Những "ánh sao" trên công trường
Hối hả tăng ca
Chúng tôi men theo triền đê sông Thương để đến công trường thi công cầu Đồng Việt (Yên Dũng) và đường dẫn lên cầu khi trời nhá nhem, ô tô, xe máy đều đã lên đèn. Xa xa, trong những căn nhà, các gia đình đều đang quây quần bên mâm cơm tối sau một ngày làm việc vất vả.
Công nhân đổ bê tông dầm cầu vượt đường vành đai Đông Bắc. |
Thế nhưng, giữa bóng tối tĩnh mịch của vùng sông nước, trên công trường vẫn vang lên tiếng máy cẩu chạy xình xịch, xe đổ bê tông ầm ì, ánh đèn hàn xì trên đỉnh các trụ dẫn liên tục lóe sáng. Tới gần hơn, cách vài trăm mét, chúng tôi đã thấy ánh đèn cao áp sáng rực tại cầu Đồng Việt.
Có mặt tại công trường từ 20 giờ đến gần 22 giờ đêm, dưới mặt nước sông Thương lấp lánh ánh đèn, gần 100 công nhân, cán bộ, kỹ sư đang người nào việc ấy thi công các hạng mục theo kế hoạch. Tại khu vực đổ bê tông dầm cầu, tốp công nhân liên tục đầm nén, san gạt mặt phẳng. Trên trụ dẫn và trụ cẩu tháp chính giữa sông Thương, hàng chục công nhân đang đan cốt thép, cẩn thận hàn từng mối nối để hình thành khung, ván khuôn của cây cầu.
Mặc dù làm việc ca đêm, nhiệt độ ngoài trời đã dịu so với ban ngày song trên gương mặt ai nấy đều đẫm mồ hôi. Dừng tay hàn mối nối dầm cầu, anh Hoàng Văn Hải nói: "Quá trình thi công cầu đòi hỏi chính xác cao và không được phép để xảy ra bất kỳ sai sót nào. Trước khi hàn khung dầm cầu, chúng tôi phải tính toán cắt từng thanh thép đúng chiều dài theo thiết kế để mối hàn chắc chắn”.
Để công trình sớm hoàn thành, các đơn vị liên danh nhà thầu đã chỉ đạo các tổ thay ca nhau làm việc liên tục. Anh Nguyễn Văn Hợi, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An (Hà Nội) chia sẻ: "Quê tôi ở miền Trung nên từ Tết đến giờ tôi mới về nhà hai lần. Tôi thường xuyên túc trực trên công trường để đôn đốc, giám sát quá trình thi công vì hạng mục đan thép, lắp ván khuôn, đổ trụ cầu… đòi hỏi độ chính xác cao”.
Được biết, từ nhiều tháng nay, công nhân trên công trường bắt đầu ca đêm từ 18 giờ hôm trước và làm xuyên đêm đến 2 giờ hôm sau. Bữa khuya giữa ca của họ diễn ra ngay dưới chân cầu thường là bắp ngô luộc, bánh ngọt hay ổ bánh mì với chai nước suối, sữa tươi. Riêng nhóm công nhân đang làm việc trên cao được tiếp tế bằng cách người bên dưới bỏ đồ ăn vào túi ni - lông rồi buộc vào dây kéo lên. Sau khi nghỉ ca đêm, công nhân tiếp tục được bồi bổ để lấy lại sức khỏe làm việc ca đêm hôm sau.
Không chỉ tại cầu Đồng Việt, đêm nào trên công trường xây dựng cầu vượt đường vành đai Đông Bắc qua đường Xương Giang (TP Bắc Giang) cũng có hơn 100 công nhân làm việc. Đã hơn 21 giờ song máy khoan cọc nhồi, máy đổ bê tông vẫn hoạt động bình thường. Công trường có 3 mũi thi công đổ bê tông dầm cầu, đan thép và khoan cọc nhồi.
Công nhân làm ca đêm được tăng thêm 20% thu nhập so với ca ngày. Ngoài ra, nhà thầu còn chi trả chi phí các bữa ăn phụ và chính vào ban đêm. |
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Xuân, Chỉ huy trưởng công trình của Công ty TNHH Tân Thịnh (TP Bắc Giang) cho biết, thi công cầu ban ngày đã vất vả, làm ca đêm lại càng vất vả và nguy hiểm vì tầm nhìn hạn chế trong khi nhiều hạng mục phải làm trên cao.
Dẫn chúng tôi tới khu vực đổ bê tông dầm cầu dài hơn 38 m, tại đây có hơn 20 công nhân trong bộ đồ bảo hộ lao động đang đổ bê tông lên các ván khuôn, đầm và san phẳng mặt dầm, anh Trần Văn Nam, quê ở tỉnh Tuyên Quang đưa tay quệt những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán, giọng hồ hởi: “Do thi công công trình lớn nên tôi bám trụ công trường, kết thúc ca đêm là ngủ ngay tại lán trại. Mà không chỉ tôi, nhiều người dù nhà chỉ cách công trường chưa đầy một km nhưng cả tháng nay ăn ngủ tại công trường".
