Mở rộng diện tích rừng bền vững: Bảo đảm lợi ích lâu dài
Đón đầu cơ hội
Thực hiện Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2030, ngoài các công ty lâm nghiệp, hiện nay đã có một số doanh nghiệp (DN) quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các nhóm hộ để thực hiện cấp chứng chỉ FSC. Sau 3 năm thực hiện đề án, đến nay diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng lên hơn 12,6 nghìn ha (đạt 74,11% kế hoạch). Trong đó các công ty lâm nghiệp hơn 4,5 nghìn ha, nhóm hộ hơn 8 nghìn ha.
Từ năm 2016 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế duy trì chứng chỉ rừng bền vững đối với toàn bộ diện tích hơn 2,3 nghìn ha. |
Mới đây, huyện Yên Thế đã vận động các chủ rừng là hộ gia đình cá nhân xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, liên kết thành các nhóm hộ lập hồ sơ đề nghị đánh giá, cấp chứng chỉ FSC. Tổng diện tích đề nghị cấp chứng chỉ hơn 3,4 nghìn ha trên địa bàn 50 thôn tại 6 xã với 65 nhóm hộ. Công ty TNHH Công nghiệp HUARONG (đơn vị chuyên chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ gỗ sang thị trường Nhật Bản) hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ cấp chứng chỉ. Tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế, từ năm 2016, toàn bộ hơn 2,3 nghìn ha diện tích rừng trồng của Công ty đã được cấp chứng chỉ FSC.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty, mặc dù chi phí cho công tác đánh giá, cấp chứng chỉ khá lớn (bình quân 800 triệu đồng/năm), trong khi đó sản phẩm gỗ của Công ty chủ yếu tiêu thụ ở các thị trường không đòi hỏi chứng chỉ FSC. Như năm 2022, lượng gỗ có chứng chỉ xuất bán sang thị trường có yêu cầu rất ít (dưới 10%). Nắm bắt được xu hướng cũng như lợi ích khi rừng được cấp chứng chỉ FSC nên Công ty vẫn quyết tâm duy trì nhằm đón thời cơ để trong tương lai sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản nhiều hơn.
Sau 3 năm thực hiện đề án, đến nay diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng lên hơn 12,6 nghìn ha (đạt 74,11% kế hoạch). Trong đó các công ty lâm nghiệp hơn 4,5 nghìn ha, nhóm hộ hơn 8 nghìn ha. |
Tương tự, để được cấp chứng chỉ FSC cho 2.177 ha, năm 2021 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn phải chi phí ban đầu gần 1,5 tỷ đồng cho công tác tư vấn lập hồ sơ, đánh giá và hoàn thiện các tiêu chí. Hằng năm, doanh nghiệp chi khoảng 300 triệu đồng cho công tác đánh giá kỹ thuật, tư vấn duy trì chứng chỉ.
Trong khi đó sản phẩm gỗ rừng của Công ty hiện chưa được bán sang các thị trường có yêu cầu chứng chỉ mà chủ yếu bán cho các hộ thu mua lâm sản nên giá trị chỉ cao hơn gỗ rừng thông thường 3-5%.
Ông Đỗ Văn Toan, Phó Giám đốc Công ty nói: "Công ty quyết tâm duy trì chứng chỉ FSC vì đây là xu hướng phát triển cũng như yêu cầu mà các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu đề ra. Trong tương lai, khi các thị trường này mở cửa rộng hơn, sản phẩm của Công ty sẽ có cơ hội được xuất sang đây và giá trị cũng sẽ tăng đáng kể".
Tháo gỡ vướng mắc
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 7/11 chủ rừng là tổ chức lên phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích hơn 40 nghìn ha (chiếm 77,9% tổng diện tích của chủ rừng là tổ chức). Hiện còn 2 chủ rừng là tổ chức đang xây dựng phương án, 2 chủ rừng (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam) chưa xây dựng phương án theo quy định. Dự kiến trong năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT bố trí 486 triệu đồng để thực hiện 2 lớp tuyên truyền và hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC cho khoảng 1,5 nghìn ha.
Ông Hà Văn Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Thực hiện Thông tư số 28 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn do được giao diện tích nhỏ lẻ, rừng chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí chưa cao, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Nhận thức của các chủ rừng hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ".
Hiện chi phí để thuê tư vấn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, lập hồ sơ đánh giá và cấp chứng chỉ bình quân hơn 1,3 triệu đồng/ha, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa không quá 300 nghìn đồng/ha. Chưa kể hằng năm còn phải bố trí kinh phí cho công tác đánh giá duy trì chứng chỉ nên khó khăn trong việc mở rộng diện tích quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ, nhất là với chủ rừng là hộ gia đình cá nhân.
Một trong những khó khăn nữa là việc tiêu thụ gỗ có chứng chỉ chủ yếu do các DN ngoài tỉnh. Các DN xuất khẩu gỗ sang thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ đang không có đơn hàng hoặc đơn hàng rất hạn chế đã tác động rất lớn đến việc mở rộng diện tích cấp chứng chỉ FSC. Sản phẩm chế biến đối với gỗ được cấp chứng chỉ chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị gia tăng chỉ đạt 10% so với gỗ không được cấp chứng chỉ.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2030 và tháo gỡ những khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như: Thu hút đầu tư nhà máy chế biến gỗ (nhất là chế biến sản phẩm tinh), thúc đẩy DN hỗ trợ liên kết để việc thành lập nhóm hộ, hợp tác xã trong sản xuất lâm nghiệp làm tăng quy mô sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC.
Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng là tổ chức xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ để lập hồ sơ đề nghị đánh giá, cấp chứng chỉ. Cùng đó, tiếp tục thúc đẩy liên kết nhóm hộ để đẩy mạnh mở rộng diện tích rừng theo các tiêu chuẩn này. Đồng thời kiến nghị với T.Ư có chính sách hỗ trợ, trong đó mở rộng đối tượng hỗ trợ và nâng cao mức hỗ trợ để nhân rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững.
Hiện nay, việc cấp chứng chỉ FSC do các tổ chức quốc tế cấp và chứng chỉ rừng Việt Nam cấp, Việt Nam hợp tác với quốc tế cấp còn những quy định về bộ tiêu chí chưa đồng nhất. Vì vậy, ngành cũng đề nghị nên có giải pháp đồng nhất về bộ tiêu chí này để áp dụng trong quá trình thực hiện.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)