Niềm vui nhân đôi
BẮC GIANG - Đã thành nét đẹp truyền thống, vào ngày mùng 6 và 7 tháng Giêng, người dân địa phương và du khách thập phương lại nô nức trở về di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang trẩy hội du xuân. Lễ hội Xương Giang năm nay thêm đặc biệt khi vinh dự được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa-tâm linh
Chiến thắng Xương Giang năm 1427 đã chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh giúp cho đất nước Đại Việt thái bình, thịnh trị; mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Để ăn mừng chiến thắng, năm 1428, sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã mở hội khao quân, úy lạo tướng sĩ, tuyên đọc “Đại cáo Bình Ngô”.
Các đoàn rước tham gia Lễ hội 596 năm Chiến thắng Xương Giang (1427-2023). Ảnh tư liệu. |
Trong niềm vui chung đó, ở Kinh Bắc (Bắc Đạo) có trị sở là thành Xương Giang cũng được hưởng lộc và tổ chức lễ hội lớn để cáo tế trời đất, ban phúc lộc cho nhân dân. Từ đó về sau, nhân dân vùng Xương Giang đều tổ chức lễ hội vào ngày 6 và 7 tháng Giêng. Đây cũng là dịp các làng cổ nơi đây tổ chức hội làng, khơi dậy niềm tự hào về chiến công này và làm lễ cầu siêu tại ngôi đền trong thành Xương Giang cho các anh hùng, nghĩa sĩ Lam Sơn tử trận.
Không gian lễ hội không chỉ diễn ra ở khu vực quanh thành Xương Giang như các làng: Thành, Vẽ, Hòa Yên (tên gọi cũ) mà còn trải khắp các phường khác ở TP Bắc Giang. Trung tâm khai hội hiện nay là khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang. Nhiều năm nay, lễ hội được UBND TP Bắc Giang chủ trì tổ chức với quy mô lớn.
Ai đã từng dự hội sẽ không thể quên không gian linh thiêng, hào hùng và đậm sắc màu văn hóa truyền thống tại khu di tích đã được đầu tư xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Từ sớm mùng 6 tháng Giêng, các phường, xã của TP lần lượt rước kiệu, lễ vật về đền Xương Giang làm lễ khai hội. Trải qua thời gian, nghi lễ rước kiệu vẫn được gìn giữ với sự tham gia của đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi. Đó là các bô lão trong đội tế lễ, các vị trung niên, nam, nữ thanh niên khênh kiệu, cầm cờ quạt, bát bửu, trống chiêng, lọng. Từ những ngả đường, các đoàn rước tiến về đền với không khí náo nức, lực lượng hùng hậu gợi lại hào khí của chiến thắng Xương Giang năm xưa.
Mọi người tập trung tại sân đền thành kính hướng tâm, dự lễ tế và dâng hương Đức Thái Tổ, các anh hùng, nghĩa sĩ Lam Sơn. Tiếp theo là lễ phóng ngư, phóng điểu cầu mong bình an, mưa nắng thuận hòa, kinh tế phát triển. Chương trình khai hội bắt đầu với các hoạt động sôi nổi tại khu trung tâm di tích như: Hát quan họ, chèo, ca trù, trình diễn thư pháp, xem phim hoạt hình về lịch sử chiến thắng Xương Giang, chơi đu, kéo co, đi cầu kiều...
Ông Nguyễn Văn Yên, 85 tuổi ở tổ dân phố Nam Giang 1, phường Xương Giang đã nhiều năm tham gia đoàn rước. Ông kể: “Từ nhiều năm trước, khi khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang chưa xây dựng, ngày hội hằng năm, tôi đi cùng đoàn rước từ đình làng Thành đến ngã ba tượng đài. Từ năm 2017, các hạng mục của khu di tích được đầu tư xây dựng, lễ rước diễn ra hoành tráng hơn. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật sử thi tái hiện Chiến thắng Xương Giang với chủ đề “Hào khí Xương Giang - Muôn thuở lưu truyền” do các nghệ sĩ Nhà hát chèo Bắc Giang thể hiện rất ý nghĩa, giúp người dân hình dung được khí thế hào hùng của cuộc chiến năm đó”. Những ngày này, ông Yên đã chuẩn bị áo dài đỏ - trang phục dành cho các bậc cao niên 80 tuổi trở lên để mặc tham gia đoàn rước kiệu năm nay.
Vào dịp này, người dân phường Xương Giang và khu vực lân cận không chỉ hào hứng, phấn chấn đi dự hội quê hương mà còn tự hào, hãnh diện khi tại địa phương có lễ hội lớn, đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa - tâm linh. Cùng với đông đảo khách thập phương, hầu hết người dân nơi này đều sắp xếp thời gian, công việc để tham gia khiến lễ hội thêm đông vui.
Ý kiến bạn đọc (0)