Khai thác lợi thế để có sản phẩm OCOP chất lượng
Ông Đặng Phúc Giang, đại diện Viện Chính sách chiến lược (Bộ Nông nghiệp và PTNT):
Xây dựng vùng nguyên liệu, thu hút nhân lực về nông thôn
Dù mới triển khai được 4 năm song Bắc Giang đã đạt được kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP với 180 sản phẩm được công nhận, trong đó có 42 sản phẩm 4 sao, trở thành địa phương đứng thứ 12 toàn quốc và thứ 2 khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc về số sản phẩm được công nhận.
Ông Đặng Phúc Giang. |
Tuy nhiên, qua theo dõi, các mặt hàng của Bắc Giang chủ yếu ở dạng tươi sống, chưa có nhiều loại được đầu tư chế biến sâu. Điều này dẫn đến sự đơn điệu và làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường, đối tượng khách hàng cũng bị bó hẹp...
Thực tế, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho nông sản đặc trưng, trong đó đã có mặt hàng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường khó tính Nhật Bản. Đây là lợi thế lớn để Bắc Giang có thêm những sản phẩm OCOP chất lượng và có thể phát triển thành sản phẩm OCOP quốc gia.
Để khai thác những lợi thế này, Bắc Giang cần quan tâm mở rộng, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung nhằm kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng hàng hóa.
Quan tâm phát động phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn, có cơ chế hỗ trợ, thu hút và khuyến khích bạn trẻ, nhất là những cử nhân, kỹ sư có trình độ về phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu vực giàu tiềm năng này.
Ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh:
Tạo "cú hích" để các chủ thể mạnh dạn phát triển sản phẩm
Là tỉnh đầu tiên triển khai chương trình OCOP (năm 2013), UBND tỉnh Quảng Ninh sớm ban hành chu trình OCOP thường niên gồm 6 bước cụ thể, giao cho các cơ quan liên quan phụ trách từng khâu, từng bước. Để tạo “cú hích”, HĐND tỉnh ban hành 4 nghị quyết đặc thù hỗ trợ phát triển chương trình như: Khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; hỗ trợ lãi suất; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ; hỗ trợ trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Vọng. |
Từ các nghị quyết, tỉnh tạo “vốn mồi” để huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, mỗi một đồng ngân sách tỉnh bỏ ra, huy động được gần 75 đồng từ xã hội để sản xuất nông nghiệp và phát triển OCOP. Đến nay, Quảng Ninh có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm hạng 5 sao quốc gia. Toàn tỉnh có 189 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất tham gia, tạo giá trị doanh thu đạt 400-500 tỷ đồng/năm.
Từ thực tế, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm, trong đó cần phải thống nhất quan điểm về chương trình, coi đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Quá trình thực hiện huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phân công, giao trách nhiệm rõ người, rõ việc cho các tập thể, cá nhân. Có quy hoạch, cơ chế, chính sách đủ mạnh, theo hướng mở để triển khai, vận dụng linh hoạt; quan tâm xúc tiến thương mại, thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói...
Bà Lê Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH JOY Việt Nam, thị trấn Bích Động (Việt Yên):
Hỗ trợ các chủ thể tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại
Dù mới thành lập năm 2018 song đến nay Công ty có 9 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 4 mặt hàng 4 sao, còn lại 3 sao. Để tiếp cận người tiêu dùng, những ngày đầu, Công ty phải mang mặt hàng mẫu đi chào từng cửa hàng, từng siêu thị nhỏ lẻ.
Bà Lê Hồng Vân. |
Cùng đó tham gia vào hội nhóm thực phẩm an toàn, các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại để tiếp cận được với các đơn vị phân phối và có thể làm việc trực tiếp với đối tác thu mua. Đến nay, hàng hóa của đơn vị đã có mặt ở gần 500 siêu thị, cửa hàng và đại lý trên toàn quốc.
Mặc dù vậy, do không có đủ nhân lực chất lượng, thiếu vốn nên việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều sản phẩm khi bán ở kênh địa phương, cho khách tới thăm quan mua về làm quà thì bán rất tốt nhưng khi đưa lên kệ các cửa hàng tiện lợi, siêu thị thì lại rất khó bán. Nguyên nhân là do bao bì chưa đủ bắt mắt, định lượng, kích thước quá lớn, trong khi xu hướng tiêu dùng của người dân thành thị, nơi phổ biến của các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại lại là các mặt hàng nhỏ gọn, tiện ích, đa dạng.
Trong chương trình OCOP cũng như xúc tiến thương mại khác những năm tới, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ về vốn, khoa học và công nghệ. Tăng cường tổ chức hoạt động kết nối trực tiếp với các đơn vị phân phối, giảm áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô nhỏ, đơn lẻ, qua đó giúp các chủ thể đưa hàng hóa đến nhiều đối tượng khách hàng hơn, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Nhóm PVKT (ghi)
Ý kiến bạn đọc (0)