Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Dự hội thảo có lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, đại diện UBND các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và các xã, thị trấn.
Đồng chí Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động phát biểu ý kiến.
|
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Bắc Giang triển khai 10 dự án với hơn 100 cơ quan, đơn vị làm chủ đầu tư. Trong đó, tổng nhu cầu vốn và huy động vốn thực hiện chương trình cả giai đoạn 2021-2025 của huyện Sơn Động là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng với 20 đơn vị, xã, thị trấn làm chủ đầu tư.
Năm 2022, nguồn vốn huyện chủ trì thực hiện hơn 83,8 tỷ đồng, triển khai thực hiện 10 dự án thành phần về hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu; đầu tư cơ sở hạ tầng, xoá mù chữ, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo tồn bản sắc văn hoá các DTTS…
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ thông tin, định hướng cũng như kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình, chia sẻ một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc đang triển khai thực hiện. Đại diện UBND xã Thanh Luận cho biết, giai đoạn 2021-2025, xã được phân bổ hơn 8,7 tỷ đồng, trong đó năm 2022 được giao vốn thực hiện dự án 4 cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nêu ý kiến.
|
Đến nay địa phương đã trình huyện thẩm định hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất chăn nuôi gà cho 15 hộ nghèo; khởi công 3 công trình. Tuy nhiên do chương trình tích hợp nhiều nội dung, nhiều văn bản triển khai một lúc, một số quy định hướng dẫn chưa rõ, năng lực cán bộ còn hạn chế nên khó khăn trong thực hiện.
Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đánh giá thổ nhưỡng, khí hậu của huyện rất phù hợp trồng các loại cây dược liệu. Tuy nhiên huyện cần xác định quy hoạch vùng dược liệu lớn, mỗi loại dược liệu ít nhất có từ 2 đến 5 ha, đa dạng hoá các cây dược liệu thì mới phát huy hiệu quả. Đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm.
Đồng chí Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các sở, ngành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong năm đầu thực hiện dự án; các doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ huyện thực hiện các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hàng hoá, phát triển bền vững vùng dược liệu.
Phát biểu tại đây, ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị các huyện phối hợp với Ban triển khai thực hiện hiệu quả chương trình. Quan tâm rà soát các dự án, tiểu dự án thành phần, bảo đảm đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định, phát huy được hiệu quả chính sách. Với các khó khăn, vướng mắc, Ban sẽ chủ động phối hợp tháo gỡ, tạo tiền đề thực hiện trong năm 2023.
Tin, ảnh: Xuân Thỏa
Ý kiến bạn đọc (0)