Tại công trường thi công đường dẫn lên cầu Á Lữ (TP Bắc Giang), khoảng 60 công nhân cũng đang tất bật làm ca đêm, thi công ở hai đầu cầu. Các kỹ sư và công nhân thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển xây dựng Thành Hưng (Hà Nội) chia ra từng mũi thi công lu lèn đường, lắp đặt cống thoát nước, đào hố ga xử lý nước thải ven đường.
Trên công trường không có bóng đèn cao áp, công nhân làm việc dưới ánh đèn của máy ủi, máy lu. Nhiều công nhân cho biết: “Do đòi hỏi về tiến độ, nhà thầu cam kết hoàn thành đường dẫn lên cầu Á Lữ vào ngày 19/8 tới nên chúng tôi phải tăng tốc làm ca đêm. Tầm 19 giờ hằng ngày, chúng tôi thay nhau "nạp năng lượng" lấy sức để làm đến 22 giờ”.
Chăm lo người lao động
Với mục tiêu mở không gian phát triển mới, tăng tính kết nối, hàng loạt công trình giao thông, trong đó có các cây cầu được tỉnh dành nguồn lực đầu tư. Cầu Đồng Việt là cây cầu dây văng đầu tiên, hiện đại và lớn nhất tỉnh, tổng mức đầu tư gần 1,5 nghìn tỷ đồng. Công trình khởi công tháng 5 năm ngoái, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 9 năm tới, trước 3 tháng so với kế hoạch.
Thời điểm này, hình hài cây cầu hiện đại bắc qua dòng Thương dần hiện lên, khi hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ngăn sông cách đò, kết nối hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Cầu vượt đường vành đai Đông Bắc qua đường Xương Giang có tổng vốn đầu tư gần 260 tỷ đồng, kết nối với đường vành đai Đông Bắc tại khu vực ngã tư giao giữa đường vành đai Đông Bắc với đường tỉnh 295B (đường Xương Giang). Công trình dự kiến đưa vào sử dụng năm 2025 nhằm giảm các xung đột giao thông với đường sắt và nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn TP. Còn dự án cầu Á Lữ và đường dẫn lên cầu có tổng vốn đầu tư khoảng 260 tỷ đồng thuộc địa bàn phường Trần Phú và Mỹ Độ.
Những công trình trên có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an toàn giao thông. Do đó, để bảo đảm chất lượng công trình, các đơn vị chức năng, chủ đầu tư luôn cử cán bộ bám sát công trường, giám sát thi công, chỉ đạo các nhà thầu quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động.
Tình cờ, trong chuyến "mục sở thị" ca ba trên công trường thi công cầu Á Lữ và đường dẫn, chúng tôi gặp ông Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh.
Một bữa ăn ca đêm của công nhân. |
Trong câu chuyện trên công trường, ông Cường chia sẻ: “Ngoài cử cán bộ kỹ thuật giám sát hằng ngày, chúng tôi thường xuyên đến công trình kiểm tra, động viên anh em công nhân, lắng nghe khó khăn, vướng mắc của nhà thầu, kịp thời có giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ. Có đi, có đến mới biết và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của anh em công nhân, nhất là những người làm ca đêm. Có một tin vui là qua nắm bắt, các nhà thầu rất quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động. Công nhân làm ca đêm được tăng thêm 20% thu nhập so với ca ngày. Ngoài ra, nhà thầu còn chi trả chi phí các bữa ăn phụ và chính vào ban đêm.
"Người lao động là vốn quý của doanh nghiệp". Sự quan tâm, chăm lo của nhà thầu, chủ đầu tư là rất kịp thời. Ngay như tại công trường thi công đường dẫn lên cầu Á Lữ, để công nhân có chỗ ăn ở tại công trường, bảo đảm thi công thuận lợi, Ban Quản lý dự án xây dựng TP Bắc Giang đã làm việc với chính quyền sở tại tạo điều kiện cho nhà thầu xây lán trại tạm thời để công nhân có chỗ ăn ở.
Đơn vị cũng động viên nhà thầu thường xuyên chăm lo mọi mặt cho người lao động. Chẳng thế mà ghé vào thăm khu lán trại, dưới bóng đèn điện chúng tôi nhận thấy dù là công trường xây dựng song ở đây có đầy đủ vật dụng cần thiết từ nơi ăn, chỗ ngủ, đèn quạt mát cho đến các vật dụng phục vụ sinh hoạt khác. Sự quan tâm đó là nguồn động viên thiết thực để công nhân lao động nỗ lực quyết tâm cao, chung tay đưa công trình về đích trước hẹn.
Làm ca đêm vất vả đã rõ song đổi lại thu nhập tăng hơn ca ngày. Chẳng thế mà khi chia tay, anh Nguyễn Hữu Tuyền, công nhân Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển xây dựng Thành Hưng, thi công cầu Á Lữ chia sẻ thông tin vui: “Làm ca đêm tuy vất vả song thu nhập của tôi đạt 12 triệu đồng/tháng, tăng 3 triệu đồng so với làm ca ngày. Đây là khoản thu nhập khá lớn giúp gia đình tôi chi tiêu cho cuộc sống. Không chỉ chăm lo về vật chất, mới đây tôi bị ốm phải nhập viện, Công ty hỗ trợ một phần kinh phí và gửi quà động viên, qua đó tôi yên tâm gắn bó với công việc”.
Bài, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)