Điện thoại “cục gạch” sẽ bị “khai tử” tại Việt Nam vào năm 2024
Theo kế hoạch, đến tháng 9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tắt sóng 2G, từng bước tiến tới tắt sóng 3G trong những năm tiếp theo. Như vậy, các điện thoại phổ thông (hay còn gọi là điện thoại "cục gạch") chỉ có chức năng nghe - gọi, nhắn tin sẽ không sử dụng được, người dùng phải chuyển sang điện thoại thông minh.
Quang cảnh buổi tọa đàm về lộ trình tắt sóng 2G tổ chức tại Hà Nội. |
Tắt sóng 2G hướng tới thúc đẩy cách mạng công nghệ
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, giao dịch điện tử một cách nhanh chóng, đồng thời cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Trao đổi trong tọa đàm “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số” được Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết chủ trương dừng công nghệ 2G, chuyển sang 4G nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công, giao dịch trên môi trường hiện đại với tốc độ cao.
Một lý do nữa được ông Nguyễn Phong Nhã đưa ra là Việt Nam sẽ thực hiện cấp phép 5G. Như vậy, một nhà mạng không thể tồn tại đồng thời các công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G, rất tốn kém trong khai thác, vận hành mạng lưới. Vì vậy, việc dừng 2G, tiến tới dừng 3G là chủ trương đúng đắn của Bộ Thông tin và Truyền thông và nhận được sự đồng thuận cao của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, việc dừng công nghệ 2G là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đại diện Huawei Việt Nam chia sẻ, đến tháng 6/2023 đã có 149 nhà mạng tại 77 quốc gia đã và đang thực hiện tắt các công nghệ cũ gồm 2G và 3G. Nhiều quốc gia thực hiện tắt công nghệ cũ từ sớm như Mỹ, Australia, Singapore.
Cũng tại tọa đàm, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông) thông báo tới các doanh nghiệp viễn thông việc đến tháng 9/2024 trên mạng di động Việt Nam sẽ không còn thuê bao 2G Only.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp thêm 2 năm trên băng tần 900 MHz để cung cấp dịch vụ thoại trên nền tảng 2G cho thuê bao 3G, 4G non-VoLTE. Lý do được bà Hiền đưa ra là bởi nhiều thuê bao smartphone 3G, 4G thời kỳ đầu chưa tích hợp VoLTE - tính năng trao đổi qua nền tảng 4G. Vì thế, những thuê bao này sẽ được sử dụng dịch vụ thoại qua nền tảng 2G, 3G cho đến tháng 9/2026.
Sau thời điểm tháng 9/2026, băng tần 900 MHz sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét quy hoạch lại. Dự kiến, quy hoạch mới sẽ bảo đảm việc phân chia băng tần phù hợp với sự phát triển của các công nghệ 4G, 5G.
Để chuẩn bị cho việc dừng công nghệ 2G, thực thi để tắt sóng 2G, từ năm 2020, các nhà mạng đã có tính toán và đồng thuận với chủ trương dừng công nghệ 2G. Việc này sẽ phải có các bước liên quan đến việc xây dựng chính sách. Các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đề xuất chính sách với lãnh đạo Bộ từ năm 2016, khi cấp phép 4G.
Ngay thời điểm đó, tất cả giấy phép cấp cho các doanh nghiệp đều đã được đề xuất có hạn đến tháng 9/2024. Điều này sẽ giúp các nhà mạng có định hướng trong việc phát triển thuê bao để đến thời điểm tháng 9/2024 có thể xem lại giấy phép. Đây là căn cứ tốt để quy hoạch lại các băng tần.
Nhân viên Viettel Bắc Giang hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuẩn hóa thông tin. |
Các nhà mạng đã sẵn sàng tắt sóng 2G
Đề cập đến sự tham gia của các nhà mạng, đại diện Cục Viễn thông cho biết, sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đã tích cực xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G.
Đến tháng 9/2024, các điện thoại chỉ có 2G sẽ không được sử dụng trên mạng lưới. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư quy định cấm nhập khẩu, lưu thông điện thoại chỉ có kết nối 2G.
“Vòng đời thiết bị 2G Only thường chỉ 3 năm. Các đơn vị trong Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh không nhập khẩu thiết bị này. Do vậy các thiết bị 2G Only đã giảm dần trên mạng lưới”, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.
Ngoài ra, trong chương trình viễn thông công ích, Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ phê duyệt khoản hỗ trợ các hộ gia đình ở vùng sâu vùng xa, hộ nghèo để chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G sang thiết bị thông minh.
Một số tỉnh cũng muốn phổ cập điện thoại thông minh cho người sử dụng thông qua chương trình hỗ trợ, từ đó triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân khai thác, sử dụng.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp.
Trong đó, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho thuê bao là hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G với khoảng 400 nghìn máy. Hiện Quỹ đang thực hiện thống kế các hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết Viettel đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ 2G lên 4G của người dùng di động từ cách đây 4 năm. “Viettel là nhà mạng đầu tiên chuyển đổi toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công. Trên mạng lưới của Viettel chỉ còn khoảng 2% khách hàng sử dụng 3G. Việc tắt các công nghệ cũ, dịch chuyển lên công nghệ mới là rất thiết thực, mang lại lợi ích cho Viettel và các doanh nghiệp," ông Tính cho biết.
Theo Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, tỷ lệ thuê bao 2G chiếm khoảng 16% tổng số thuê bao của Viettel. Đến tháng 9/2024 cần dịch chuyển, đưa số lượng thuê bao 2G trên mạng chỉ còn dưới 5% thì doanh nghiệp mới có thể tắt sóng được.
Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Viettel đã phủ sóng 4G cho tất cả các khu vực có khách hàng, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Viettel cũng đã cùng các nhà cung cấp dịch vụ khác đưa giá dịch vụ 4G xuống rất thấp, tiệm cận và thậm chí là thấp hơn giá dịch vụ 2G để phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng.
Các chính sách kích thích, thúc đẩy người dùng chuyển dịch lên dùng data, dùng máy smartphone, 4G cũng đã được Viettel triển khai liên tục trong 2- 3 năm nay.
Viettel cũng đã điều chỉnh một số chính sách như hạn chế cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng 2G, giảm khuyến mại các dịch vụ 2G, tăng khuyến mại sử dụng các dịch vụ 4G cho khách hàng. Bên cạnh đó, Viettel còn hỗ trợ người dùng bằng chính sách giảm giá các thiết bị đầu cuối.
Quang Vinh
Ý kiến bạn đọc (0)