Mùa dẻ Tứ Sơn
Đặc sản của núi rừng
Để đến được khu rừng dẻ của gia đình anh Hoàng Cao Khải, thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn (Lục Nam), người được bà con địa phương giới thiệu còn giữ được nhiều cây dẻ tự nhiên nhất, chúng tôi phải leo ngược lên sườn núi. Con đường mòn của người đi rừng dốc ngược bị nước mưa xói thành rãnh càng khiến việc di chuyển thêm khó khăn.
Rừng dẻ ở khu vực Tứ Sơn (Lục Nam). |
Anh Khải vừa đi vừa nói: Trước kia rừng dẻ lan xuống đến tận chân núi nhưng rồi người dân chặt dần để trồng bạch đàn, giờ đây chỉ còn một phần diện tích rất nhỏ dẻ tái sinh mọc ở trên cao. Gia đình tôi cố gắng giữ lại gần một héc-ta, cây cũng đã được khoảng 20 năm tuổi, cho quả từ hơn 10 năm trở lại đây.
Tới một vạt rừng đã được dọn sạch, chúng tôi gặp chị Lê Thị Hà đang lúi húi nhặt hạt dẻ. Đã đầu giờ chiều mà chị chưa nghỉ tay kể từ lúc lên rừng vào sáng sớm. Chị Hà kể: Năm nay dẻ không được nhiều, mọi vụ khác, quả trĩu cành. Nhặt cả buổi sáng chỉ được lưng bao tải, khoảng 10 kg nhưng bù lại giá bán khá cao, từ 30-40 nghìn đồng/kg. Nếu thuê nhân công thì không đủ chi phí nên chị tự dùng máy phát cỏ để làm sạch diện tích rừng dẻ của gia đình, cây nào rụng quả, cho thu hoạch thì tập trung thu nhặt dưới gốc.
Mỗi khi trước mùa thu hoạch hạt dẻ, chủ rừng phải phát dọn sạch thực bì để việc thu nhặt thuận lợi, hạn chế thất thoát. Nói vậy, nhưng đến lúc làm cùng chị Hà, tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả của người đi nhặt hạt dẻ. Dưới lớp đất lẫn nhiều lá cây rừng mục nát, sỏi đá, phải tinh mắt để nhận ra hạt nào mới rụng giữa những hạt hỏng từ vụ trước. Hạt mới có màu nâu vàng sáng hơn, không đen sẫm, nhiều hạt còn nằm nguyên trong vỏ đầy gai nhọn, người nhặt phải cẩn thận tách ra nếu không muốn bị gai đâm vào tay.
Lưng mỏi nhừ, chân tê cứng, mắt căng ra, tay luôn bới để tìm hạt, chưa kể lũ muỗi rừng sau cơn mưa thấy hơi người cứ bám lấy để hút máu. Nhiều gia đình thử áp dụng cách trải bạt dưới gốc rồi rung cây cho hạt rụng nhưng không hiệu quả lại đầu tư lớn nên nhặt thủ công vẫn phổ biến hơn cả.
Đến nay, huyện Lục Nam tiếp tục duy trì diện tích rừng dẻ lớn nhất miền Bắc với hơn 1.100 ha, tập trung ở các xã Trường Sơn, Lục Sơn, Vô Tranh, Huyền Sơn, Nghĩa Phương mà người dân quen gọi là khu vực Tứ Sơn. Mỗi năm, rừng dẻ cho sản lượng trung bình một nghìn tấn hạt, mang lại cho người dân hàng chục tỷ đồng. Rừng dẻ Lục Nam không chỉ cho loại quả đặc sản mà còn có tác dụng bảo vệ quỹ gen quý hiếm, tạo nguồn sinh thủy và giữ gìn hệ sinh thái đặc trưng phía Tây Yên Tử.
Nỗ lực giữ rừng dẻ
Rừng dẻ Lục Nam đã có thời điểm bị xâm phạm nghiêm trọng, tình trạng chặt phá diễn ra phổ biến, diện tích thu hẹp. Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho biết, 8/14 thôn của xã có rừng dẻ với diện tích khoảng 80 ha. Những năm được mùa, hàng tấn hạt dẻ mang lại cho bà con các dân tộc trong xã cả tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây là loài cây có thời gian từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 10-11 tháng, việc thu hoạch tốn công sức, trong khi hỗ trợ của tỉnh và huyện để bảo vệ rừng dẻ còn thấp (200 nghìn đồng/ha/năm đối với các hộ dân tộc Kinh và 400 nghìn đồng/ha/năm với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số) nên một vài gia đình không mặn mà giữ gìn diện tích còn lại.
Thu hoạch hạt dẻ. |
Gần đây còn có hiện tượng một số người, cơ sở thu gom gỗ dẻ để chế biến thành than hoạt tính xuất khẩu khiến rừng dẻ càng bị đe dọa. Để ngăn ngừa, UBND xã phân công cán bộ theo dõi từng thôn, bản, bất cứ vụ việc nào liên quan đến xâm phạm rừng dẻ đều được phát hiện và xử lý kịp thời.
So với trồng rừng kinh tế để làm nguyên liệu như keo, bạch đàn, rừng dẻ cho nguồn thu không hề thua kém nhưng hằng năm tốn công thu hoạch nên loài cây đặc trưng này của huyện Lục Nam bị đe dọa. Nhiều nơi, rừng dẻ bị thu hẹp để người dân lấy đất trồng bạch đàn.
Với nỗ lực đưa hạt dẻ vươn ra thị trường, ngay từ năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hạt dẻ Lục Nam”. Trao đổi với ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam được biết, huyện bố trí ngân sách để động viên, hỗ trợ các gia đình chăm sóc, bảo tồn rừng dẻ tự nhiên; mạng lưới cán bộ phụ trách lâm nghiệp ở các xã thường xuyên bám địa bàn, quản lý chặt chẽ diện tích còn lại. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để thương nhân thu mua hạt dẻ, cung cấp đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị và hiệu quả của loại đặc sản này.
Huyện Lục Nam đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được giá trị từ rừng dẻ, quyết tâm giữ diện tích hiện có, tình trạng vén rừng dẻ chuyển sang cây trồng khác đã được ngăn chặn. Thấy được lợi ích từ rừng dẻ, những năm gần đây, người dân Tứ Sơn đã ý thức hơn trong việc bảo vệ, phát triển vốn quý này, hướng tới mở rộng diện tích, nâng tầm sản phẩm hạt dẻ Lục Nam.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)