Nỗ lực duy trì thị trường Hàn Quốc
Kênh giảm nghèo hiệu quả
Những năm gần đây, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) có chuyển hướng rõ rệt. Bên cạnh các quốc gia, vùng lãnh thổ truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) tập trung khai thác các thị trường uy tín, thu nhập cao, trong đó trọng điểm vẫn là Hàn Quốc.
Điều này phù hợp với xu thế của thị trường XKLĐ vì lao động muốn đến những quốc gia có môi trường tốt, lương cao thì phải đáp ứng đủ những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, kỹ năng nghề và kỷ luật làm việc.
Hướng dẫn lao động đỗ kỳ thi tiếng Hàn làm hồ sơ dự tuyển để doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn. |
Hầu hết lao động đã đến Hàn Quốc theo Chương trình EPS đều có việc làm và thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống cải thiện. Anh Lê Văn Bắc (SN 1985), xã Thái Đào (Lạng Giang-Bắc Giang) sau 5 năm (từ 2008-2013) làm việc tại Hàn Quốc đã về nước đúng hạn. Với số tiền tiết kiệm được, anh trang trải khoản nợ ban đầu khi làm thủ tục xuất cảnh và xây một ngôi nhà khang trang.
Từ đó đến năm 2019, anh xin vào làm tại một số doanh nghiệp gần nhà nhưng công việc không ổn định. Với kinh nghiệm và vốn ngoại ngữ sẵn có, anh vượt qua kỳ thi tiếng Hàn đầu năm 2019. Được DN lựa chọn, đến đầu năm 2020, anh Bắc đã xuất cảnh, tiếp tục hợp đồng làm việc 5 năm tại quốc gia này. Hiện anh làm việc tại một công ty sản xuất máy điều hòa. Bình quân mỗi tháng, trừ chi phí, anh gửi về gia đình hơn 30 triệu đồng.
Không chỉ được "mắt thấy, tai nghe" sự đổi thay của mỗi gia đình có người đi XKLĐ ở Hàn Quốc, tại các địa phương có nhiều người sang thị trường này, bức tranh nông thôn cũng phần nào khởi sắc. Những năm gần đây, lao động huyện Sơn Động (Bắc Giang) sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS ngày càng nhiều. Trung bình mỗi năm, trong khoảng 200 người đi XKLĐ thì có hơn 100 người sang Hàn Quốc làm việc. Bà Vi Thị Tú, Trưởng phòng LĐTBXH huyện khẳng định: “Ban Chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm huyện luôn tranh thủ sự hỗ trợ từ Ðề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLÐ góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020 theo Quyết định 71/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó, phối hợp với cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức tuyên truyền giúp lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số hiểu rõ đây là "kênh" xóa nghèo hiệu quả. Hằng năm, số ngoại tệ lao động gửi về góp phần đáng kể cải thiện, nâng cao mức sống người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn”.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động
Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa người đi XKLĐ. 9 tháng qua, toàn tỉnh mới có 17/166 lao động đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn năm 2020 xuất cảnh, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Theo thông tin từ Phòng Việc làm - An toàn lao động, thời điểm này, đã gần 100 lao động được doanh nghiệp phía Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng và chỉ chờ ngày xuất cảnh. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt thì kết quả XKLĐ sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS sẽ khả quan.
Hiện nay có khoảng 1,8 nghìn lao động Bắc Giang đang làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 35-40 triệu đồng. |
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTBXH Bắc Giang, dù giai đoạn “vàng” (2008-2014) XKLĐ đã đi qua, đến nay, số người làm việc tại Hàn Quốc giảm dần qua các năm nhưng chất lượng, trình độ lao động và mức thu nhập tăng lên đáng kể. Đây là thị trường trọng điểm mà tỉnh hướng đến. Hằng năm, lượng kiều hối do lao động gửi về góp phần không nhỏ vào mục tiêu giảm nghèo, phát triển KT-XH địa phương.
Tuy vậy, bên cạnh những nguyên nhân như: Dịch bệnh; thu hút đầu tư của tỉnh tạo việc làm ngay trong tỉnh cho nhiều lao động; Hàn Quốc mở cửa cho nhiều quốc gia khác phái cử lao động sang làm việc; tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp khi hết hạn hợp đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động XKLĐ sang Hàn Quốc.
Từ năm 2017 đến trước tháng 6/2020, 3 huyện gồm: Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng lần lượt bị đưa vào danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS do có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao. Điều này hạn chế cơ hội của rất nhiều người có nguyện vọng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có hơn 300 lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng không về nước. Dù hiện tỉnh không còn huyện nào nằm trong danh sách dừng tuyển chọn nhưng để duy trì, phát triển thị trường XKLĐ Hàn Quốc, giải pháp quyết định vẫn là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của lao động.
Tại các xã có nhiều lao động đang làm việc tại Hàn Quốc như: Tam Dị (Lục Nam), Nghĩa Hưng (Lạng Giang), Tư Mại, Cảnh Thụy (Yên Dũng)... công tác vận động lao động về nước được đưa vào nội dung các cuộc họp giao ban định kỳ giữa lãnh đạo xã với các ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn. Còn tại xã Bích Sơn (Việt Yên), tổ vận động do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Đồng thời, trực tiếp đến từng hộ vận động, phân tích để các gia đình có con em sắp hết hạn hợp đồng động viên người thân về nước đúng hạn.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)