Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc: Trao truyền các giá trị văn hóa, xây dựng đời sống tốt đẹp
Thắt chặt tình đoàn kết
Quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện KT-XH, phong tục tập quán của từng vùng, miền. Đáp ứng yêu cầu đó, công tác mặt trận đã từng bước hướng về cơ sở, khu dân cư, gia đình để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái trò chuyện với cán bộ làm công tác mặt trận các thời kỳ. Ảnh tư liệu. |
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04 về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Qua đó tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại Bắc Giang, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp và tổ chức thực hiện của MTTQ Việt Nam các cấp trong những năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức ở 2.128 khu dân cư với những điểm nhấn, sắc thái riêng của mỗi địa phương. Trong giai đoạn mới, ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được khẳng định trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội.
Qua đó tạo tiền đề để MTTQ Việt Nam, hệ thống chính trị tập hợp và phát huy hiệu quả vai trò khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tiếp theo. Với những thành tựu của đất nước trong công cuộc đổi mới, kế thừa kết quả của gần 20 năm tổ chức Ngày hội cho thấy các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bảo tồn và phát huy.
Tham gia Ngày hội, nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy được sức đóng góp của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết. |
Ngày hội là dịp trao truyền và giao lưu các giá trị văn hóa của cộng đồng, cũng là dịp để mỗi thành viên đang sinh sống, học tập và làm việc bên ngoài cộng đồng được hội tụ gia đình, tri ân với ông bà, cha mẹ; góp công, góp sức tham gia xây dựng quê hương.
Tính gắn kết cộng đồng, vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội. Tham gia Ngày hội, nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết.
Nghĩa đồng bào dân tộc trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ với các gia đình khó khăn, hoạn nạn, tri ân gia đình có công với cách mạng, tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và hoạt động xã hội.
Nhiều khu dân cư đã tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”; quyên góp ủng hộ người nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết toàn dân… trong ngày hội. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, xây dựng các gia đình điển hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.
Ngày hội cũng khích lệ nhân dân chung tay xây dựng nếp sống văn minh, có các hoạt động nhằm đấu tranh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như: Lạm dụng rượu, cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm, đánh bạc…
Phát huy sự sáng tạo, đổi mới
Trong thực tiễn chỉ đạo, nhiều địa phương, cơ sở, khu dân cư đã có sự sáng tạo lựa chọn chủ đề của Ngày hội bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chính trị - xã hội, phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân theo phương châm lấy sức dân lo cuộc sống cho dân. Công tác phối hợp, hướng dẫn tổ chức bảo đảm chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, đề xuất lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tham dự Ngày hội, kịch bản tổ chức và hoạt động, bố trí lực lượng phục vụ.
Người dân thôn Hòa Minh, xã Hợp Đức (Tân Yên) đoàn kết xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp. |
Ngày hội là diễn đàn dân chủ hằng năm để đội ngũ cán bộ gắn bó mật thiết với nhân dân, tiếp xúc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; trao đổi, giải đáp những vấn đề người dân quan tâm. Qua đó mỗi tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên xây dựng chương trình hành động cụ thể, đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH phù hợp với tình hình tại cơ sở.
Để nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội trong tình hình mới cần có những giải pháp thiết thực. Đó là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò Ngày hội. Phát huy sự sáng tạo, đổi mới trong tổ chức Ngày hội phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.
MTTQ các cấp tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, chủ động đổi mới nội dung, hình thức tổ chức. Bảo đảm nguồn lực và xã hội hóa nguồn lực; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tổ chức Ngày hội bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực.
Huy động sự tham gia tích cực của người dân trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm để tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết tại mỗi địa phương, cơ sở, khu dân cư; tạo nên sức mạnh to lớn của cả cộng đồng và động lực mạnh mẽ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng quê hương Bắc Giang giàu đẹp.
Trần Công Thắng, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Ý kiến bạn đọc (0)