Lục Ngạn: Bảo đảm nguồn điện, vốn vay cho vụ vải thiều
Cấp điện ổn định, liên tục
Mấy ngày qua, dù phải thi công trong điều kiện nắng nóng, địa hình phức tạp song Đội Quản lý vận hành (Điện lực Lục Ngạn) đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Trước nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng, để cấp điện ổn định, liên tục, Điện lực Lục Ngạn đã tập trung thực hiện các phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện trên địa bàn.
Công nhân Điện lực Lục Ngạn nâng cấp lưới điện tại xã Trù Hựu. |
Cụ thể, ngay từ đầu năm đơn vị đã tăng cường kiểm tra, rà soát, từ đó đề xuất với Công ty Điện lực Bắc Giang phương án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp lưới điện. Từ đầu năm đến trước vụ vải, đơn vị đã đóng điện 2 lộ xuất tuyến 371 và 373 sau trạm biến áp (TBA) 110 kV Lục Ngạn 2; nghiệm thu, đóng điện 15 TBA chống quá tải; xây dựng mới và cải tạo 36,5 km đường dây hạ áp tại một số xã trọng điểm.
Ngoài ra, Điện lực Lục Ngạn đã thực hiện 7 phương án sửa chữa lớn đường dây trung và hạ thế cùng hàng chục phương án sửa chữa thường xuyên; tiến hành thay thế, tráo đổi nâng công suất 27 TBA; thay thế 350 cột hạ áp thấp, yếu, không bảo đảm an toàn. Giải quyết tình trạng quá tải, đáp ứng cung cấp điện thường xuyên, liên tục, đơn vị cũng tiến hành chỉnh trang hơn 1.500 hòm, hộp công tơ theo tiêu chuẩn 5S…
Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Điện lực Lục Ngạn cho biết, đi đôi với đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống lưới điện, đơn vị đã sớm kiểm tra, thử nghiệm tại 42 TBA chuyên dùng, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trước khi đóng điện cho các cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp, thùng xốp và các vật tư phụ trợ phục vụ đóng gói, bảo quản, tiêu thụ vải thiều. Qua đó, giúp các cơ sở yên tâm sản xuất.
Đáp ứng nhu cầu vốn vay
Cùng với ngành điện, các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, Kho bạc Nhà nước cũng cam kết bảo đảm cung ứng thuận lợi nhất các dịch vụ tài chính cho tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch liên quan đến tiêu thụ vải thiều.
Người dân làm thủ tục vay vốn dùng cho chế biến, tiêu thụ vải thiều tại Agribank Lục Ngạn. |
Ông Nguyễn Văn Bẩy, thôn Đồng Tuấn, xã Thanh Hải chia sẻ: “Ngoài đầu tư phân bón cho vải, năm nay gia đình tôi còn xây thêm 1 lò sấy vải nên cần khoản vốn vay 200 triệu đồng. Sau khi hoàn thiện thủ tục đã được Agribank Lục Ngạn - Bắc Giang II giải ngân nhanh, kịp phục vụ sản xuất”.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã có kế hoạch cân đối tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thanh toán phục vụ chế biến và tiêu thụ vải thiều cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.
Tìm hiểu tại Agribank Lục Ngạn - Bắc Giang II, đơn vị có điểm giao dịch chính tại trung tâm thị trấn Chũ cùng các điểm giao dịch Kim, Lim, Biển Động và 1 điểm giao dịch lưu động được biết, vụ vải năm 2021, mỗi ngày đơn vị thực hiện giao dịch khoảng 100 tỷ đồng, cả vụ giao dịch hơn 5 nghìn tỷ đồng.
Theo đại diện lãnh đạo ngân hàng này, nhằm đáp ứng nguồn vốn vay cho hoạt động tiêu thụ, chế biến vải thiều, đơn vị đã bố trí cán bộ phụ trách, sắp xếp thời gian giao dịch hợp lý để kịp thời giải quyết các thủ tục giải ngân vốn, thanh toán cho khách hàng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thế Thi, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát tình hình sản xuất, dự trữ, đánh giá cung - cầu đối với các mặt hàng như đá cây, thùng xốp, thùng nhựa, nước đá công nghiệp… để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Đồng thời có phương án điều tiết nguồn cung ứng các mặt hàng, dịch vụ phụ trợ ngoài địa bàn vào huyện để bổ sung cho thị trường nếu xảy ra tình trạng tăng giá quá mức.
Bài, ảnh: Quang Huấn - Vũ Đoàn
Ý kiến bạn đọc (0)