nước, quốc tế. Khi gánh nặng cơm áo của cả nhà vơi dần, cuối năm 2019, ông Tuấn bàn với vợ và quyết định làm đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Đủ ăn, đủ mặc, lo cho các con yên bề, vợ chồng tôi nghĩ chẳng có lý do gì không xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhường phần hỗ trợ cho người khác khó khăn hơn mình”. Anh Nông Văn Quyến, thôn Kép 1, xã Hồng Giang |
Kể về chuyện thoát nghèo của các hộ trong thôn, ông Lê Thanh Định, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trù Hựu kiêm Trưởng thôn cho biết: Thôn có hơn 100 hộ, gần 500 nhân khẩu. Khoảng 5 năm trước thôn chỉ còn 4 hộ nghèo. Từ việc xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ, Ban quản lý thôn tham mưu với xã giải pháp trợ giúp thiết thực. Với phương châm trao cho hộ nghèo sinh kế, các con ông Tuấn đều được tư vấn hướng nghiệp từ sớm để thuận lợi sau này xin việc làm. Hay như hộ anh Lý Văn Cường được Ủy ban MTTQ xã và các đoàn thể hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết trị giá hơn 100 triệu đồng giúp gia đình dần ổn định cuộc sống.
Đồng bộ giải pháp hỗ trợ
Nhiều năm trước, những chuyến công tác về huyện Lục Ngạn là nỗi lo ngại của không ít người bởi đi lại khó khăn, nhất là ở các xã vùng cao. Chưa kể một bộ phận người nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều hộ khiến nhiệm vụ giảm nghèo trở nên hết sức nặng nề đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách, lồng ghép các chương trình, dự án và nhân dân đóng góp để tập trung sửa chữa, nâng cấp hàng nghìn công trình giao thông, xây trường lớp học, kênh mương, công trình nước sinh hoạt, điện chiếu sáng. Tất cả người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sinh sống ở thôn đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Hộ khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà với mức hỗ trợ bình quân 20 triệu đồng/hộ. Lớp thanh niên, người có khả năng lao động được tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; nhiều hộ khó khăn được vay vốn ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật để phát triển sản xuất. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm mạnh, hiện chỉ còn hơn 6,8%, vượt mục tiêu đề ra.
Ông Vũ Trí Bằng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nói: Nếu như trước đây vào dịp cuối năm, thôn nào cũng lập danh sách hộ nghèo, gia đình khó khăn đề nghị chính quyền hỗ trợ, nguồn lực cấp trên đưa xuống không biết bao nhiêu cho đủ; người dân tị nạnh nơi này quà ít, chỗ kia nhiều hơn thì hai năm gần đây, nhiều thôn xóm không còn hộ nghèo. Ngoài thôn Thông, xã Trù Hựu, ở Lục Ngạn còn nhiều khu dân cư không còn hộ nghèo như thôn Kép 1, Kép 3 (xã Hồng Giang); thôn Áp (xã Tân Quang); thôn Kim 2, Cầu Đất (xã Phượng Sơn); tổ dân phố Minh Khai, Minh Lập (thị trấn Chũ).
Khơi dậy ý chí vượt khó
Dịp này, về những thôn xóm không có hộ nghèo, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống ấm no hiện hữu trong những ngôi nhà cao tầng, những vạt cây trái nối tiếp nhau xanh mướt, trải dài nhờ bàn tay người nông dân cần cù chăm bón. Chia sẻ về thành quả trong công tác giảm nghèo ở xã nông thôn mới Hồng Giang, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã Bùi Đức Văn phấn khởi thông tin: Hồng Giang có 17 thôn, gần 2,5 nghìn hộ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 27%; hộ nghèo còn 1,6%. Việc bình xét hộ nghèo tại các thôn xóm được cán bộ cơ sở thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, đúng tiêu chí quy định. Do vậy, mấy năm gần đây xã không có đơn thư khiếu nại về công tác bình xét hộ nghèo.
Sau khi thoát nghèo, gia đình ông Lê Văn Tuấn có điều kiện mua sắm nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt. |
Đánh giá về hiệu quả thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Trương Văn Năm cho rằng: Trong kết quả giảm nghèo còn có đóng góp không nhỏ của MTTQ các cấp và tổ chức thành viên đã tích cực tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất. Những mô hình, cách làm sáng tạo như “Mỗi hộ khá giúp một hộ nghèo, khó khăn hơn” của Hội Nông dân hay “Mỗi chi hội giúp đỡ một hội viên thoát nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Dù đạt kết quả tích cực song các hộ mới thoát nghèo vẫn còn khó khăn, nếu không tiếp tục đồng hành, trợ giúp thì những hộ này có thể tái nghèo. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung cao cho tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm nay. Thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống người dân trên địa bàn, đề xuất hình thức hỗ trợ phù hợp để các gia đình thoát nghèo bền vững.
Điều gây ấn tượng với chúng tôi trong câu chuyện với đại diện người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương còn ở việc trong số hàng nghìn hộ thoát nghèo, đã có không ít lá đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo được gửi đến chính quyền.
Ví như gia đình anh Nông Văn Quyến (SN 1970) ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang. Những năm trước, gia đình anh có đến 7 khẩu nên cuộc sống khá chật vật. Là hộ nghèo, được hưởng nhiều chính sách trợ giúp, nhất là vay vốn ưu đãi nên anh mạnh dạn cải tạo vườn tạp chuyển đổi thành mô hình trồng cam, bưởi. Được Chi hội nông dân thôn tư vấn, tranh thủ những lúc nông nhàn, vợ chồng anh còn nhận dịch vụ giết mổ gia cầm tại chợ Chũ nên mỗi tháng có thêm từ 7-8 triệu đồng.
"Có đủ ăn, đủ mặc, lo cho các con yên bề, vợ chồng tôi nghĩ chẳng có lý do gì không xin thoát nghèo, nhường phần hỗ trợ cho nhiều người khác khó khăn hơn mình". Tâm sự của anh Quyến cũng như nhiều gia đình đã thoát nghèo nơi đây cho thấy bên cạnh lồng ghép hiệu quả các nguồn lực thì chính ý chí, tinh thần tự chủ, tự lực vươn lên thoát nghèo là nguyên nhân trực tiếp góp phần làm nên thành công của chính sách giảm nghèo nơi đây.
Mai Toan - Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)