Mất an toàn ở nhiều công trình xây dựng dân dụng
Nỗi đau sau tai nạn
Như thường lệ, sau bữa ăn sáng tại nhà, sáng 29-11, ông Dương Văn Thăng (SN 1965) ở thôn Trung, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) lại cùng vợ đến công trình xây dựng của gia đình ông Nguyễn Văn Minh (SN 1962) ở cùng thôn để làm thuê. Ai ngờ đó là buổi lao động cuối cùng của ông bởi ít giờ sau đó, ông tử vong do giàn giáo phía ngoài tầng hai bị sập.
Người lao động làm việc trong điều kiện không có bảo hộ sẽ gia tăng rủi ro. |
Cha già bệnh tật, những khoản vay mượn để xây nhà trước đó giờ đây dồn cả lên vai vợ ông. Trong vụ tai nạn này còn có ông Dương Văn Toản (SN 1963) ở thôn Sy, xã Nội Hoàng bị thương. Từ hôm xảy ra vụ việc đến nay, các con ông Toản thường xuyên phải xin nghỉ việc ở công ty để chăm sóc bố.
Trước đó, vụ tai nạn tại một công trình xây dựng dân dụng ở TP Bắc Giang khiến chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1985) ở thôn Vinh Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) tử vong. Tương tự, sau khi chồng chết do TNLĐ hồi tháng 9, chị Hà Thị H ở thôn Chùa, xã Xuân Hương (Lạng Giang) trở nên chật vật hơn khi hai con chị còn nhỏ.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 97 vụ TNLĐ làm chết 9 người, 88 người bị thương. Trong đó có có 8 vụ xảy ra tại các công trình xây dựng nhà dân làm 6 người chết, 5 người bị thương. Các vụ tai nạn khiến không ít gia đình lâm vào cảnh khốn khó khi hầu hết nạn nhân đều là lao động chính trong nhà. Trường hợp anh Nguyễn Văn H (SN 1984) ở xã Bích Sơn (Việt Yên) là một ví dụ. Cách đây hơn một năm, anh gặp nạn khi đang thi công công trình trên địa bàn. Để chữa trị cho chồng, vợ anh phải vay mượn gần 100 triệu đồng.
Đến nay dù sức khỏe dần ổn định song anh H không còn khả năng lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà. Mọi chi phí của 4 người trong gia đình đều trông vào đồng lương công nhân ít ỏi của người vợ. Hay như trường hợp của anh Trần Văn Công (SN 1972) ở xã Vô Tranh (Lục Nam). Anh bị tai nạn trong quá trình thi công nhà ở cho một gia đình ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) và tử vong, người mẹ già, hai con nhỏ của anh không còn chỗ nương tựa.
Anh Trần Văn Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Các vụ TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người lao động mà còn khiến gia đình lâm vào cảnh khốn đốn bởi nạn nhân đều là những lao động chính”.
Nhiều công trình mất an toàn
Hiện trường vụ tai nạn khiến hai người thương vong ở xã Nội Hoàng (Yên Dũng). |
Sáng 4-12, dạo một vòng quanh các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn tỉnh, phóng viên nhận thấy hầu hết người lao động đều không được trang bị bảo hộ lao động; hệ thống giàn giáo được lắp đặt thiếu an toàn, không che chắn. Tại một công trình gần Trung tâm thương mại BigC (TP Bắc Giang), dù đang hoàn thiện phía ngoài tầng 8 song chủ thầu vẫn không gắn lưới chắn xung quanh. Còn tại công trình ở xã Tăng Tiến (Việt Yên), 4 người thợ đang thi công trên đỉnh mái nhà mà không hề có dây an toàn. Chỉ cần một va chạm nhỏ người lao động có thể ngã xuống đất bất cứ lúc nào.
Thực tế cho thấy, không ít vụ TNLĐ xảy ra do sự thiếu trách nhiệm của chủ thầu và lỗi bất cẩn của người lao động. Điển hình, vụ tai nạn vừa xảy ra ở công trình xây dựng nhà ông Nguyễn Văn Minh là do hệ thống giàn giáo không có cây chống phía ngoài. Hay trước đó, anh Đinh Công Ịnh (SN 1994) ở xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) cũng bị ngã từ mái nhà xưởng ở thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) xuống đất do không cài dây an toàn vào vị trí cố định.
Thực tế cho thấy hầu hết các vụ TNLĐ trong xây dựng đều xảy ra ở công trình dân dụng, nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân do nhà thầu tư nhân, các công ty quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức, không hiểu biết và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Hầu hết các nhóm thợ đều được thành lập từ những người trong cùng gia đình, dòng họ hoặc cùng thôn nên khi xảy ra tai nạn không báo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mà tự giải quyết, bồi thường.
Vì thế, hình thức xử lý, khắc phục hậu quả của lực lượng chức năng gặp khó khăn, nhất là việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người liên quan khiến cho vi phạm bị xem nhẹ.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Để hạn chế các vụ tai nạn, nhất là tại các công trình xây dựng dân dụng, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thì chính quyền cơ sở cần sâu sát địa bàn, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm. Mỗi người lao động phải tự bảo đảm các điều kiện an toàn của bản thân, kiên quyết không làm việc tại công trình không an toàn bởi bản thân người lao động sẽ gánh chịu hậu quả nặng nhất nếu xảy ra tai nạn”.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)