Putin - từ cậu bé bắt chuột trở thành chính khách quyền lực: Kỳ 2 - Kiến thức là sức mạnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Trang mới của lịch sử nước Nga
Vladimir Putin được Boris Yeltsin chỉ định làm Chủ tịch Chính phủ Liên bang Nga vào tháng 8-1999 và trở thành thủ tướng thứ năm của nước Nga trong khoảng thời gian chưa đầy 18 tháng. Khi được chỉ định, rất ít người tin rằng Putin, người ít tiếng tăm, khó có thể đảm đương được công việc của người tiền nhiệm. Những đối thủ đáng gờm như Thị trưởng Moskva Yuriy Luzhkov và cựu Thủ tướng Nga Yevgeniy Primakov đã tiến hành các chiến dịch vận động nhằm thay thế Yeltsin cũng là người phản đối kịch liệt đưa Putin lên nắm quyền. Ngược lại, Putin lại nhận được sự ủng hộ của phe Edinstvo (thống nhất) mới thành lập nhưng chiếm đa số trong cuộc bầu cử Duma tháng 12-1999. Ngày 31-12-1999, Yeltsin bất ngờ từ chức và theo hiến pháp, Putin được chỉ định làm Tổng thống tạm quyền, tổng thống thứ hai của nhà nước Liên bang Nga. Tại cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ngày 26-3-2000, Putin thắng cử ngay từ vòng đầu tiên.
Putin luôn kiểm soát và duy trì phương tiện truyền thông ở trạng thái “lề phải”. Trong các cuộc phỏng vấn, Putin trả lời mọi câu hỏi gây tranh cãi với những từ ngữ mập mờ và thận trọng, không đánh bóng bản thân, những người thân tín hoặc đưa mình vào một góc. Bên cạnh các cuộc họp báo có kịch bản và được biên soạn kỹ càng, hầu hết những gì Putin phát ngôn không phải là những báo cáo. |
Năm 1999, trên cương vị Thủ tướng Nga, Putin đã gây ấn tượng bằng việc công bố tài liệu có tên "Nước Nga tại bước ngoặt thiên niên kỷ" (Russia at the Turn of the Millennium), thường được biết đến bằng tên gọi "Tuyên bố Thiên niên kỷ". Tài liệu công khai nói về quá khứ và triển vọng của nước Nga. Theo tờ The Atlantic của Mỹ, bằng việc công bố "Tuyên bố Thiên niên kỷ", Putin muốn cho dư luận biết, lịch sử nước Nga bắt đầu sang trang mới với những thay đổi về chính trị, đề nghị người dân đoàn kết xung quanh chính quyền trung ương. Hai ngày sau khi công bố bản tuyên ngôn nói trên, Vladimir Putin chính thức trở thành Tổng thống của nước Nga thời hậu Xô Viết.
Ngay sau khi nhậm chức, Putin đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin trong đời sống chính trị nước Nga. Một trong những đạo luật đầu tiên Putin đưa ra là nhằm tái lập lại cái mà ông gọi là "quyền lực theo chiều dọc", quay trở lại hệ thống liên bang từ trên xuống theo truyền thống, đồng thời tiến hành cải cách triệt để hệ thống Thượng viện Nga, Ủy ban Liên bang. Putin không ủng hộ việc xóa bỏ quá khứ Liên bang Xô-Viết ra khỏi lịch sử nước Nga, vốn là chính sách trước kia của Yeltsin nhằm mục đích chính đối phó với các đối thủ của Đảng Cộng sản Nga. Ông đã miêu tả niềm tin của mình rằng Liên Xô trước kia là một phần quan trọng trong lịch sử Nga và những di sản của Liên Xô có một ảnh hưởng lớn đối với việc hình thành xã hội Nga hiện đại.
Mười năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, đánh dấu một thập kỷ nhậm chức của Putin trên cương vị Tổng thống Nga, Putin đã trở thành một chính khách nổi tiếng, ông đã dấy lên sự tự tin trong giới chính trị. Theo tờ Washington Post của Mỹ, trong vòng chưa đầy hai năm, Putin đã trở thành “hiện tượng” chưa từng có trong lịch sử nước Nga và thế giới. Vị tổng thống trẻ tuổi này đã được công chúng ủng hộ khi tiến hành cuộc chiến tranh chống lại quân nổi dậy Chechnya vì mục tiêu chung của nước Nga cũng như cộng đồng các quốc gia độc lập, tạo vùng đệm làm cho giá trị, truyền thống của Nga quay trở lại với các quốc gia thành viên thuộc Liên bang Xô-Viết cũ.
Chính khách bất khả xâm phạm
Dù đã xuất hiện trên chính trường trên dưới 20 năm, dư luận, đặc biệt là ở Mỹ và phương Tây vẫn chưa hiểu hết hết con người thực của Putin, ông là chính khách hay một nhà hảo tâm? Có một thực tế dư luận đã biết: Putin từng là cựu điệp viên KGB, có bằng Cử nhân Luật và không ưa… chính trị nhưng ông lại là người theo nghề chính trị trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Về vị Tổng thống của nước Nga, phóng viên tại Nga, Steven Myers của tờ Thời báo New York (NYT)- người có nhiều năm viết về Điện Kremlin mới đây có đưa ra nhận định, Putin giống như một “xe tăng Nga” có lớp giáp không thể xuyên thủng, chính khách bất khả xâm phạm. Theo Steven Myers, điều này không có gì ngạc nhiên, bởi Putin luôn kiểm soát và duy trì phương tiện truyền thông ở trạng thái “lề phải”.
