Khi nhà văn viết báo
Nhà văn Đỗ Chu, nhà thơ Vũ Quần Phương và một số nhà văn, nhà thơ ở Hà Nội thăm chùa Bổ Đà (Việt Yên). Ảnh: Trần Đức. |
Thực ra thì việc nhà văn viết báo, nhà báo làm văn không khó lý giải bởi suy cho cùng thì mục đích của người cầm bút vẫn chỉ là phản ánh, suy ngẫm hiện thực cuộc sống, xã hội qua lăng kính chủ quan của mình. Trong văn học thì việc phản ánh, suy ngẫm ấy phải bằng những hình tượng nghệ thuật mang tư tưởng, tình cảm và cả dấu ấn sáng tạo riêng của người cầm bút. Hư cấu là một đặc điểm không thể thiếu của văn chương.
Trong báo chí thì việc phản ánh cuộc sống, xã hội đòi hỏi tính chân thật, chính xác và thời sự rất cao; sự kiện, nhân vật, tình tiết đưa vào tác phẩm có thể kiểm tra, thẩm định cụ thể được. Hư cấu trong báo, nếu có, cũng phải chừng mực, thích hợp và nó không được làm sai lệch, mờ nhòe bản chất của sự việc, nhân vật. Bút ký văn học không hoàn toàn giống bút ký báo chí, ngôn ngữ thơ khác xa với ngôn ngữ tường thuật, trần thuật, tin tức, không ai ngây thơ đánh đồng gương người tốt việc tốt với truyện ngắn cả.
Nhìn chung là như thế nhưng theo tôi thì các nhà văn khó xóa được hoàn toàn “dấu vết” của mình trong khi viết báo. Giọng văn, chất văn của họ vẫn cứ thấp thoáng, phảng phất trong từng bài bút ký, ghi chép, phóng sự, ký sự, báo chí. Có lẽ nhờ thế mà những bài báo của các nhà văn có sự mềm mại, thanh thoát và hấp dẫn bạn đọc hơn chăng?
Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng lối viết văn vào những bài báo thì lắm khi sẽ chuốc lấy thất bại. Không phải không có nhà thơ khi viết báo chẳng thoát được cái tính tơ lơ mơ cố hữu của mình nên tác phẩm hay bị “đổ”. Tôi thấy các ban biên tập báo rất “cảnh giác” và “canh chừng” với tính phóng đại, nói quá, hư cấu vô tư của các nhà văn, nhà thơ viết báo. Nói gì thì nói, không thể đánh mất đặc trưng, tiêu chuẩn thể loại được; văn học có phương pháp sáng tác “hiện thực huyền ảo” còn báo chí thì chắc chắn là không. Chắc chưa có ai viết phóng sự hay gương người tốt việc tốt bằng phương pháp “hiện thực huyền ảo” cả.
Cuộc kết hợp giữa văn và báo phải rất đoan trang chừng mực, nếu vượt giới hạn sẽ “mù quá hóa mưa” ngay. Biết là thế nhưng đôi khi bốc quá nhà văn quên khuấy đi mình đang viết báo nên mới sinh ra những tác phẩm già văn non báo mà kết cục là tòa soạn không sử dụng được.
Lại nữa, phần lớn các bài báo (bút ký, ghi chép, ký sự, phóng sự, gương) rất cần có ảnh kèm theo nhưng nhiều bác nhà văn, nhà thơ lại rất ngại khoản chụp ảnh. Chẳng nói ai, tôi cũng là người ngại dùng máy ảnh lắm. Đến đâu, cứ lăng xăng đi đi lại lại, cúi cúi khom khom, nheo nheo bấm bấm, chán chết đi được. Nhà văn, nhà thơ phần lớn thích ngồi thu lu một góc nào đó thuận lợi nhất, như một con mèo tinh ranh để quan sát, xem xét sự việc. Và cũng lười ghi chép.
Trước đây, tôi đi đâu cũng sổ bút cầm tay, ghi ghi chép chép liên hồi nay thì đã khác rồi, cứ nghe cứ nhìn nhưng không thèm tốc ký, chỉ cần “nạp” vào mình cảm giác, ấn tượng, rồi ngẫm nghĩ ra cái tứ cho bài và sau đó gõ vào bàn phím. Đôi khi bị chết đứng bởi cái lối thâm nhập thực tế tài tử lãng đãng này. Có những chi tiết, nhân vật, số liệu không nắm được, thế là phải bấm máy hỏi lại cái nơi mình vừa đến.
