Lan tỏa ý chí thoát nghèo
Nghị lực vượt khó
Nhiều năm qua, gia đình ông Lý Tính Pảu (70 tuổi) ở thôn Mịn Con, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) thuộc diện hộ nghèo. Vợ ông thường xuyên đau ốm phải đi viện, trong khi vườn tược ít, tài sản trong nhà không có gì đáng giá. Năm 2016, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông được chị Lý Thị Tươi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn cho vay 300 cây cam giống để trồng, khi thu hoạch mới phải hoàn trả.
Cán bộ UBND xã Đồng Tiến (Yên Thế) giới thiệu chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo. |
Vụ cam năm nay, ông Pảu dự kiến thu 3 tấn quả, ước được 60 triệu đồng. “Gần 10 năm qua, mỗi lần bình xét hộ nghèo, tôi cảm thấy ngại, thậm chí xấu hổ với dân làng nhưng không thể làm gì được hơn. Bây giờ có nguồn thu nhập, tôi làm đơn xin thoát nghèo để các hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn được hưởng chính sách hỗ trợ”, ông Pảu tâm sự.
Như ông Pảu, chị Lý Thị Vân (40 tuổi) ở thôn Hợp Thành (cùng xã) mới đây cũng ký đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Do trục trặc hôn nhân, chị Vân sống ly thân chồng. Dù sức khỏe yếu nhưng chị vẫn tần tảo, khi đi bốc cay thuê, lúc lại tranh thủ thu mua phế liệu để kiếm tiền nuôi hai con nhỏ ăn học. Có chút vốn liếng dành dụm kết hợp vay vốn ngân hàng chính sách, chị Vân trồng thêm vài chục gốc cam, vải thiều nên cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Được sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể xã và người thân, hiện chị đang xây căn nhà mới diện tích gần 100 m2. “Tết này, tôi vui hơn rồi vì có nhà mới, không còn là hộ nghèo nữa”, chị Vân khoe. Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có gần 150 hộ làm đơn xin thoát nghèo, tập trung ở các xã: Trù Hựu, Tân Mộc, Phượng Sơn…
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có gần 150 hộ làm đơn xin thoát nghèo, tập trung ở các xã: Trù Hựu, Tân Mộc, Phượng Sơn. |
Riêng tháng 10 năm nay, có 43 hộ viết đơn xin thoát nghèo thì xã Trù Hựu có 17 hộ- là xã có số người viết đơn xin thoát nghèo nhiều nhất huyện. Đáng chú ý, huyện Lục Ngạn đã có cách làm mới, khích lệ các hộ, đó là dịp cuối năm đều tổ chức hội nghị tuyên dương các hộ tự nguyện làm đơn thoát nghèo.
Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Hầu hết các hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo có cuộc sống khá hơn. Trước khi công nhận các hộ thoát nghèo, chính quyền các xã, thị trấn và ban lãnh đạo thôn đều tổ chức họp công khai, dân chủ. Dựa vào điều kiện thực tế ở mỗi gia đình sẽ xem xét quyết định, tránh tình trạng thoát nghèo nhưng không bền vững.
Tạo luồng sinh khí mới
Không chỉ Lục Ngạn, ở nhiều nơi, dù tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí không đồng đều nhưng ý chí vươn lên thoát nghèo của các hộ rất đáng ghi nhận. Bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện hành của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án; cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Các phong trào: Gây quỹ từ thiện, quyên góp ủng hộ xây mới, sửa chữa nhà; hỗ trợ cây, con giống; trao đổi kinh nghiệm sản xuất giúp hộ nghèo được triển khai kịp thời.
Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Trù Hựu (Lục Ngạn) thăm căn nhà đang được xây dựng của chị Lý Thị Vân, thôn Hợp Thành- người mới làm đơn xin thoát nghèo. |
Tìm hiểu tại một số xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thế như: Đồng Tiến, Canh Nậu, Đồng Vương, Tiến Thắng, Đồng Hưu, thời gian gần đây rất nhiều hộ cũng xin thoát nghèo cho dù khó khăn chưa phải đã hết. Chúng tôi có mặt tại nhà chị Vi Thị Lan, bản Khe Ngọ (xã Đồng Tiến) đúng lúc chị đang cho bò ăn, chị Lan bộc bạch: Hơn 10 năm nay, do suy nhược cơ thể, chị không thể làm việc nặng. Các con nheo nhóc, chồng làm phụ vữa nhưng không đủ trang trải cuộc sống. Cách đây hai năm, gia đình chị được nhận một con bò sinh sản từ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.
“Hai năm vừa rồi tôi bán hai con bê, lãi gần 30 triệu đồng, kết hợp làm ruộng và thu nhập từ công việc của chồng nên gia đình làm được gian nhà rộng rãi, thay thế ngôi nhà chật chội, cũ nát trước đây. Vừa rồi, tôi tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo”, chị Lan nói.
Bà Nguyễn Thị Quy, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến chia sẻ, dù là xã đặc biệt khó khăn song tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2018 giảm 6%, năm 2019 giảm 10% (hộ nghèo hiện nay là 15,3%). Năm nay, toàn xã có 10 hộ xin thoát nghèo. Có được kết quả đó, Đảng ủy, UBND xã giao cho các hội, đoàn thể, cán bộ chuyên môn phối hợp giúp đỡ hộ nghèo thông qua nhiều hình thức như vay vốn, hỗ trợ ngày công làm nhà, con giống... Mặt khác, thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh những gương làm kinh tế giỏi, mô hình hay để hộ nghèo học tập.
Có thể thấy, trong khi ở đâu đó vẫn còn không ít hộ có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì những lá đơn xin thoát nghèo như của chị Vân, chị Lan, ông Pảu và hàng trăm hộ khác đã cho thấy sự thay đổi về nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của các hộ đã khác so với trước, tạo luồng sinh khí mới về công tác giảm nghèo ở các địa phương.
Ông Trịnh Hữu Bàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá: Việc làm của các hộ càng khẳng định chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, khơi gợi và lan tỏa mạnh mẽ ý chí thoát nghèo của người dân trong cộng đồng.
Tuy nhiên, để ngày càng có nhiều hộ tự nguyện thoát nghèo rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở mỗi địa phương để sao cho đằng sau mỗi lá đơn thoát nghèo ấy là cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là niềm tin, ý chí khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi gia đình.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)