Lục Ngạn: Nhiều vườn cam thất thu
Diện tích giảm mạnh
Ba năm trở lại đây, diện tích cam tại Lục Ngạn giảm mạnh, đặc biệt là cây cam ngọt, cam lòng vàng. Nếu như năm 2021, toàn huyện có hơn 3,7 nghìn ha cam thì đến nay còn hơn 1,8 nghìn ha (giảm hơn 1,9 nghìn ha). Đa số người dân chuyển đổi diện tích cam đã hỏng, kém năng suất, chất lượng thấp sang trồng các cây khác như: Ổi, thanh long, táo, nhãn, na, chuối, ớt, đu đủ, nho...
Một vườn cam bị sâu bệnh ở xã Hồng Giang. |
Tại một số xã trước đây trồng nhiều cam như: Thanh Hải, Trù Hựu, Tân Mộc, Tân Quang, Hồng Giang, Quý Sơn, Phượng Sơn… đều có những vườn cam bị sâu bệnh, kém phát triển. Không được chăm sóc tốt nên nhiều vườn cỏ mọc um tùm hoặc bỏ hoang. Vườn cam của gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn từng cho thu nhập cao hơn hẳn so với một số cây trồng khác. Thế nhưng từ năm 2022 đến nay, hơn 1 mẫu cam không còn được chăm chút, bón tưới như trước. Khắp vườn cỏ dại mọc cao quá đầu người. Hàng trăm cây cam khoảng 4 năm tuổi đã bị sâu bệnh tàn phá, lá ngả màu vàng, xoăn hàng loạt. Thi thoảng có cây cho quả nhưng còi cọc, vẹo, nứt.
Cách vườn nhà ông Xuân vài trăm mét là vườn vải thiều, nhãn mới được trồng lại trên diện tích trước đây từng trồng cam của gia đình ông Nguyễn Văn Hồng ở thôn Hựu, xã Trù Hựu.
Ông Hồng kể: “Năm 2015, tôi trồng 300 cây cam nhưng chỉ cho thu hoạch vài vụ, từ năm 2018 không hiểu sao cây cứ kém phát triển, lá vàng, khô cành và cho quả lơ thơ nên mới đây đành phá bỏ để trồng vải, nhãn. Nếu tiếp tục giữ vườn cam, chi phí mỗi năm hết cả chục triệu đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhưng không có hiệu quả, thậm chí lỗ vốn”. Dù vậy, theo ông Hồng và một số chủ vườn tại Lục Ngạn, tuy đã phá bỏ nhưng hệ lụy của cây cam để lại còn rất lớn. Quá trình canh tác, cây cam đã làm ảnh hưởng đến môi trường đất nên khi đưa các giống khác vào trồng thay thế, cây phát triển rất chậm.
Quả cam bị nứt, rụng do nhiễm sâu bệnh. |
Không riêng ở Trù Hựu, Quý Sơn, hàng loạt vườn cam tại Thanh Hải, Tân Mộc, Mỹ An cũng trong tình “bỏ thì thương, vương thì tội”. Theo như lời ông Chu Văn Hòa, cán bộ khuyến nông xã Tân Mộc, lúc đỉnh điểm (năm 2016), toàn xã có hơn 600 ha cam, đến nay chỉ còn 50 ha. Thậm chí có nhiều diện tích chưa được thu hoạch đã nhiễm bệnh, phải phá bỏ. Diện tích còn lại cũng đang trong tình trạng sâu bệnh, không còn khả năng khôi phục lại nên sớm muộn cũng sẽ bị người dân phá đi để trồng cây khác.
Nhân rộng phương pháp thâm canh theo hướng hữu cơ
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cam thuộc dòng cây “khó tính”, chất lượng quả phụ thuộc rất nhiều vào chất đất, giống, kỹ thuật canh tác... Không phải hộ dân nào cũng đáp ứng được các yêu cầu trên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng những vườn cam ngày càng xơ xác.
Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn có xu thế mua các cành bưởi chua cổ, bưởi bô lô, bưởi diễn về trồng để ghép các giống cam lên đó. Phương pháp này tạo cho cây mới phát triển khỏe, nhanh được thu hoạch, năng suất cao và rất bền cây”.
Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn. |
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, diện tích cây cam bị hỏng là do nhiều hộ trồng theo phong trào mà chưa hiểu về kỹ thuật canh tác, không đầu tư thâm canh. Cây cam được trồng ồ ạt trong một thời gian ngắn, chủ yếu là sử dụng giống trôi nổi, thậm chí đã mang mầm bệnh.
Ngoài ra, những vườn cam hỏng thường có vị trí ở chân đất ruộng trũng thấp, khó thoát nước hoặc ở trên khu đất cao, khó tiếp cận nước tưới. Trong khi khoảng gần chục năm về trước, bất chấp cảnh báo, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã cố tình đổ đất xuống ruộng để trồng cam. Nhiều trường hợp lạm dụng thuốc BVTV, không tuân thủ quy trình hướng dẫn và quy luật phát sinh gây hại của sâu bệnh, cộng gộp nhiều loại thuốc, phun quá liều lượng khuyến cáo, ảnh hưởng đến môi trường đất, không khí.
Đứng trước tình hình đó, huyện Lục Ngạn đã đưa ra các giải pháp khắc phục. Cụ thể như định hướng điều chỉnh giảm diện tích cây cam còn khoảng 1 nghìn ha. UBND huyện giao cho cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân sản xuất cam theo quy trình VietGAP, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để cây sinh trưởng, phát triển tốt và bền cây.
Phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh giống cây trồng chưa đủ điều kiện. Nghiên cứu xây dựng các cơ sở sản xuất, nhân giống cây ăn quả tại Lục Ngạn để cung ứng giống tại chỗ, bảo đảm chất lượng phục vụ nhân dân. Khuyến cáo người dân không trồng cam tại các vùng trũng thấp, khó tiêu thoát nước hoặc quá xa nguồn nước tưới; không trồng lại cây cam trên những vùng đất bị nhiễm bệnh.
Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn khuyến cáo, người dân cần tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học. Sử dụng phân chuồng đã ủ hoai mục kết hợp với ngâm ủ các loại phân có nguồn gốc từ động, thực vật như ngô, đậu tương, các loại cá, giảm sử dụng phân bón hóa học. Ngoài ra, người dân nên tuân thủ các nguyên tắc khi sử dụng thuốc BVTV; bảo đảm quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cam như: Trồng đúng mật độ, khoảng cách, theo băng, hàng để thuận lợi trong quá trình chăm sóc, thu hái và áp dụng công nghệ tưới nước, bón phân tự động.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)