Người sáng lập Đế chế Mông Cổ và bí mật gần 800 năm
Thành Cát Tư Hãn. |
Người sáng lập Đế chế Mông Cổ
Thành Cát Tư Hãn (1162 - 1227), tên tiếng Anh là Genghis Khan, người sáng lập ra Đế chế Mông Cổ sau khi thống nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc Á vào năm 1206, từng được mệnh danh là "bá chủ hoàn cầu" về tài năng quân sự. Ông được lịch sử đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử nhân loại, nhất là sự ổn định ở khu vực Á - Âu trong suốt một thời gian dài cho dù ông cũng là người gây ra biết bao đau khổ cho những người chống lại ông.
Đặc biệt, hậu duệ Thành Cát Tư Hãn còn mắc “hội chứng” nghiện thôn tính các nước láng giềng, như cháu nội Hốt Tất Liệt, Timur Lenk và Babur. “Hội chứng” trên chỉ dừng lại vào cuối thế kỷ XVII khi người Trung Quốc đủ mạnh thống trị lại những vùng đất đã bị mất.
Bốn giả thiết về cái chết của Thành Cát Tư Hãn
Trong vòng hai thế kỷ trở lại đây đã có hơn 100 đoàn khảo cổ với nhiều trang thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất đi tìm mộ của Thành Cát Tư Hãn nhưng kết quả vẫn bằng không. Trong số này có đoàn khảo cổ Nhật Bản kết hợp với đoàn khảo cổ Mông Cổ đã lặn lội tìm kiếm trên diện tích hàng nghìn mét vuông, phát hiện ra hơn 3.500 khu mộ cổ chôn cất từ trước thế kỷ XIII nhưng tuyệt nhiên không thấy hầm mộ thật của Thành Cát Tư Hãn. |
Đã gần 800 năm trôi qua nhưng cái chết của Thành Cát Tư Hãn hiện vẫn là câu hỏi làm “đau đầu” giới sử học. Thời gian Thành Cát Tư Hãn qua đời cũng là một ẩn số. Giả thuyết được đưa ra nhiều nhất là cuối hè, tầm tháng 8- 1227 khi nhiệt độ ở Mông Cổ bắt đầu sụt giảm. Ban ngày trời nóng như đổ lửa nhưng đêm đến lại lạnh cắt da cắt thịt. Thời tiết bất thường khiến Thành Cát Tư Hãn lâm bệnh và qua đời. Theo nhà sử học Tống Liêu đời nhà Minh, Thành Cát Tư Hãn qua đời tháng 8-1277 ở tuổi 65 hoặc 67 tại Trung Quốc, di tích về cái chết của ông chỉ vẻn vẹn 20 chữ nên người ta không biết thực hư. Đến nay có tới 4 giả thiết về cái chết của Thành Cát Tư Hãn được xem là tin cậy hơn cả.
Thứ nhất, thuyết bị sét đánh. Đây là giả thiết của người phương Tây dựa trên ghi chép của nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, Giovani da Pian del Carpini do tòa thánh La Mã cử đi Mông Cổ từ năm 1245 đến 1247. Ông này phát hiện thấy ở Mông Cổ lúc ấy thường có sấm sét, dông bão, giết chết nhiều người, nhất là mùa hè, vì thế ngày nay người Mông Cổ rất sợ sấm chớp.
Thứ hai, bị trúng độc. Giả thiết này dựa vào cuốn “Marco Polo du ký” của sứ giả Marco Polo người Italia, đến Trung Quốc vào năm 1275. Marco Polo nghe được tin lỏm từ Hốt Tất Liệt cho biết trong khi tấn công Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn đã bị trúng tên độc vào đầu gối.
Thứ ba, do ngã ngựa. Theo sử sách còn ghi thì mùa Thu năm 1226, Thành Cát Tư Hãn cưỡi ngựa hồng đi săn có vợ đi cùng nhưng vô tình gặp đàn ngựa rừng khiến con ngựa ông cưỡi hoảng sợ, lồng lên khiến Thành Cát Tư Hãn bất ngờ ngã ngựa, sau đó ốm nặng rồi qua đời.
Thứ tư, bị ám sát (hành thích). Giả thiết này dựa vào một cuốn sách nói về Mông Cổ thời Khang Hy nhà Thanh năm 1662. Sách dẫn, khi tấn công Tây Hạ, binh lính đã bắt được Vương phi Tây Hạ xinh đẹp đưa về dâng Thành Cát Tư Hãn. Vốn là người Nguyên Mông nên trong đêm ân ái, nhân lúc Thành Cát Tư Hãn mỏi mệt, người phụ nữ này đã "hạ gục" lãnh chúa bằng một đòn hiểm. Nghe có vẻ hoang đường song giả thiết này lại có lý, nhất là khi Thành Cát Tư Hãn lại là con người rất "hiếu sát và hiếu sắc", ưa giết chóc và dâm dục.
Đám tang ma mị và bí ẩn
Giống như cái chết, đám tang của Thành Cát Tư Hãn cũng chứa đựng nhiều bí ẩn. Theo truyền thuyết còn lưu thì đám tang của ông được thực hiện ở chính quốc Mông Cổ. Có hàng nghìn người phải chết theo, bởi trước khi chết, Thành Cát Tư Hãn yêu cầu đám tang phải được thực hiện trong bí mật, càng ít người biết càng tốt. Binh sĩ bị buộc phải giết chết tất cả người có mặt tại đám tang và sau đó tự kết liễu chính bản thân họ. Ngựa được dùng để chà đạp trên mặt mộ nhằm phi tang vết tích, thậm chí người ta còn khai một dòng sông chảy qua gần hầm mộ để Thành Cát Tư Hãn yên giấc ngàn thu mà không bị hậu thế quấy rầy.