Trong các cuộc phỏng vấn, Putin trả lời mọi câu hỏi gây tranh cãi với những từ ngữ mập mờ và thận trọng, không đánh bóng bản thân hoặc những người thân tín, hoặc đưa mình vào một góc. Bên cạnh các cuộc họp báo có kịch bản và được biên soạn kỹ càng, hầu hết những gì Putin phát ngôn không phải là những báo cáo. Trong khi đó, những chỉ trích từ bất kỳ nhân vật nào, kể cả chính trị gia, giáo sư, hay một nhóm nào đó đều được xem xét một cách kỹ lưỡng.
Theo một bài viết của tác giả Simon Shuster đăng trên tạp chí Time của Mỹ năm 2014, Simon lập luận, với tư cách là một cựu điệp viên KGB, Putin có cách sử dụng công nghệ hiện đại không giống ai, khiến ông trở thành một chính khách có những “lớp giáp dày” đạn bắn không thủng. Đặc biệt, ông không sử dụng điện thoại di động nhưng lại dùng máy tính, tránh sử dụng Internet. Ông tiếp nhận tin tức qua các mạng lưới tình báo, cung cấp trực tiếp qua thư mục và tài liệu giấy. “Putin là một phiên bản Luddite (bảo thủ) đáng sợ của một chính khách thời hiện đại”, Simon Shuster nhận xét.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm một trường học. |
Trong khi Putin bị một số nhân vật đồng nhiệm phương Tây chỉ trích là chuyên quyền thì các mối quan hệ của ông với Tổng thống Mỹ George W. Bush, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi… lại rất thân thiện. Riêng mối quan hệ với Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel có phần "lạnh" nhưng “lạnh theo kiểu thương mại" so với quan hệ của Nga với Gerhard Schröder trước đây.
Đời tư kín đáo
Một người đàn ông được bảo vệ như Putin được xem là “mục tiêu khao khát” của báo giới. Các phương tiện truyền thông cố gắng tiếp cận nhưng nhiều người đã nản, không thể làm gì hơn ngoài những gì đã được công bố công khai. Ví dụ, Putin là chính khách nói tiếng Đức thạo như tiếng mẹ đẻ, còn tiếng Anh ở mức trung bình. Putin đã có một cuộc hôn nhân kéo dài 30 năm với bà Lyudmila Putina, cựu tiếp viên hàng không và giáo viên dạy tiếng Đức, sinh tại Kaliningrad. Theo tạp chí trực tuyến MSN, mặc dù cuộc hôn nhân kết thúc vào năm 2013 nhưng không có bức chân dung gia đình chính thức nào được công bố và Putina (người sau này đã đổi tên thành Ocheretnaya) phần lớn là vô hình đối với báo chí. Còn theo hãng tin BBC ngày 7-6-2013, Putin và vợ đã tuyên bố ly dị sau gần 30 năm chung sống. Ngày 2-4-2014, phát ngôn viên của Putin, ông Dmitri Peskow, loan báo tại Moskva rằng hai người đã chính thức ly dị.
Putin cũng có hai con gái không thể tiếp cận được, Yekaterina 30 tuổi và Mariya 31 tuổi. Cuộc sống của hai người này cũng được giữ kín nên không có nhiều thông tin được khai thác. Trong khoảng thời gian dài, báo chí hầu như không biết họ sống ra sao, hoặc làm gì để kiếm sống. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tấm màn bí mật từng bước được vén lên một phần. Theo đó, ái nữ Yekaterina Tikhonova đang công tác tại Đại học Mátxcơva, tại đây Yekaterina thường xuyên công bố những bài viết về toán học và cơ học. Cũng có tin rằng Yekaterina và chồng sở hữu một khối tài sản lớn dưới dạng cổ phiếu hóa dầu. Còn cô chị Mariya dường như đã kết hôn..., đó là những gì báo chí đã biết về hai người con của Putin.
Putin có sở thích rất đặc biệt là… cởi trần, nhất là khi đi dã ngoại. Ví dụ, đầu tháng 8-2009, Putin đã gây sự chú ý với dư luận bằng những hoạt động giống như những người hùng trong phim hành động ở Hollywood khi điện Kremlin công bố hình ảnh ông đi câu cá, bơi lội, chèo thuyền và cưỡi ngựa trong lúc cởi trần ở vùng núi Siberi. Hay trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến vùng đồng cỏ ở Cộng hòa Tuva thuộc Nga, tại đây Putin cởi trần bổ củi, cưỡi ngựa, bơi lội và câu cá dưới suối một cách dân dã… Tất cả những hình ảnh này báo chí có thể chụp và đăng tin thoải mái.
Khắc Hùng
(Theo GC/Forbes/Time - 10/2017)
Ý kiến bạn đọc (0)