Người dân, doanh nghiệp tìm cách thích ứng với giá điện tăng
Nâng ý thức tiết kiệm điện
Ngày 8/11, EVN đã điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ điện bình quân lên 2.006,79 đồng/kWh, tăng hơn 86,4 đồng so với đợt điều chỉnh đầu tháng 5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Tổng cộng 2 lần tăng giá điện trong năm nay tương đương 7,5% so với mức giá thời điểm trước ngày 4/5/2023.
Công ty TNHH Crystal Martin, KCN Quang Châu (Việt Yên) sử dụng thêm nguồn điện năng lượng mặt trời áp mái để tiết kiệm điện. |
Thực tế, giá điện tăng nhưng không tác động đến hộ nghèo. Vì theo Quyết định số 28/2014//QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện), hiện các hộ nghèo vẫn được hỗ trợ dùng điện hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng, được hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.
Giá điện tăng tác động không nhiều đến các hộ dân và khu vực sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình. Bởi mỗi hộ dân sử dụng điện sinh hoạt bình thường cũng chỉ tốn thêm từ 25-30 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, dù ít nhưng việc tăng giá điện cũng tác động đến tâm lý người dân, nhất là các hộ kinh doanh cá thể, khiến họ phải chú ý tiết kiệm điện.
Chị Dương Thúy Oanh, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trang điểm và uốn sấy tóc ở thị trấn Vôi (Lạng Giang) chia sẻ: “Mỗi tháng gia đình tôi tiêu thụ từ 550-650 kWh. Theo giá điện mới, gia đình tôi phải nộp thêm khoảng 50 nghìn đồng/tháng. Số tiền tăng thêm không nhiều nhưng tôi vẫn thực hiện tiết kiệm bằng cách hạn chế sử dụng các thiết bị điện khi không cần thiết và sử dụng thêm bếp gas”.
Tính đến giữa tháng 11/2023, Công ty Điện lực Bắc Giang có hơn 605 nghìn khách hàng. Tổng điện năng tiêu thụ bình quân là 494,3 triệu kWh/tháng. Trong đó, có gần 507 nghìn khách hàng là hộ gia đình, điện năng tiêu thụ bình quân là 128,5 triệu kWh/tháng. Số khách hàng còn lại là các DN, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trường học, bệnh viện… |
Khác với các gia đình và hộ kinh doanh cá thể, việc tăng giá điện lại tác động không nhỏ đến các DN đang gặp khó khăn. Ví như trường hợp Công ty TNHH Thạch Bàn, Cụm công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư (Yên Dũng). Đây là DN chuyên sản xuất gạch ốp lát xây dựng. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, Công ty gặp nhiều khó khăn vì khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, DN chỉ hoạt động khoảng 40% công suất, tương ứng với 3 triệu m2 sản phẩm quy tiêu chuẩn/năm.
Sau 2 lần tăng giá điện, chi phí mỗi m2 sản phẩm của Công ty tăng thêm 900 đồng, tương đương 1% giá thành. Như vậy DN phải chi phí thêm khoảng 3 tỷ đồng/năm. Ông Phạm Đức Phú, Phó Giám đốc Công ty nhìn nhận, giá điện tăng so với giá thành sản phẩm không lớn, tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khoản tiền này cần thiết với DN. Do đó, buộc DN phải đưa ra các biện pháp tiết kiệm điện như: Tăng cường sản xuất giờ thấp điểm; sử dụng bóng đèn led chiếu sáng; khoán chi phí điện sản xuất...
Tạo sức ép thay đổi hành vi, thói quen
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Việc tăng giá điện vừa qua có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng năm nay tăng khoảng 0,035%. Đối với DN, việc điều chỉnh tăng giá điện lần này có tác động không giống nhau. Với DN hoạt động có lợi nhuận, tác động tăng giá điện không đáng kể. Với DN sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, việc tăng giá điện sẽ càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, giá điện tăng cũng có mặt lợi cho người dân và DN vì nó khiến người dùng, nhất là DN có động lực thay đổi hành vi, thói quen sử dụng điện. Thực tế còn nhiều DN đang sử dụng công nghệ cũ, tốn nhiều năng lượng vẫn được Nhà nước bù giá, trợ giá”.
Máy kéo chỉ sợi nhựa của Nhà máy sản xuất túi siêu thị, Công ty cổ phần Casablanca, Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa (Lạng Giang) được cải tiến từ dùng nhiệt đốt sang điện từ để sản xuất nguyên vật liệu đầu vào. |
Dự báo việc tăng giá điện sẽ xảy ra nên nhiều DN trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Fuhong Precision Component (Việt Nam), Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám; Công ty TNHH Crystal Martin, KCN Quang Châu... đã chủ động các giải pháp tiết kiệm, sử dụng điện năng lượng mặt trời ứng phó giá điện tăng.
Nhà máy sản xuất túi siêu thị của Công ty cổ phần Casablanca, Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa (Lạng Giang) có sản lượng 300 triệu túi/năm. Mỗi tháng, Công ty tiêu thụ từ 1,3-1,5 triệu kWh, tương ứng khoảng 3,5 tỷ đồng (tăng từ 10-15% so với thời điểm trước khi EVN điều chỉnh tăng giá điện lần 1 trong năm nay).
Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Nhà máy cho biết, chi phí về điện cho mỗi chiếc túi chiếm khoảng 10% giá thành. Nay giá điện tăng, trong khi không thể tăng giá bán sản phẩm nên DN phải thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất như: Điều chỉnh lại công thức sản xuất nguyên liệu đầu vào để hạ giá nguyên vật liệu; cho ngừng một số dây chuyền công suất cao, tiêu tốn điện năng trong giờ cao điểm,… Đặc biệt, gần đây Công ty đã cải tiến 15 máy kéo chỉ sợi nhựa, từ dùng nhiệt đốt chuyển sang điện từ. Cách làm này giúp giảm chi phí khoảng 30% lượng điện tiêu thụ. Nhờ đó, Nhà máy tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng tiền điện/năm.
Nhằm giúp các khách hàng, nhất là DN tiết kiệm điện, bảo đảm sản xuất ổn định, đại diện Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện tiết kiệm điện đến các cơ quan, DN. Quan tâm giám sát sản lượng điện tiêu thụ của các đơn vị, tổ chức để báo cáo, kiến nghị với UBND các địa phương có chế tài xử lý các trường hợp sử dụng điện lãng phí. Hướng dẫn các cơ quan, DN và người dân đăng nhập vào website https://sudungdien.evn.com.vn kiểm tra sản lượng điện tiêu thụ của mình để có biện pháp điều chỉnh sử dụng điện phù hợp, tiết kiệm. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các giải pháp giảm tổn thất điện năng lưới điện.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)