Nâng cao vai trò của nữ đại biểu dân cử
Hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng vận động bầu cử cho các nữ ứng cử viên, tăng cường tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội nói riêng và các cơ quan dân cử nói chung.
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cho hay: Bình đẳng giới là quyền con người, là mục tiêu phấn đấu của các quốc gia và thước đo để đánh giá mức độ tiến bộ, phát triển của xã hội. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nội dung quan trọng, then chốt, không những đem lại quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong lĩnh vực này mà còn tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy kinh nghiệm, quan điểm của mình trong quyết định chính sách. Xác định bình đẳng giới là mục tiêu, nhân tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam luôn quan tâm tới việc thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Hiến pháp, hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đã tạo khung pháp lý để phụ nữ phát triển, tham gia hoạt động chính trị, thúc đẩy bình đẳng giới.
Tuy nhiên, giữa quy định của pháp luật và thực tiễn luôn có khoảng cách nhất định. Việt Nam còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.
Bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV (26,72%) và tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 -2021 ở cả 3 cấp đều cao hơn khóa trước nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu 30% như mong muốn. Trên thế giới, tỷ lệ nữ nghị sĩ hiện nay là 25,5%, Việt Nam đứng thứ 72, vị trí khá cao. Tuy nhiên trước đó, khóa X, Việt Nam xếp vị trí thứ 8, đến khóa XIII xếp thứ 39, khóa XIV xếp thứ 60 trên thế giới về tỷ lệ nữ nghị sĩ. Ở Khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5, sau Đông Timor, Singapore, Philippines và Lào về tỷ lệ này.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, còn hơn một tháng nữa, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm tối thiểu 35%. Đến thời điểm này, Việt Nam đang tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, chưa có số liệu tổng hợp tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trên toàn quốc. Để đạt tỷ lệ nữ đại biểu cao hơn nhiệm kỳ trước, tối thiểu 30% như mục tiêu mong muốn là thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao và sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bà Nguyễn Thúy Anh mong rằng, hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa đại biểu Quốc hội các khóa, nữ ứng cử viên. Đại biểu đến dự hội thảo này sẽ được giải đáp những băn khoăn, trăn trở trong quá trình vận động bầu cử; tham gia thảo luận sôi nổi, tích cực, hào hứng với các ứng cử viên.
Ngoài ra, hội thảo sẽ góp phần giúp các nữ ứng cử viên tự tin hơn, hoàn thiện thêm các kỹ năng và thành công trong việc thuyết phục cử tri để kết quả cuộc bầu cử sắp tới. Việt Nam sẽ có tỷ lệ nữ đại biểu dân cử ở mức cao hơn và để chúng ta có thể tự hào về việc thực hiện mục tiêu tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ.
Trình bày về vai trò của nữ đại biểu dân cử, bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, với quá trình hoạt động tâm huyết, tích cực của mình các nữ đại biểu Quốc hội đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ, sự tận tụy trong công việc và đã có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, trong quá trình tham gia hoạt động dân cử các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, về bình đẳng giới, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân được các nữ đại biểu đặc biệt quan tâm. Trong hoạt động lập pháp, các nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi văn bản pháp luật.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nữ Đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến góp ý chất lượng vào các dự án Luật. Đã có khoảng 27% lượt ý kiến phát biểu của nữ Đại biểu Quốc hội góp ý vào các dự án Luật trong các phiên thảo luận tại Hội trường.
Đặc biệt, trong hoạt động Quốc hội khóa XIV, các nữ đại biểu tích cực tham gia ý kiến đối với các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, tham gia hoạt động chất vấn. Nữ Đại biểu Quốc hội có 87/276 lượt phát biểu về các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, 554/1754 ý kiến tham gia chất vấn Chính phủ và thành viên Chính phủ…
Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới” gồm 2 phần chính: Một số thông tin, kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; thực hành một số kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)