Đề xuất điều chỉnh giá điện chu kỳ ba tháng
Việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. |
Giá điện có thể tăng, giảm từ 3-5% sau ba tháng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 hôm 5/8, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý I/2022, làm chi phí mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp. Vì vậy, EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện các năm 2022 và 2023 để bảo đảm có dòng tiền thanh toán việc mua điện từ các nhà máy điện, hỗ trợ cải thiện tình hình tài chính.
Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN các năm 2022 và 2023, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến cần phải nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh giật cục, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Đồng thời, đại diện Bộ Công thương cho biết, theo quy định, EVN có thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ở mức dưới 5% (cụ thể từ 3% đến dưới 5%) nhằm bảo đảm mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Nếu giá bình quân tăng từ 3-5%, EVN cũng được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ, ngành liên quan. Theo quy định hiện nay, mức tăng thuộc quyền hạn của EVN là 3%. Ngoài ra, dự thảo giữ nguyên quy định tăng từ 5-10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương; tăng hơn 10% phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Đặc biệt, tại dự thảo này, Bộ Công thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là ba tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là sáu tháng. Như vậy, theo đề xuất này, EVN có quyền điều chỉnh tăng giá điện bình quân từ 3-5% sau ba tháng, nếu có biến động tăng chi phí sản xuất điện...
“Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công thương đã nghiên cứu và dự thảo quy định rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống còn ba tháng/lần, việc này cũng phù hợp quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là EVN phải báo cáo tính toán giá điện cập nhật hằng quý”, ông Đỗ Thắng Hải cho hay.
Băn khoăn tính khả thi
Nhận xét về đề xuất mới của Bộ Công thương, nhiều chuyên gia bày tỏ e ngại khoảng thời gian ba tháng điều chỉnh giá điện một lần là khó khả thi và điều này có thể gây xáo trộn, hoang mang cho người dân.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ băn khoăn: Hiện thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là sáu tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất đến nay vẫn không thực hiện được, bây giờ lại thay đổi và rút ngắn thời gian thì liệu có thực hiện được không?
“Quy định thời gian điều chỉnh tối thiểu sáu tháng đã có rồi và tương đối hợp lý. Bây giờ rút ngắn xuống ba tháng là không phù hợp, có thể gây tâm lý hoang mang cho người dân. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện trong tối thiểu sáu tháng còn chưa thực hiện được thì bây giờ thay đổi có hợp lý không?”, ông Long đặt câu hỏi.
Tương tự, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, tuy đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện ba tháng là theo đúng cơ chế thị trường nhưng hiện Quyết định 24 của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là sáu tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì EVN không dám tự điều chỉnh giá điện.
“Theo tôi, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra. Hội đồng năng lượng này ba tháng họp một lần và có thể được quyết định điều chỉnh giá theo quy định”, chuyên gia Đào Nhật Đình nói.
Còn chuyên gia kinh tế tài chính, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc quy định ba tháng hay sáu tháng điều chỉnh giá điện một lần không cần thiết nếu điện được điều tiết theo cơ chế thị trường. Khi chúng ta có thị trường mua bán rõ ràng thì không cần thời gian bao lâu để điều chỉnh nữa.
“Tôi nghĩ Bộ Công thương nên cân nhắc đề xuất này mà thay vào đó, sửa đổi luật để tiến đến một thị trường mua bán điện công khai, minh bạch hơn. Đồng thời, khiến người dân, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong mua bán điện hơn”, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Trong khi đó, một đại diện EVN cho biết, về cơ chế chính sách điều chỉnh giá điện, EVN sẽ thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công thương và Chính phủ.
“Về thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ sáu tháng xuống ba tháng, EVN cũng mong muốn và ủng hộ nhưng có làm nổi hay không lại là chuyện khác. Nếu đề xuất được thông qua, EVN phải dành nhiều thời gian để tính toán tăng, giảm giá điện hợp lý. Bên cạnh đó, sự dao động về giá sẽ chênh lệch rất lớn ở mùa mưa và mùa khô vì chi phí khác hẳn nhau. Nếu rút ngắn thời gian thì có thể dao động giá rất lớn, mùa mưa thì giá quá rẻ, còn mùa khô giá quá đắt và như thế cũng không phù hợp”, vị này nói.
Vị này nói thêm, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng đến mọi thành phần kinh tế nên không phải EVN muốn là điều chỉnh được ngay.
Tại họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, do giá điện là mặt hàng quan trọng, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân và các chi tiêu kinh tế vĩ mô nên việc thực hiện điều chỉnh giá điện với mức độ, thời điểm điều chỉnh cần thiết phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
Theo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc (0)