Mật ngọt từ thuần hoá ong rừng
Chia sẻ về công việc đặc biệt này, anh Trần Văn Tế cho biết, từ năm 14 tuổi anh đã theo bố lên rừng tìm mật, sau đó học cách bắt ong rừng về nuôi. “Để dụ được ong về cần nhiều công đoạn, mỗi người một bí quyết. Tôi thường chuẩn bị sẵn thân cây gỗ rỗng rồi vào rừng treo lên cây to tại nơi thoáng mát, tránh mưa, nắng để dụ đàn ong đến ở. Sau một thời gian ong quen với tổ mới, tôi di chuyển về nhà để thuần dưỡng, lấy mật. Tuy nhiên, phải hết sức chú ý đến ong chúa, nếu không đàn ong thợ sẽ tự bay đi”, anh Tế nói.
Anh Trần Văn Tế (ngoài cùng bên phải) giới thiệu về đàn ong thuần hoá. |
Trước đây, anh Tế thường nuôi ong bằng thân cây gỗ. Dần dà thấy tốn nhiều công làm tổ lại không đông quân, được ít mật nên anh chuyển sang nuôi ong mật bằng thùng vuông. Từ vài tổ ong rừng, anh đã nhân đàn lên 100 thùng ong. Các tổ ong được đặt dưới tán rừng tự nhiên, trong bụi rậm để vừa tránh ánh nắng, mưa, vừa tạo môi trường tự nhiên cho đàn ong phát triển. Định kỳ mỗi tháng anh kiểm tra ong một lần và 3 tháng sẽ tổ chức thu hoạch.
Vào tháng 4, ong sẽ lấy mật hoa cây lim xanh nên có vị hơi đắng, màu nâu sẫm, có tác dụng chữa bệnh đường ruột. Tháng 11 âm lịch hằng năm, ong cho mật ít hơn nên anh chỉ thu một phần mật, còn lại dự trữ thức ăn cho đàn ong trong mùa đông, tránh trường hợp cả đàn bỏ tổ. Theo tính toán, trung bình mỗi năm, anh Tế thu hoạch hơn 1 nghìn lít mật. Với giá bán 150 nghìn đồng/lít, anh thu về gần 200 triệu đồng.
Cùng với phát triển kinh tế gia đình, với vai trò Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi ong thuộc Chi hội Nông dân thôn Lạnh, bằng kinh nghiệm của mình, anh Tế đã hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hộ trong thôn thuần hoá nuôi ong rừng cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay hầu như gia đình nào ở thôn Lạnh cũng thuần hoá ong rừng về nuôi, hộ nhiều thì 40-50 thùng, thậm chí gần 100 thùng, hộ ít cũng có gần chục thùng.
Ông Lý Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Viễn cho biết: “Do 100% hộ dân ở thôn Lạnh đều là đồng bào dân tộc Sán Chí nên trước đây cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm hơn 50%. Từ học tập mô hình thuần hoá ong rừng của anh Tế, số hộ nghèo của thôn giảm còn 35 hộ, chiếm 26,92% dân số; nhiều hộ vươn lên khá giả, có thu nhập ổn định”.
Bài, ảnh: Xuân Thoả
Ý kiến bạn đọc (0)