Bắc Giang: Tích cực giải ngân, phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi
Vượt khó từ đồng vốn chính sách
Gia đình ông Vũ Đình Minh (SN 1969), ở thôn Đồng Khanh, xã Ngọc Vân (Tân Yên) là hộ nghèo đã nhiều năm. Nhà có đến 6 nhân khẩu, vợ chồng ông làm đủ nghề nhưng kinh tế gia đình mãi không khá lên được. Năm 2016, được Hội Nông dân xã tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn từ Quỹ QGVL. Với số tiền được vay 50 triệu đồng, lãi suất 0,55%/tháng (áp dụng với hộ nghèo), ông bàn với vợ mạnh dạn đầu tư một cặp bò sinh sản.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hiệp Hòa thực hiện giao dịch cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm tại xã Đoan Bái. |
Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ đồi cỏ sau nhà, chịu khó bỏ công chăm sóc, đến năm 2017, gia đình ông đã thoát nghèo, thành hộ cận nghèo. Không dừng ở đó, với quyết tâm vươn lên, ông Minh bỏ vốn tích lũy, cộng với tiếp tục vay 50 triệu đồng của nguồn Quỹ QGVL để cải tạo chuồng trại chăn nuôi.
Đến nay, gia đình ông có 10 con bò sinh sản, 6 con ngựa và hơn 1 vạn con vịt thương phẩm, số tiền lãi thu được hằng năm đạt 150 triệu đồng. Ông Minh phấn khởi nói: “Thời gian đầu vô cùng vất vả nhưng vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng vượt qua. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi, chưa biết đến bao giờ gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống mới khấm khá lên được. Thu nhập ổn định, tôi lo cho các con, sắm sửa thêm đồ dùng và dành một phần để tiếp tục mở rộng sản xuất”.
Tiếp nối nghề mộc của gia đình, đến nay, anh Phạm Văn Toan (SN 1985), thôn Hạ, xã Đức Giang (Yên Dũng) đã trở thành chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc dân dụng, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Anh Toan khởi nghiệp vào năm 2010 bằng 100 triệu đồng ủy thác qua tổ chức đoàn thanh niên từ vốn vay Quỹ QGVVL. Thời điểm đó, ngoài số tiền này, anh vay mượn thêm anh em, bạn bè, đầu tư hơn 500 triệu đồng để mở xưởng, mua thiết bị, máy móc. “Lo lắng lắm vì nếu làm ăn không thành thì tôi biết lấy gì để trả nợ”, anh Toan chia sẻ về thời điểm đầu khởi nghiệp.
Với quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh vừa quán xuyến việc sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm vừa tích cực đi tham quan, học học kinh nghiệm ở cả trong và ngoài tỉnh, tìm kiếm bạn hàng để mở rộng thị trường. Năm 2015, nhờ đủ điều kiện tiếp tục vay 300 triệu đồng từ nguồn quỹ này, anh lại đầu tư mua thêm các loại máy móc nhằm đa dạng mẫu mã sản phẩm. Không phụ công, từ năm 2018 đến nay, doanh thu mỗi năm của cơ sở đạt hơn 2 tỷ đồng với nhiều sản phẩm như giường, tủ, kệ bếp, cửa, cầu thang, được khách hàng các tỉnh lân cận tin dùng.
Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả vốn vay
Quỹ QGVVL được triển khai từ năm 1992 với mục tiêu hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động từ cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động của quỹ được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ.
Giai đoạn 2017-2019, tổng dư nợ của Quỹ QGVVL đạt gần 263 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ việc làm cho hơn 32 nghìn lượt khách hàng. Năm 2020, Ngân hàng CSXH T.Ư bổ sung 73 tỷ đồng bằng nguồn vốn huy động cho quỹ, ước doanh số cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 135,2 tỷ đồng, hỗ trợ gần 2,7 nghìn lao động có việc làm mới. |
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của T.Ư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay tới người dân; phối hợp triển khai các hoạt động nhằm đưa vốn đến các hộ có nhu cầu thông qua hệ thống Ngân hàng CSXH. Đặc biệt, từ tháng 11/2019, Nghị định 74/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 61 đã bổ sung thêm vốn, nâng hạn mức, thời hạn cho vay, tăng cơ hội tiếp cận và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của người dân các địa phương.
Ông Ngô Gia Quát, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Bên cạnh những kết quả tích cực mà nguồn Quỹ QGVVL mang lại thì khó khăn lớn nhất hiện nay là dư nợ của chương trình này còn thấp, chỉ chiếm 5,6% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh. Nguyên nhân là do nguồn vốn T.Ư, ngân sách các địa phương đối ứng để bổ sung vào Quỹ khá khiêm tốn; số tiền cho vay được bố trí hiện nay chủ yếu từ vốn quay vòng nhờ nguồn lãi cho vay hằng năm.
Vì vậy, qua đánh giá, nguồn quỹ này mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu việc làm của các cá nhân, cơ sở sản xuất. Để phát huy tối đa hiệu quả cho vay trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, ông Quát cho biết, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát tốt dư nợ thông qua việc triển khai chặt chẽ các khâu, từ thẩm định hồ sơ vay vốn, giải ngân, sử dụng nguồn vốn đến đôn đốc thu hồi nợ, xử lý rủi ro.
Về kinh nghiệm trong tổ chức cho vay từ nguồn Quỹ QGVVL, bà Ngô Thị Thắm, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Hòa chia sẻ: Hiện nay, dư nợ cho vay với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện gần 90 tỷ đồng. Để nâng hiệu quả nguồn vốn, định kỳ theo lịch đã xây dựng, đơn vị cử cán bộ giao ban với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác ở cơ sở để khảo sát nhu cầu vay vốn tại từng xã, tổ chức thẩm định chặt chẽ theo đúng quy trình, bình xét để lựa chọn hộ đủ điều kiện.
Sau khi giải ngân, thường xuyên giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng và vận động trả nợ dần theo định kỳ. Đặc biệt, phối hợp với chính quyền xã cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, con giống để mô hình sản xuất của các hộ vay vốn phát triển tốt. Nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của cơ sở sản xuất, hộ gia đình, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ cân đối, hằng năm cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ QGVVL. Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác, ủy thác cho Ngân hàng CSXH cho vay giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống, thu nhập cho người dân.
Ý kiến bạn đọc (0)