Có người lo rằng, viết báo nhiều sẽ ảnh hưởng tới văn. Tôi nghĩ, người cầm bút có bản lĩnh, vững tay nghề không lo chuyện đó. Tác phong làm báo sẽ giúp người viết văn xông xáo, năng động và cập nhật cuộc sống kịp thời hơn. |
Phải biết phân thân mới mong có cơ hội thành công cả hai loại báo và văn, tôi nghĩ thế. Một mà hai. Trong một ta có hai phần là nhà văn và nhà báo. Hai mà một. Tuy hai nhà nhưng ở trong một ta là người cầm bút. Một con người cầm bút có lương tâm, có đạo đức, có kiến thức, có vốn sống dù viết báo hay làm văn. Một con người cầm bút nồng nàn lòng yêu nước thương dân, nguyện gần gũi chia sẻ với muôn nỗi ấm lạnh buồn vui của đồng bào, đồng loại.
Một con người cầm bút chan hòa, trung thực với đồng nghiệp, biết thương người như thể thương thân và không thể không độ lượng khiêm nhường. Một con người cầm bút biết quý trọng, nâng niu tài năng, thành quả ngoài mình như chính của mình, dù đó là những trang văn thấm đẫm chất người hay những bài báo nóng hổi hơi thở cuộc sống. Báo hay văn cũng phải hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Đã có nhiều nhà văn viết báo, nhà báo làm văn tài cao, tâm sáng mà tên tuổi của họ còn lưu lại đến hôm nay như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Lưu Trọng Lư, Hải Triều, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Thép Mới... Tiếp nối thế hệ tiền chiến, thế hệ thời chống thực dân Pháp là một đội ngũ khá đông đảo những người viết báo làm văn, làm văn viết báo của giai đoạn chống đế quốc Mỹ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Thi, Ngô Văn Phú, Xuân Quỳnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Chu Lai, Trần Đăng Khoa, Lê Lựu, Nguyễn Thị Như Trang, Nam Hà, Xuân Đức, Lê Thị Mây, Phạm Quang Đẩu, Nguyễn Hồng Hà, Đỗ Trung Lai, Ngô Thảo, Hồng Diệu, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Nhương, Ngô Minh...
Những nhà văn viết báo, những nhà báo làm văn thời hậu chiến cũng không hiếm trên đất nước ta như Trần Anh Thái, Hồng Thanh Quang, Ngô Vĩnh Bình, Mai Nam Thắng, Phạm Thanh Khương, Nguyễn Thanh Kim, Đỗ Ngọc Yên, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn, Sương Nguyệt Minh, Phạm Khải, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Đỗ Bích Thúy, Lã Thanh Tùng, Lương Ngọc An, Nguyễn Quang Hưng, Chu Thị Thơm, Bùi Sim Sim, Nguyễn Thành Phong, Hải Đường, Nguyễn Xuân Hải, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Hiệp... Tôi mới tạm kể ra như vậy trong bài viết ngắn này, còn thống kê đầy đủ chắc phải hàng trăm người.
Một trong những lý do để nhiều nhà văn viết báo, theo tôi, có lẽ ngoài yếu tố nghề nghiệp còn có nguyên nhân kinh tế. Cơm áo không đùa với khách thơ. Nghề văn. Chao ôi, cái nghề vốn được coi là cao quý và sang trọng ở nước ta đâu đủ sức nuôi sống được tác giả và gia đình họ. Hiếm hoi những nhà văn sống được bằng nhuận bút. Hiếm hoi lắm những nhà văn chỉ viết văn đơn thuần mà không làm một công việc gì đấy ngoài sáng tác văn chương. Phần đông nhà văn xứ mình đều lẹt đẹt èo uột về kinh tế cả, nên thật vô cùng ảo tưởng khi nói họ sẽ sống được bằng viết văn. Vì thế, cứu cánh thực tế nhất và cũng trong sạch nhất với các nhà văn về khoản cơm áo gạo tiền có lẽ khả thi nhất vẫn là viết báo. Siêng năng viết lách, năng nhặt chặt bị cũng có thể giải quyết được một phần khó khăn về kinh tế trong thời giá cả ào ào vũ bão này.
Có người lo rằng, viết báo nhiều sẽ ảnh hưởng tới văn. Tôi nghĩ, người cầm bút có bản lĩnh, vững tay nghề không lo chuyện đó. Tác phong làm báo sẽ giúp người viết văn xông xáo, năng động và cập nhật hơn cuộc sống. Văn sẽ làm cho báo có nhiều cung bậc và sắc màu mới mẻ hấp dẫn hơn. Biết chừng mực, biết vận dụng văn và báo sẽ bổ sung cho nhau rất tốt. Nói như thế cũng có nghĩa là ta đừng lo chi việc xung đột, mâu thuẫn giữa văn và báo. Bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh chắc chắn những người cầm bút sẽ làm cho nhà văn và nhà báo hòa thuận với nhau theo kiểu hai trong một.
Nguyễn Hữu Qúy
Ý kiến bạn đọc (0)