Mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm
Một em bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. |
Số liệu được Cục Dân số, Bộ Y tế, công bố tại Lễ kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam và tổng kết công tác dân số năm 2023, ngày 26/12.
Ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, cho biết giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam "nhanh hơn thế giới và ngày càng rõ nét". Những năm trước, phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, song hai năm gần đây mức sinh xuống thấp, dưới 1,7. Còn ở nông thôn, mức sinh năm nay ước tính cũng xuống dưới mức sinh thay thế, trong khi vài năm trước con số này là 2,4.
Hai khu vực báo động là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Hiện chỉ có vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ mức sinh còn cao.
Thực tế, trong ba năm qua, tỷ suất 21 tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có xu hướng tiếp tục giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh (HCM). Ước tính, năm 2023 mức sinh của TP HCM là 1,27 con/phụ nữ, tức mức rất thấp so cả nước. Hiện chỉ 4 địa phương đạt mức sinh thay thế gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.
"Trong bối cảnh suy giảm dân số toàn cầu, nếu Việt Nam duy trì vững chắc mức sinh thay thế sẽ ổn định quy mô dân số trên 100 triệu dân", ông Sơn nói.
Không chỉ Việt Nam, tỷ suất sinh của nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương giảm mạnh trong 70 năm qua. Hàn Quốc có tổng tỷ suất sinh (TFR) thấp nhất thế giới, ở mức 0,8, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1. Singapore và Nhật Bản cũng không cao hơn nhiều, lần lượt ở mức 1,1 và 1.3.
Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa, suy giảm quy mô dân số. Tình trạng này tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Nhiều quốc gia có mức sinh giảm thấp đã liên tục đưa ra các biện pháp ngăn đà giảm. Như Hàn Quốc, kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chính phủ tăng gấp ba lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tại Hungary, phụ nữ sinh 4 con trở lên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đưa ra nhiều chính sách để tác động nhằm tăng mức sinh. Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế tham mưu xây dựng, trong đó đề xuất khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh, thành có mức sinh thấp, hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai do trong quá trình mang thai cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe. Cùng đó, dự thảo đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)