Quét SIM rác
Không phải đến nay ngành chức năng mới siết chặt quản lý mà theo quy định từ năm 2017, thuê bao di động mới phải đăng ký thông tin, gồm giấy tờ tùy thân và ảnh chụp chân dung. Và từ tháng 8/2022, thuê bao mới phải xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quy định là vậy nhưng nhiều năm qua, không ít đại lý đã sử dụng thông tin không chính chủ (mượn, thuê lại hoặc có được từ các nguồn khác) nhằm đăng ký, kích hoạt thuê bao để tận dụng các gói ưu đãi trước khi bán đến tay người dùng cuối. Điều này thúc đẩy doanh số nhưng người dùng thuê bao thực chất lại không phải chủ sở hữu đăng ký tên, từ đó phát sinh hệ lụy.
Theo thống kê từ các nhà mạng, trong số lượng SIM được bán ra thị trường, có tới 80% phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, 20% còn lại bán trực tiếp từ các cửa hàng giao dịch của nhà mạng và qua hệ thống bán lẻ điện thoại lớn. Trong đó, kênh đại lý được xác định là nguồn tạo ra nhiều SIM không chính chủ nhất. Như vậy, các đại lý góp phần tăng doanh thu nhưng lại là “mắt xích” khó quản lý làm phát sinh SIM không chính chủ, dẫn tới vấn nạn trên, việc dừng phát hành qua kênh này là cần thiết.
Tại Bắc Giang hiện có khoảng 1,7 triệu thuê bao di động đang hoạt động, phát sinh cước, trong đó Viettel khoảng 1,3 triệu thuê bao, Vinaphone 300 nghìn và Mobiphone khoảng 68 nghìn. Từ 0 giờ ngày 10/9, Vinaphone Bắc Giang dừng bán SIM tại 256 đại lý ủy quyền và 125 điểm bán hàng của cộng tác viên. Nhà mạng Viettel, Mobiphone cũng đã yêu cầu các đại lý dừng bán SIM.
Khảo sát sau ngày 10/9, cơ bản các đại lý, cửa hàng thực hiện đúng quy định nhưng còn một số trường hợp vẫn lén lút bán chui. Được biết, các doanh nghiệp viễn thông đã hướng dẫn, hỗ trợ đại lý thu mua lại SIM còn tồn đọng. Lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định ở các đại lý.
Thời gian qua, lực lượng công an của tỉnh và cả nước đã triệt phá nhiều vụ án, đường dây tội phạm có sử dụng SIM rác, không chính chủ làm công cụ “giúp sức” thực hiện hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền qua mạng... quy mô lớn.
Các đối tượng phạm tội còn sử dụng SIM rác, không chính chủ để gọi điện, nhắn tin đe dọa, bôi nhọ danh dự, xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Còn với hầu hết người dùng điện thoại di động, dù chưa trong “tầm ngắm” của tội phạm thì ít nhiều đều bị SIM rác quấy nhiễu, nhận được cuộc gọi không mong muốn…
Động thái kiên quyết quét SIM rác lần này có được thực hiện triệt để hay không cần sự vào cuộc quyết liệt của các nhà mạng, cơ quan chức năng, đồng thời mỗi người dân cũng chung tay nêu cao ý thức sử dụng thuê bao xác thực cơ sở dữ liệu quốc gia, không cho mượn thông tin cá nhân để đăng ký thuê bao và tích cực phản ánh với cơ quan chức năng khi nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo… Qua đó cùng góp phần loại bỏ “trợ thủ” gây ra rắc rối, tình trạng lừa đảo qua mạng, điện thoại làm mất trật tự an toàn xã hội.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)