Những người thầy "ba không" của học trò đặc biệt
Mỗi mảnh đời là một bài học
Sau khi bị Công an huyện Lạng Giang bắt vì tội trộm cắp tài sản, Phạm Văn H (SN 1998) ở xã Bảo Sơn (Lục Nam) được đưa về Trại Tạm giam (Công an tỉnh) chờ ngày xét xử. Không những thế, H còn bất ngờ phát hiện bị nhiễm HIV.
Cán bộ Đội Phân trại phạm nhân hướng dẫn phạm nhân được đặc xá dịp 2/9/2022 hoàn thành thủ tục. |
Gần 25 năm gắn bó với công việc quản giáo, đối tượng lì lợm đến đâu cũng từng gặp qua song Trung tá Đào Hữu Dương, Đội trưởng Đội Quản giáo giam giữ không quên hình ảnh H òa khóc như đứa trẻ.
Nghiên cứu kỹ hồ sơ, biết H mồ côi cha từ sớm, một mình mẹ tảo tần sớm hôm. Bị kẻ xấu rủ rê nên H dính vào ma túy lúc nào không hay rồi trộm cắp lấy tiền mua "hàng trắng".
H suy sụp, tâm trạng chán nản, có ngày không nuốt nổi cơm, mất ngủ triền miên, sức khỏe giảm sút. Lúc khó khăn nhất, Trung tá Dương gần gũi, sẻ chia. Hiểu ra nhiễm HIV không phải con đường cùng và được cán bộ y tế khám, cấp thuốc điều trị, H dần ổn định. Ngày đi chấp hành án, H nói với anh Dương: “Xin cảm ơn thầy, nếu không có thầy, chẳng biết cuộc đời em sẽ đi về đâu”.
Mỗi lần thăm buồng giam, Trung tá Dương và đồng nghiệp đều hỏi han, nắm bắt tình hình các đối tượng để kịp thời phát hiện dấu hiệu khác thường. “Quản lý, giáo dục các can, phạm nhân vừa là công việc cũng là tình thương giữa người với người.
Có hôm không phải trực song nửa đêm, đối tượng tạm giam đau bụng hay có vấn đề về sức khỏe, cán bộ quản giáo là người đầu tiên xuất hiện”, Thượng úy Nguyễn Thị Thương (SN 1992), cán bộ Đội Quản giáo giam giữ bộc bạch.
Thiếu tá Bùi Thế Linh xúc động nhớ lại câu nói của tử tù Nguyễn Xuân Trung quê ở tỉnh Thái Nguyên trước giờ hành quyết: “Cảm ơn cán bộ đã tạo điều kiện sinh hoạt, chia sẻ động viên khi chờ quyết định.
Nhờ cán bộ nhắn nhủ vợ con tôi giữ gìn sức khỏe, các con đừng vi phạm pháp luật như bố”. Mỗi mảnh đời chính là một câu chuyện, bài học giáo dục mà các quản giáo trao lại cho những người đến sau, mong họ sớm hối cải.
Định hướng làm lại cuộc đời
Thượng tá Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám thị Trại Tạm giam (Công an tỉnh) tâm niệm: “Giáo dục đi khó một thì giáo dục lại cho người phạm pháp để họ trở về con đường thiện còn khó gấp 10, gấp trăm lần”.
Được biết, hiện Trại Tạm giam (Công an tỉnh) có các bộ phận quản giáo người bị tạm giam, tạm giữ, người chờ chuyển đến nơi thi hành án, người bị kết án tử hình và bộ phận khác quản lý, giam giữ phạm nhân đã thành án.
Các cán bộ Trại Tạm giam Công an tỉnh trao đổi nghiệp vụ. |
Trại Tạm giam (Công an tỉnh) hiện có 750 người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân, trong đó hàng chục tử tù. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các quản giáo phải dành thời gian nghiên cứu hồ sơ để hiểu rõ tính cách, đưa ra giáo án cho mỗi đối tượng, chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm lý của từng người để có biện pháp giáo dục thích hợp.
Trung tá Nguyễn Đức Phương, Đội trưởng Đội Phân trại phạm nhân thông tin, các phạm nhân phạm tội ít nghiêm trọng mức án phạt dưới 5 năm được chấp hành án ngay tại đây. Đơn vị thực hiện nghiêm việc tổ chức giáo dục pháp luật đầu vào, sau đó chiều thứ Ba, thứ Sáu hằng tuần phạm nhân được học tập pháp luật chung, tham gia giáo dục riêng.
Phạm nhân cũng được tham gia tăng gia sản xuất, sửa chữa hạng mục công trình, vệ sinh môi trường, hậu cần; đồng thời được học nghề để sau khi ra tù có cơ hội tìm kiếm việc làm, làm lại cuộc đời...
Với những người thầy “ba không”, phần thưởng của họ chính là khi các phạm nhân được cảm hóa, tự nhận ra sai lầm của mình, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)