Nhà văn Đỗ Nhật Minh: Lặng lẽ đi - đọc và viết
Từ năm 1975, ông đã có bài báo đầu tiên đăng trên Báo Hà Bắc (nay là Báo Bắc Giang). Dù tuổi cao song ông vẫn đều đặn gửi bài cộng tác với nhiều cơ quan báo chí T.Ư và địa phương.
Nhà văn Đỗ Nhật Minh sinh năm 1944, quê gốc ở tỉnh Nam Định. Những ngày thơ bé, ông theo gia đình đi kháng chiến, cuối năm 1954 sinh sống tại thị xã Bắc Ninh (nay là TP Bắc Ninh), đến năm 1964 định cư tại thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang) khi tỉnh Hà Bắc thành lập. Những năm tháng chiến tranh, ông cùng gia đình đi sơ tán ở nhiều nơi, sau đó về ở tại phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang).
Trước khi công tác tại Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh làm nhiệm vụ biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Hà Bắc - Sông Thương, ông có nhiều năm dạy học ở Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) rồi ở huyện Yên Dũng. Bằng đam mê với văn chương, từ khi dạy học, ông đã có nhiều tác phẩm văn học, báo chí đăng báo, trở thành cây bút tin cậy của ngành giáo dục tỉnh.
Ông chủ yếu viết văn, đã có 17 đầu sách (trong đó 4 tiểu thuyết, 13 tập truyện ngắn) nhưng luôn cần mẫn viết báo, đa phần là mảng văn hóa - văn nghệ. Với nhiều bút danh như: Giang Kế Nhân, Giáp Nhật Nguyệt, Đỗ Văn, Văn Mộc…, ông đã phản ánh đa dạng cuộc sống, trở thành tác giả quen thuộc với nhiều bạn đọc.
Những tùy bút, bút ký, tản văn, ghi chép của ông mang dấu ấn rất riêng, dễ đi vào lòng người. Nhân những sự kiện lớn của tỉnh, đất nước, ông đều có bài viết đăng trên các ấn phẩm báo chí của tỉnh với giọng văn trữ tình, mềm mại, nhịp điệu, tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước.
Ông là người ham học. Dẫu tủ sách tại nhà riêng có tới hàng nghìn cuốn ở nhiều thể loại khác nhau và thường xuyên mua sách báo, ông vẫn đều đặn ra Thư viện tỉnh đọc sách báo để có nhiều tư liệu cho bài viết phong phú, chuẩn xác.
Thói quen đọc báo của ông có từ thời học cấp 3 ở Trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) và duy trì đến bây giờ dù đã nghỉ hưu từ lâu và dù đã ở tuổi xưa nay hiếm. Có dịp mở xem gần chục cuốn sổ tay của ông dễ dàng thấy dày đặc những sự kiện trong nước và ngoài nước được ghi chép cẩn thận, là những tư liệu ông thấy cần thiết cho nghề viết văn, viết báo.
Ham khám phá thực tế, ông đã đến nhiều nơi, đặc biệt là những huyện miền núi, vùng cao như Lục Ngạn, Sơn Động để nắm bắt thực tiễn cuộc sống, tìm hiểu thông tin viết bài. Nhẩm qua, không kể các tác phẩm văn xuôi, truyện ngắn, bình thơ..., đến nay ông đã có hàng trăm bài đăng trên Báo Bắc Giang, Đặc san Người làm báo tỉnh, Tạp chí Sông Thương.
Ghi nhận những thành quả trong hoạt động văn học nghệ thuật, báo chí, ông đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội Nhà báo, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, nhận giải thưởng của Ủy ban Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam…
Khi được hỏi điều gì đã làm nên số lượng đầu sách lớn đã xuất bản và những tác phẩm báo chí được bạn đọc nhớ, ông tâm đắc thổ lộ: Nghề văn cũng như nghề báo chỉ gói gọn ba chữ “Đi - đọc - viết”. Với ông, viết là nghĩa vụ, là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng. Ông dẫn ra câu nói tâm huyết của nhà văn nổi tiếng nước Nga - Pautốpxky: “Nhiệm vụ cao cả nhất và duy nhất của chúng ta là viết, viết và viết. Viết chừng nào tay còn cầm được bút.
Chúng ta có nghĩa vụ rạch ròi là phải đưa vào từng tác phẩm của mình tất cả những gì quý giá nhất mà chúng ta có. Không được nương nhẹ với mình. Cần phải cống hiến cho nhân dân tất cả những gì tốt đẹp nhất, thân thiết nhất”.
Lê Minh
Ý kiến bạn đọc (0)