Sơn Động: Khai thác lợi thế, tăng giá trị kinh tế rừng
Giàu lên từ rừng
Cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện về xã Dương Hưu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi của địa phương từng được coi là khó khăn nhất của huyện. Dọc tuyến đường vào thôn Mùng - thôn khó khăn nhất của xã - không còn những ngôi nhà tường đất lụp xụp, thay vào đó là công trình mới, kiên cố.
Nông dân xã Dương Hưu khai thác rừng trồng. |
Ghé vào ngôi nhà hai tầng mới xây ở cuối thôn, chúng tôi được vợ chồng anh Lý Văn An (SN 1992), dân tộc Dao niềm nở đón tiếp. Theo lời anh An, sau khi kết hôn, vợ chồng anh được bố mẹ cho 3 gian nhà cấp 4 cùng gần 2 ha rừng. Vợ chồng trẻ, nghề nghiệp chưa ổn định, diện tích rừng chưa được chăm sóc, chất lượng kém nên những ngày đầu, cuộc sống của gia đình khá chật vật. Được cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn kỹ thuật, đầu năm 2017, anh An phá bỏ vườn bạch đàn giống cũ, đưa giống keo mới vào trồng.
Nhờ giống chất lượng, kỹ thuật chăm sóc tốt nên cuối năm ngoái, gần 2 ha keo được thu hoạch, vợ chồng anh thu về hơn 200 triệu đồng. Có tiền, anh dành một phần tái trồng rừng trên diện tích vừa thu hoạch, số còn lại cùng khoản tiết kiệm, anh dựng được nhà khang trang. “Từ nay, vợ con tôi không còn phải ở nhà xuống cấp, không phải lo chống dột mỗi khi mưa lớn. Lớp keo mới trồng, tôi sẽ phát triển rừng gỗ lớn để tăng thu nhập”, anh Lý Văn An chia sẻ.
Phát huy lợi thế về rừng, những năm gần đây, trung bình mỗi năm toàn huyện trồng mới khoảng hơn 4 nghìn ha rừng và luôn hoàn thành vượt mức. Ví như năm 2021, các địa phương trong huyện trồng được 4,5 nghìn ha, đạt 140,6% kế hoạch. Một năm sau, diện tích trồng mới tăng lên hơn 4,6 nghìn ha, đạt 110,2% kế hoạch. Tính riêng 5 tháng đầu năm nay, toàn huyện trồng gần 1,7 nghìn ha rừng. Cùng với tăng về diện tích, chất lượng rừng trồng cũng được các địa phương, chủ rừng quan tâm.
Tại xã Vân Sơn, trung bình mỗi năm, người dân trong xã trồng mới 490 ha rừng. Nhờ chuyển đổi sang trồng những giống mới được sản xuất bằng hình thức cấy mô như: Keo BV10, AH1; bạch đàn Cự vĩ DH3229… nên giá trị kinh tế rừng không ngừng tăng lên, đạt bình quân 21,1 tỷ đồng/năm. Còn tại xã Hữu Sản - địa phương có diện tích rừng trồng lớn (bình quân hơn 3,5 ha/hộ), phát triển kinh tế rừng trở thành phong trào tại địa phương và mang lại nguồn thu lớn.
Thống kê, từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, người dân trong xã đã khai thác 920 ha rừng, giá trị ước đạt 73,3 tỷ đồng. Từ trồng rừng, nhiều hộ có điều kiện cải tạo nhà ở, vươn lên thoát nghèo.
Ông Bế Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Hữu Sản nói: “Hai năm qua, dưới sự hướng dẫn của Hạt Kiểm lâm huyện, toàn xã đã chuyển đổi 1.935/3.000 ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Toàn bộ diện tích chuyển đổi đều được đăng ký cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững (FSC). Diện tích rừng gỗ lớn vẫn đang tiếp tục được mở rộng. Chỉ cần vài năm nữa, đời sống người dân trong xã sẽ có thay đổi lớn khi những diện tích rừng gỗ lớn đầu tiên cho thu hoạch”.
Phát triển rừng gỗ lớn để tăng giá trị
Với gần 67 nghìn ha rừng, trong đó gần 50% là rừng trồng, huyện Sơn Động có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng. Thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, từ trồng rừng, năm 2022, toàn huyện thu 819 tỷ đồng, tăng 12,2 tỷ đồng so năm 2021 và vượt 169 tỷ đồng so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đề ra đến năm 2025; giá trị sản xuất rừng kinh tế đạt bình quân 22,2 triệu đồng/ha/năm.
Có được kết quả này là do những năm gần đây cơ quan chuyên môn của huyện, các địa phương quan tâm lựa chọn, định hướng cho người trồng rừng những giống cây mới, năng suất, chất lượng cao hơn; người trồng rừng đã thấy được tiềm năng kinh tế rừng nên quan tâm đầu tư, chăm sóc, lựa chọn giống cây phù hợp đưa vào trồng. Mặc dù vậy, qua đánh giá, kinh tế rừng của huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều diện tích rừng manh mún, nhỏ lẻ nên khi triển khai các chương trình hỗ trợ khó thực hiện, chưa phát huy được tính sản xuất hàng hóa. Tại một số địa phương, tình trạng phát, phá rừng vẫn xảy ra.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những giải pháp nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2025, thu từ ngành lâm nghiệp đạt 650 tỷ đồng. Ngày 31/5/2021, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển rừng, nâng giá trị kinh tế rừng. Để người dân yên tâm bám rừng, cùng với phối hợp mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, UBND huyện mời gọi các doanh nghiệp cam kết thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá thị trường nếu người dân trồng rừng gỗ lớn.
UBND huyện bố trí kinh phí hỗ trợ các chủ rừng chuyển đổi với mức 20 triệu đồng/ha nếu phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, 10 triệu đồng/ha đối với diện tích chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn. Cùng đó hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm để quản lý bảo vệ, thời gian không quá 7 năm kể từ thời điểm thực hiện chuyển hóa.
Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để nâng cao giá trị kinh tế rừng, chúng tôi đang yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc lập danh sách, đề xuất hỗ trợ chuyển đổi đối với diện tích trồng rừng gỗ lớn. Cùng đó rà soát, lựa chọn 2-3 vị trí (quy mô dưới 2,5 ha/vị trí) nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến gỗ hiện đại. Khi đó thu từ ngành lâm nghiệp sẽ tăng, tiềm năng về rừng sẽ được phát huy tối đa”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)