Quan tâm “câu chuyện sản phẩm” trong OCOP
Chủ thể tham gia OCOP chưa tự xây dựng được CCSP
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, sau hơn 3 năm thực hiện, chương trình OCOP của Bắc Giang đã thu nhiều kết quả, song vẫn gặp một số khó khăn như: Nguồn lực thực hiện chủ yếu là lồng ghép; chủ thể chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu.
Thành viên HTX Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung thu hoạch hoa sâm Nam. |
Số sản phẩm đăng ký tham gia hằng năm nhiều nhưng sản phẩm đủ điều kiện để công nhận ít. Sản phẩm OCOP chủ yếu vẫn ở dạng sơ chế, chưa chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, việc xây dựng CCSP nhằm quảng bá thương hiệu và bán sản phẩm chưa được các chủ thể đầu tư, cách diễn đạt câu chuyện chưa đủ hấp dẫn khách hàng.
Việc xây dựng CCSP của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Thùy Dương, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) là một ví dụ. Năm nay, HTX này có 2 sản phẩm tham gia đợt II chương trình OCOP của tỉnh, gồm “Tinh bột nghệ curcumin Thùy Dương” và “Bột củ sen nguyên chất Thùy Dương”.
Chị Bạch Thị Mến, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: “Tinh bột nghệ chứa hoạt chất curcumin, giúp điều trị bệnh viêm dạ dày tá tràng, chống rối loạn tiêu hóa; tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, cải thiện chức năng tim mạch, làm đẹp da. Còn tinh bột sen chứa nhiều Vitamin bồi bổ cơ thể, cũng là vị thuốc quý, có khả năng phòng ngừa một số bệnh và dưỡng tâm, an thần.
Hiện Yên Dũng có vùng nguyên liệu củ sen lớn, đồng thời có thể xây dựng vùng nguyên liệu tinh bột nghệ nên tháng 4/2022, vợ chồng tôi thành lập HTX, liên kết mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá, bán các sản phẩm trên”. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình bình chọn sản phẩm OCOP, HTX gặp khó khi thực hiện CCSP.
Bởi thiếu kinh nghiệm, không đủ khả năng diễn đạt, vận dụng, lồng ghép các yếu tố văn hóa, sứ mệnh sản phẩm, lịch sử vùng đất… tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm. “Dù được tư vấn nhưng chúng tôi vẫn phải nhờ cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang thực hiện giúp CCSP”, chị Mến nói.
Được biết, CCSP quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP chưa có định nghĩa hay khái niệm, chỉ được hiểu là lời giới thiệu về xuất xứ, công dụng, xu hướng phát triển của sản phẩm. Trong đó, chủ thể sản phẩm phải nêu được xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm; trí tuệ/bản sắc địa phương (giá trị văn hóa, hoặc huyền tích, hay sự hình thành sản phẩm); công dụng, công nghệ sản xuất; xu thế phát triển của sản phẩm.
Thực tế, chủ thể các sản phẩm tham gia chương trình OCOP hầu hết xuất thân là nông dân, không thạo sử dụng máy tính hoặc công nghệ thông tin nên khó tiếp cận thông tin liên quan đến xây dựng CCSP. Nếu chủ thể không được tư vấn, hướng dẫn sẽ không tự “kể” (hoặc viết lên) được CCSP.
Do đó, không chỉ HTX Nông nghiệp sạch Thùy Dương, ngay sản phẩm sâm Nam núi Dành, hay sản phẩm nụ hoa sâm Nam núi Dành của HTX Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung (Tân Yên), dù có điển tích một loại thần dược chữa khỏi bệnh lòa mắt cho mẹ vua Tự Đức triều Nguyễn cách đây hàng trăm năm rất hấp dẫn nhưng chủ thể sản phẩm cũng không tự hoàn thiện được CCSP, phải nhờ chuyên gia viết hộ.
Tầm quan trọng của CCSP
Theo ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang, CCSP là câu chuyện về thương hiệu. Một câu chuyện hấp dẫn, chân thực sẽ khiến khách hàng nhập tâm, khắc sâu vào tâm trí và bỏ tiền mua sản phẩm đó. Vì thế, một trong những cách để thương hiệu đi vào tâm trí khách hàng là nhờ những câu chuyện hay.
Đôi khi khách hàng không mua sản phẩm vì giá trị sử dụng, họ mua vì lý do tại sao sản phẩm đó ra đời. Mặc dù CCSP chỉ chiếm 10/tổng số 100 điểm (theo quy định) nhưng nó mang ý nghĩa rất quan trọng. Bởi CCSP không chỉ đơn thuần để cho hay, mà nó cần phải thể hiện yếu tố chiến lược thương hiệu, gồm: Giá trị, định vị, tính cách và hình mẫu thương hiệu.
Một câu chuyện được hoạch định chiến lược trước khi tung sản phẩm ra thị trường sẽ giúp sản phẩm có chỗ đứng trong tâm trí khách hàng nhanh hơn, bền vững hơn. Với nền tảng công nghệ hiện nay, trước khi được chạm vào, hoặc sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng có thể tìm hiểu bất kỳ một sản phẩm nào đó trên không gian mạng.
Vì thế, một CCSP chạm đến trái tim khách hàng, nhất định sẽ mang đến thành công cho thương hiệu. Đặc biệt, CCSP cần phải chân thực. Bởi ngoài mục đích bán hàng, còn là dịp quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương đến người tiêu dùng.
Đến hết tháng 10/2022, Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao. |
Để Bắc Giang phát triển sản phẩm OCOP bền vững, ngày 10/11 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP”.
Tại đây ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư khẳng định: “Trong xây dựng sản phẩm OCOP cần quan tâm CCSP. Muốn có những câu chuyện hay, sinh động thì phải có sự đầu tư, chú trọng chế biến, liên kết chứ không chỉ là sản phẩm ở dạng thô, tươi sống”.
Đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã giao Hội Nông dân (HND) tỉnh thực hiện đề án “HND các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”.
Do đó, hoạt động tư vấn xây dựng và hoàn thiện sản phẩm không chỉ của Chi cục Phát triển nông thôn, mà là nhiệm vụ quan trọng của các cấp HND trong tỉnh hiện nay.
Để giúp các chủ thể hoàn thiện sản phẩm OCOP, ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho rằng, cán bộ khi tham gia tư vấn phải không ngừng nâng cao trình độ, định hướng cho các chủ thể tự viết với nội dung ngắn gọn, hấp dẫn nhưng đầy đủ nội dung theo Bộ tiêu chí quy định.
Giúp người đọc (khách hàng) dễ hiểu, dễ nhận biết về thông tin sản phẩm. Bên cạnh đó, các chủ thể sản phẩm OCOP cũng cần coi trọng, quan tâm đầu tư để có CCSP hay, hấp dẫn, từ đó sẽ thu hút được khách hàng .
Bài, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)