Theo tài liệu sử học Trung Quốc cũng như các triều đại trước, Thành Cát Tư Hãn đã chọn cách “bí mật táng” để không ai nhận biết mộ thật của mình. Cũng có tin, thi hài Thành Cát Tư Hãn được chôn giữa thảo nguyên bao la. Khi hạ huyệt, người ta dắt hai mẹ con con lạc đà, giết chết con con trước mặt con mẹ rồi đưa con mẹ về. Sau khi chôn cất xong thì cho hàng ngàn kỵ binh quần lên trên nghĩa địa nhằm xóa dấu vết. Chỉ có con lạc đà mẹ là luôn nhớ chính xác chỗ con chết nên người trong hoàng tộc có thể đi theo mà xác định chỗ chôn Thành Cát Tư Hãn.
Theo cuốn sách tựa đề Genghis Khan: Sacred Tomb, Secret Treasure delves into mystery of Mongol leader's burial place (Thành Cát Tư Hãn: Mộ linh thiêng và bí mật kho báu của vị Hoàng đế Mông Cổ), nhà báo người Anh, Robin Ackroyd- người đã dành hai tháng và di chuyển trên 700km trên lưng ngựa tới những địa điểm Thành Cát Tư Hãn từng sinh sống. Robin cũng tới thăm nhiều vùng đất khác nhau được cho là có mộ của Thành Cát Tư Hãn.
Theo tác giả, có quan điểm cho rằng Thành Cát Tư Hãn được chôn trong một nấm mồ không có dấu hiệu nhận biết. Quân lính mang xác ông đã giết tất cả những người nhìn thấy trên đường. Người xây mộ cũng bị giết và sau đó những người khiêng xác ông cũng tự vẫn. Tuy nhiên, chính quyền Mông Cổ kiểm soát rất chặt việc đào xới trên vùng đất thiêng nên việc tìm kiếm mộ của người đứng đầu Đế chế Mông Cổ vẫn là một điều rất khó khăn. Theo sách dẫn, Thành Cát Tư Hãn được cho là qua đời vào cuối mùa Hè năm 1227 tại núi Lưu Bàn thuộc Trung Quốc. Thi thể của ông được đưa về Mông Cổ để an táng.
Lăng Thành Cát Tư Hãn trên thảo nguyên Ordos. |
Ba giả thiết về hầm mộ Thành Cát Tư Hãn
Theo Robin Ackroyd, có ba quan điểm về địa danh chôn cất được dư luận chấp thuận. Địa điểm thứ nhất là Öglögchiin Kherem hay Tường thành Almsgivers ở tỉnh Khentii. Đây là khu vực có nhiều ngôi mộ cổ nhưng không ngôi mộ nào có dấu vết của hoàng đế. Một địa điểm khác là Avarga gần Delgerkhaan, nơi Thành Cát Tư Hãn từng trú quân. Và cuối cùng là núi thiêng Burkhan Khaldun. Khu vực này rộng 240 km2, còn được gọi là Ikh Khorig. Vùng đất linh thiêng này cấm tất cả người ngoài xâm nhập, nếu ai vào đều bị xử tử. Theo sử sách còn ghi, đây cũng là nơi Thành Cát Tư Hãn từng lánh nạn. Ngoài ra, Burkhan Khaldun còn là nơi hợp dòng của ba con sông, khí hậu trong lành, trên đỉnh núi thiêng có tảng đá khổng lồ với hình thù kì dị nên địa danh này được xem là nơi yên nghỉ của Thành Cát Tư Hãn là đáng tin cậy hơn cả.
Chính quyền Mông Cổ cũng từng tuyên bố Burkhan Khaldun là địa danh khả dĩ nhất cho việc mai táng Thành Cát Tư Hãn. Bằng chứng là mới đây, năm 2015, Burkhan Khaldun đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Điều quan trọng nhất với người Mông Cổ là Thành Cát Tư Hãn đã quay trở về chính quốc sau khi qua đời tại Trung Quốc. Chính vì vậy nhiều người Mông Cổ tin rằng nếu tìm ra mộ của Thành Cát Tư Hãn, đó là sự báng bổ. Chính niềm tin sắt đá này đã giúp cho hầm mộ cổ của Thành Cát Tư Hãn vẫn được bảo tồn sau 800 năm.
Cho dù ngọn núi linh thiêng Burkhan Khaldun có phải là nơi an nghỉ của Thành Cát Tư Hãn hay không thì trong gần 800 năm qua, hầm mộ đích thực của ông vẫn chưa ai rõ. Theo thống kê của Trung Quốc và Mông Cổ, trong vòng hai thế kỷ trở lại đây đã có hơn 100 đoàn khảo cổ với nhiều trang thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất đi tìm mộ của Thành Cát Tư Hãn nhưng kết quả vẫn bằng không.
Thời gian gần đây, một số nhà khảo cổ nước ngoài đã đề nghị được tiếp tục tìm kiếm mộ Thành Cát Tư Hãn nhưng dân chúng và Chính phủ Mông Cổ không tán thành. Vì vậy, hầm mộ thật của Thành Cát Tư Hãn nay ở đâu vẫn là một ẩn số không dễ có lời giải.
Duy Hùng
(theo LC/ICU)
Ý kiến bạn đọc (0)